Rất nhiều người cần một tách cà phê để có thể tỉnh táo, bắt đầu ngày mới nhưng loại đồ uống này có thể tác động tiêu cực nếu dùng không đúng cách.
Cà phê, một thức uống được nhiều người ưa thích, có hương vị thơm ngon, tạo cảm giác sảng khoái và tăng hưng phấn. Cà phê sẽ là thực phẩm lành mạnh nếu bạn biết sử dụng đúng cách và nó có những lợi ích nhất định cho cơ thể.
Có chức năng loại bỏ gốc tự do trong cơ thể: Cà phê có chứa một lượng polyphenol nhất định, trong đó quan trọng nhất được gọi là axit chlorogenic, thuộc về axit hydroxycinnamic và đóng một vai trò nhất định trong việc chống oxy hóa và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể.
Tăng cường sức khỏe đường ruột: Cà phê, uống điều độ có thể cải thiện môi trường vi sinh vật đường ruột, cải thiện sự phân bố, loài và hàm lượng vi khuẩn chủ; trong đó bao gồm cả vi khuẩn bifidobacteria, có vai trò tăng cường sức khỏe đường ruột, tăng khả năng chống viêm của cơ thể.
Để cà phê phát huy được lợi ích trên thì cần phải lựa chọn cà phê nguyên chất, bạn hãy tự mua cà phê bột để pha hoặc tự xay hạt cà phê, bởi loại này ít chất phụ gia, giảm nguy hại và an toàn cho sức khỏe.
Những cách uống cà phê khiến bạn đến gần bệnh viện hơn:
1. Uống cà phê chứa nhiều sữa, đường
Nhiều người không muốn uống cà phê đen, do đó sẽ thêm thêm sữa, đường, tuy nhiên điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, tùy thuộc vào lượng bạn thêm vào.
Bạn sẽ không bị ảnh hưởng nếu hấp thụ một lượng đường vừa phải trong chế độ ăn uống. Nhưng ăn cùng lúc quá nhiều đường sẽ khiến nguy cơ xấu tăng dần lên. Cụ thể, khi già đi, bạn có thể thấy lượng đường trong máu, viêm nhiễm và bệnh tim tăng lên đáng kể.
2. Uống cà phê hòa tan quá thường xuyên
Cà phê hòa tan được nhiều nhân viên văn phòng yêu thích, vừa tiện lợi lại thơm ngon. Món đồ uống này vốn dĩ có nguồn gốc chiết xuất các thành phần từ hạt cà phê rang, sau khi sấy khô xay thành bột để tạo ra thức uống cà phê ba trong một.
Tuy nhiên, ít người để ý rằng, cà phê hòa tan được đóng gói sẵn thường chứa quá nhiều hương liệu, kem tách sữa và đường trắng. Thành phần chính của kem tách sữa là dầu thực vật hydro hóa, thuộc loại axit béo chuyển hóa, rất dễ dẫn đến béo phì, thừa cân và các rủi ro khác.
3. Uống quá nhiều cà phê
Uống nhiều cà phê cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và đường ruột, cafein là chất dễ kích thích tiết axit dịch vị và làm tăng nồng độ axit trong dạ dày. Đồng thời uống quá nhiều sẽ mang lại phiền toái cho cơ thể, tăng áp lực cho tim, khiến tim đập nhanh. Không nên uống nhiều hơn 3 tách cà phê mỗi ngày.
4. Uống cà phê trước khi ăn sáng và uống vào buổi tối
Uống cà phê lúc bụng đói vào buổi sáng làm tăng axit trong dạ dày, dẫn đến đau dạ dày và các triệu chứng khác. Đồng thời cũng không nên uống cà phê vào buổi tối, tránh làm mất một lượng lớn vitamin B, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể.
Khi uống cà phê, bạn nên uống sau bữa sáng hoặc sau bữa trưa, uống cà phê khi có thức ăn sẽ giảm nguy hiểm cho cơ thể.
Những người không nên uống cà phê
1. Trẻ em dưới 12 tuổi
Caffeine dễ khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn, đặc biệt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ở trẻ nhỏ. Trẻ uống cà phê có khả năng bị tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Cà phê có tính axit khá cao, do đó nguy cơ làm hỏng men, sâu răng.
2. Phụ nữ mang thai
Từng có khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế caffeine ở mức 200 mg (khoảng 2 tách cà phê) mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ sẩy thai, chuyển dạ sinh non và con nhẹ cân.
Tuy nhiên, một đánh giá năm 2020 được công bố trên tạp chí Y học Anh đã kết luận việc sử dụng caffeine trong thời kỳ mang thai không an toàn.
3. Bệnh nhân viêm loét dạ dày
Vấn đề lớn nhất của bệnh nhân viêm loét dạ dày là càng nhiều axit dịch vị sẽ càng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, uống nhiều cafein chắc chắn sẽ làm tăng kích thích niêm mạc dạ dày.
4. Người bị bệnh tim
Vì caffein trong cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời. Bởi vậy, bất kỳ ai có bệnh tim phải tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nên uống bao nhiêu cà phê là an toàn.