Ăn uống khoa học, anh giám đốc 34 tuổi vẫn mắc ung thư, quyết tâm làm 1 việc để giúp mọi người

DIỆU THUẦN - Ngày 01/08/2024 06:34 AM (GMT+7)

Khi biết bản thân mắc ung thư giai đoạn cuối, Tuấn cố gắng sốc lại tinh thần, quyết tâm phải lạc quan để có thể truyền thêm động lực vượt qua bệnh tật cho nhiều bệnh nhân khác.

Chỉ cho phép bản thân buồn 10 giây khi nhận kết quả mắc ung thư

Hà Mạnh Tuấn (Tony Hà, 34 tuổi, Hà Nội) là nhân vật những ngày qua được nhiều người biết đến khi chia sẻ Nhật ký chiến thắng ung thư hạch (U lympho) giai đoạn 4 trên trang cá nhân. Đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng thứ 13 trong các loại ung thư tại nước ta. 

Đầu tháng 7, sau khi trải qua đợt hóa trị lần 2, dù còn thấm mệt do ảnh hưởng của thuốc, Tuấn nhanh chóng lấy lại tinh thần để bay từ Hà Nội vào TP.HCM lan tỏa dự án về chiến thắng ung thư, nhằm truyền cảm hứng cho những người đang âm thầm chiến đấu với căn bệnh này. “Dự án này không chỉ thôi thúc, mà còn mang lại năng lượng cho tôi rất lớn. Cuộc sống này bây giờ không còn là của tôi nữa, mà nó là cuộc sống của hàng triệu  người trên thế giới đang theo dõi, mong chờ dự án này mang lại nhiều lợi ích cho họ”, anh giám đốc 34 tuổi chia sẻ.

Tuấn chỉ mất 10 giây để lấy lại tinh thần khi nhận kết quả mắc ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Diệu Thuần.

Tuấn chỉ mất 10 giây để lấy lại tinh thần khi nhận kết quả mắc ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Diệu Thuần. 

Nói về căn bệnh đang mắc, Tuấn cho biết, trước đó anh có sức khỏe bình thường. Bản thân anh cũng luôn ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên. Đến tháng 5 vừa qua, anh liên tục thấy khó thở, nhất là khi nằm ngủ, chạy hay có các hoạt động mạnh khác. “Hôm đó tôi cũng chạy bộ và thấy không thể thở nổi. Về nhà, mẹ thấy tôi thở khò khè, khuyên đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám”, Tuấn nhớ lại. 

Các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy, Tuấn bị tràn dịch màng phổi, u hạch thượng đòn, u hạch trung thất. Bác sĩ yêu cầu anh nhập viện phẫu thuật cắt bỏ khối u, làm sinh thiết cho kết quả ung thư hạch giai đoạn cuối. “Khi nghe bác sĩ nói mình mắc ung thư giai đoạn cuối, tôi cũng sợ, lo lắng như mọi người. Nhưng tôi chỉ cho phép bản thân có suy nghĩ đó trong 10 giây. Sau đó, tôi sốc lại tinh thần ngay”, Tuấn kể.

Trước khi phát hiện mắc ung thư, Tuấn là người có lối sống khoa học, thường xuyên vận động. Ảnh: NVCC.

Trước khi phát hiện mắc ung thư, Tuấn là người có lối sống khoa học, thường xuyên vận động. Ảnh: NVCC.

Không xem ung thư là kẻ thù

Theo Tuấn, tinh thần lạc quan sẽ chiếm khoảng 80% trong việc điều trị bệnh thành công, trong đó có ung thư. Vì vậy, anh quyết định phải sống chung với bệnh và phải quyết tâm chiến thắng được nó bằng sự vui vẻ lạc quan, làm những điều có ý nghĩa. “Tôi không xem ung thư là kẻ thù. Khi mình coi nó là kẻ thù, nó cũng coi mình là kẻ thù rồi sẽ phát tác, di căn khiến việc điều trị trở nên khó khăn”, Tuấn quả quyết.

“Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) đã chỉ ra, ung thư hạch nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống là 91%. Ở giai đoạn 4 như tôi là 81%. Vì vậy, tôi vẫn còn rất nhiều cơ hội”, giọng Tuấn lạc quan.

Trở về nhà, Tuấn suy nghĩ, mình cần phải làm gì đó ý nghĩa để vừa giúp bản thân có kinh nghiệm “chiến đấu” với ung thư vừa có thể truyền động lực cho người khác. Ý tưởng thành lập chuỗi dự án Chiến thắng ung thư được anh hình thành khi mới phát hiện bệnh được vài ngày, với mong muốn trang bị kiến thức phòng tránh ung thư cho mọi người và kêu gọi mọi người hãy biết lắng nghe, chăm sóc, yêu thương bản thân vô điều kiện. 

