Sau khi phẫu thuật khối u ung thư đã di căn gan, vì kinh tế gia đình khó khăn, chị Út chỉ đi tái khám 3 lần. Nhưng nhờ có tinh thần lạc quan, chị đã sống khỏe với căn bệnh quái ác được 8 năm.
Trước đó, chị Trần Thị Út (49 tuổi, quê Long An) thấy đau ở vùng dạ dày, đi khám được kết luận viêm dạ dày, cho thuốc về uống. Tuy nhiên, triệu chứng không hết, còn đau hơn.
Năm 2016, thấy đường tiêu hóa có những bất thường, đi mới đến khoa Ung bướu, một bệnh viện tư ở TP.HCM khám. Từ các kết quả chụp chiếu, BS.CKI. Nguyễn Quốc Huy, Khoa Ung Bướu chẩn đoán chị Út bị ung thư bóng vater đã di căn gan. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối tá - tụy, gan để có thể ngăn tế bào ung di căn thêm.
Chị Út chụp ảnh cùng bác sĩ Huy. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Huy cho biết, ca phẫu thuật khối u ung thư cho chị Út kéo dài 10 giờ bằng phương pháp whipple vô cùng căng thẳng. Hơn nữa, với phẫu thuật cắt khối tá - tụy, gan được xem là cuộc đại phẫu phức tạp vì vùng giải phẫu rộng, liên quan đến nhiều trạng trọng yếu trong ổ bụng như mật, tụy, dạ dày… Do đó, quá trình phẫu thuật và hậu phẫu tiềm ẩn nhiều biến chứng, thời gian hồi phục lâu. Nhưng nhờ được lên kế hoạch và giải pháp cụ thể trước đó, ca phẫu thuật diễn ra thành công.
Điều bác sĩ Huy vô cùng ngạc nhiên là sau phẫu thuật, chị Út về quê đi làm bình thường. “Tôi ngạc nhiên hơn vì sau gần 8 năm gặp lại bệnh nhân vẫn khỏe mạnh và lao động bình thường, dù bệnh nhân chỉ đến tái khám có vài lần trong năm đầu sau mổ”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Sống khỏe với ung thư nhờ có tinh thần lạc quan
Chị Út cho biết, sau ca phẫu thuật ung thư, kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, chị phải đi làm kiếm tiền lo cho các con, một phần thấy sức khỏe bình thường, chị cũng không đi tái khám theo lời dặn của bác sĩ. “Trong năm đầu tiên sau phẫu thuật, tôi có đi tái khám 3 lần rồi ngưng. Tôi thấy sức khỏe bình thường, không có biến chứng gì khác nên không đi khám”, chị Út chia sẻ.
Mới đây, chị mới có dịp quay trở lại bệnh viện tái khám và gặp các y bác sĩ, trong đó có bác sĩ Huy đã phẫu thuật cho mình để cảm ơn. “Các chỉ số cận lâm sàng của tôi đều bình thường”, chị Út vui vẻ chia sẻ.
“Tôi mong rằng tất cả những ai nếu chẳng may mắc căn bệnh như tôi thì cố gắng đừng quá suy nghĩ, hãy giữ tâm thế bình tĩnh, cứ đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ”, chị Út nói.
Vui vẻ lạc quan là lý do giúp chị Út chiến thắng bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Ảnh minh họa.
Theo Bệnh viện Bạch Mai, ung thư bóng vater là một loại khối u ác tính hiếm gặp của hệ thống tiêu hóa, hình thành trong bóng vater. Khi bóng Vater bị bít tắc do tổ chức ung thư, dịch mật và dịch tụy không đổ vào ruột non được, ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa thức ăn, làm cho bệnh nhân bị khó tiêu, chán ăn, gầy sút, tắc mật gây vàng da vàng mắt, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời nguy cơ tử vong rất cao. Đây cũng là bệnh lý hiếm gặp và dễ chẩn đoán nhầm do có những triệu chứng giống với các bệnh sỏi mật hay cơn đau dạ dày...
Theo các thống kê, những bệnh nhân sau điều trị bằng phẫu thuật whipple đã đạt được tỷ lệ sống sót sau 5 năm là rất thấp. Thời gian sống thêm sau mổ 1 năm là 92,1%, sau 3 năm là 45,6% và sau 5 năm là 24,7%.
Bác sĩ Huy cho biết, trường hợp của chị Út, có thể được xem như một kỳ tích, bởi tại thời điểm đó ngoài u bướu bóng vater thì khối u đã di căn đến gan, tiên lượng sống thấp. Phần khác, bác sĩ Huy cho rằng, chị Út chiến thắng ung thư là nhờ tin tưởng vào việc điều trị của y khoa, hơn hết là tinh thần lạc quan của chính bản thân chị.