Cà phê là đồ uống yêu thích của nhiều người cũng có thể là nguyên nhân gây tổn hại dạ dày và tăng nguy cơ ung thư nếu lạm dụng.
Nhiều người sẽ uống cà phê để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng, cũng có người uống cà phê như nước nhưng lưu ý càng uống nhiều lại càng hại sức khỏe. Các bác sĩ chỉ ra rằng uống cà phê điều độ có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh tim và ung thư, nhưng uống quá nhiều có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, bao gồm cả ung thư.
Uống quá nhiều cà phê có thể dẫn đến trào ngược axit nghiêm trọng và nguy cơ ung thư
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật người Đài Loan Zhan Yixue chỉ ra rằng uống cà phê có thể thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ đại tiện, giảm táo bón, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Một nghiên cứu năm 2022 chỉ ra rằng uống ba tách cà phê mỗi ngày có thể giúp bạn sống lâu hơn và tránh bị đột quỵ cũng như đau tim. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 500.000 người Anh ở độ tuổi khoảng 56 và phát hiện uống 3 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm 12% nguy cơ tử vong, 17% nguy cơ mắc bệnh tim và 21% nguy cơ đột quỵ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống cà phê có thể thúc đẩy sự gia tăng của vi khuẩn tốt trong ruột, giảm bệnh tiểu đường, tim mạch, bệnh ung thư, nhưng tiền đề của những lợi ích trên là uống cà phê với lượng thích hợp.
Uống cà phê quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản, dễ dẫn tới ung thư. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Zhan Yixue nhấn mạnh rằng nếu bạn uống quá, caffeine trong cà phê sẽ làm giãn cơ vòng "cardia" ở ngã ba thực quản và dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày qua thực quản, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài, thậm chí có thể gây tổn thương, ung thư thực quản. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều caffein cũng có thể khiến tim đập nhanh và tăng huyết áp.
Không nên uống quá 2 tách cà phê mỗi ngày
Nên uống cà phê như thế nào là đủ? Bác sĩ Zhan Yixue cho biết, theo thông báo của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, lượng caffeine khuyến nghị hàng ngày là dưới 300 mg, nếu là cà phê mới pha thì không nên uống quá 2 cốc mỗi ngày, và một cốc chỉ khoảng 350 cc.
Uống cà phê rang đậm làm giảm tiết axit dạ dày, nhưng thêm sữa thì không
Bác sĩ Zhan Yixue nhắc nhở rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ làm tăng tiết axit dạ dày và kích thích niêm mạc, nếu bạn bị viêm dạ dày hoặc loét dạ dày, bạn sẽ cảm thấy khó chịu hơn. Nếu thực sự muốn uống, bạn nên uống cà phê rang đậm, vì hạt cà phê rang đậm có chứa thành phần đặc biệt N-methylpyridinium (NMP) có thể làm giảm tiết axit dạ dày và ít ảnh hưởng đến dạ dày.
Uống cà phê với sữa dễ gây khó chịu dạ dày. (Ảnh minh họa)
Nhiều người uống cà phê với sữa, hoặc chọn uống latte vì nghĩ rằng nó sẽ không gây kích ứng dạ dày, nhưng thực tế không phải vậy. Bác sĩ Zhan Yixue giải thích rằng sữa có chứa chất béo, chất béo sẽ làm chậm nhu động đường tiêu hóa, dễ tạo cảm giác khó chịu, hơn nữa uống cà phê và sữa cùng nhau sẽ không làm tăng khả năng hấp thụ canxi.
Ngoài ra, bản thân cà phê có chứa một số hợp chất có thể gây khó chịu cho dạ dày của bạn, chẳng hạn như caffein và axit. Do đó nếu uống nhiều hoặc thêm các chất phụ gia phổ biến như sữa, kem, đường hoặc chất làm ngọt sẽ càng gây khó chịu cho dạ dày.