Hà Mạnh Tuấn vào 2 năm trước, khi chưa phát hiện mắc ung thư. Ảnh: NVCC.

Hà Mạnh Tuấn vào 2 năm trước, khi chưa phát hiện mắc ung thư. Ảnh: NVCC.

Ăn uống lành mạnh nhưng đủ chất

Tuấn tập trung vào việc ăn uống khoa học hơn. Vì vậy, anh đã dành thời gian để nghiên cứu, đọc các tài liệu về chế độ dinh dưỡng với người bị ung thư, các vi chất, vitamin chất xơ, chất đạm… có tác dụng gì, ăn như thế nào cho tốt.

Để đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể, Tuấn ăn đủ các nhóm chất, ưu tiên ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Buổi sáng Tuấn sẽ bổ sung đạm cho cơ thể bằng các loại hạt. Buổi trưa là ăn chay, nhưng thêm các loại hạt. Buổi tối, anh ăn bình thường và sẽ tập trung ăn các món nhiều nước, giàu đạm từ động vật.

Đối với thịt, Tuấn hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều chất béo xấu. Thay vào đó, anh bổ sung chất đạm từ các loại động vật 2 chân, các loại cá, các loại đậu (váng đậu). Với rau, anh tập trung ăn các loại rau họ cải, súp lơ, trong đó ưu tiên ăn các loại rau củ có màu tím.

Tuấn trong đợt hóa trị lần 3 tại Bệnh viện K. Ảnh: NVCC.

Tuấn trong đợt hóa trị lần 3 tại Bệnh viện K. Ảnh: NVCC.

“Với rau, tôi ăn đủ các màu, nhưng sẽ ăn loại có màu tím nhiều hơn. Rau củ màu tím chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa như anthocyanidin, flavonoid, polyphenol... giúp chống lão hóa, ngăn chặn tích tụ độc tố, tốt cho tiêu hóa, ngăn ngừa ung thư”, Tuấn chia sẻ.

Các món đồ chiên nướng là từng là món khoái khẩu của Tuấn, nhưng đây là các loại thực phẩm được xem là không tốt cho người bệnh ung thư, hoặc có nguy cơ ung thư. Để giải tỏa cơn thèm, Tuấn sẽ đặt lịch ăn cụ thể và lựa chọn những quán sạch, đảm bảo an toàn, gọi nhiều rau để cân bằng. Anh cũng sẽ ưu tiên ăn rau trước để kích thích dạ dày, lấp đầy chỗ trống và để hạn chế cơn thèm.

Ngoài ăn uống đủ chất, Tuấn còn còn thường xuyên vận động, gặp gỡ bạn bè, xem phim, đọc sách… để thư giãn đầu óc, giúp tinh thần thoải mái hơn.

Ngày 18/7 vừa qua, Tuấn tiếp tục đến Bệnh viện K để hóa trị đợt 3. Sau đợt hóa trị, được bác sĩ đánh giá sức khỏe tốt, cơ thể đáp ứng thuốc tốt, Tuấn lại tiếp tục bắt tay vào làm việc. “Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với ung như một chiến binh. Không có nỗi sợ nào làm khó tôi được cả”, Tuấn chia sẻ. Anh cũng mong mọi người không may mắc ung thư hãy lạc quan, kiên cường như mình.

Điều Tuấn mong muốn hiện nay là dự án Chiến thắng ung thư có thể truyền tải nhiều thông điệp đến mọi người. Ảnh: NVCC.

Điều Tuấn mong muốn hiện nay là dự án Chiến thắng ung thư có thể truyền tải nhiều thông điệp đến mọi người. Ảnh: NVCC.

Theo Bệnh viện K, ung thư sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và cuộc sống của mỗi người bệnh theo từng cách khác nhau. Để có thể vượt qua nó, người bệnh cần phải:

- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan trong quá trình điều trị. 

- Hãy cố gắng mở rộng vòng tay hướng đến bạn bè, gia đình, người thân và các tổ chức hỗ trợ để chia sẻ những sợ hãi, lo lắng, đau đớn của bản thân. 

- Hãy làm những việc yêu thích như nấu ăn, xem phim, nghe nhạc hay ngồi thiền… để giúp đầu óc thoải mái thì cũng là một cách giảm đau, tránh đi sự căng thẳng. 

- Hãy vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tập yoga… trong điều kiện sức khỏe cho phép và theo khuyến cáo của bác sĩ để vừa rèn sức khỏe vừa giảm đi các cơn đau, lo lắng.

- Hãy tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và thăm khám đúng hẹn.

Nữ giáo viên hơn 8 năm sống khỏe dù mắc 3 bệnh ung thư cùng lúc nhờ làm 1 việc, bác sĩ cũng khen tốt
Mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư phổi giai đoạn muộn, bà Thuận liên tiếp phải làm phẫu thuật cắt bỏ khối u, trải qua gần 50 đợt...

Bệnh ung thư

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư