Nhiều người vì muốn có làn da đẹp, chống lại lão hóa mà tích cực bổ sung các sản phẩm tăng cường collagen. Tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp để tiêu thụ, có những người không nên uống collagen nếu không sẽ gây tổn hại sức khỏe.
Collagen là gì?
Collagen là một loại protein được tìm thấy trong các mô liên kết trong cơ thể bạn. Nó cũng là một trong những loại protein có nhiều nhất trong các mô của con người, chiếm khoảng 30% tổng lượng protein, hiện diện ở nhiều bộ phận cơ thể như da, xương, gân và dây chằng và ảnh hưởng đến hoạt động của các chức năng sinh lý. Công việc chính của nó là tạo cấu trúc cho các mô và giúp chúng chịu được lực kéo và va đập.
Có 3 loại collagen phổ biến nhất là:
Collagen loại I: Đây là loại collagen chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ thể con người, lên tới 90%, tạo thành các sợi dày đặc cung cấp cấu trúc cho da, xương, gân và dây chằng.
Collagen loại II: Là collagen biến tính, loại collagen này chủ yếu được tìm thấy trong sụn đàn hồi, hỗ trợ sụn khớp.
Collagen loại III: Collagen loại III có liên quan chặt chẽ đến cấu trúc và chức năng bình thường của mô mạch máu. Nó là một phần của thành mạch máu để tạo độ đàn hồi và hỗ trợ mạch máu. Đồng thời, nó cũng tham gia vào quá trình chữa lành và sửa chữa mô, khi tổn thương xảy ra, nó được sản sinh trong các mô xung quanh vết thương và thúc đẩy quá trình tái tạo mô.
Collagen loại III cũng có mặt ở những bộ phận giống collagen loại I.
Collagen có mặt ở nhiều bộ phận trong cơ thể. (Ảnh minh họa)
Collagen có thể bị suy giảm khi tuổi tác của chúng ta tăng lên, nguyên nhân là do tốc độ tổng hợp collagen chậm lại và tốc độ thoái hóa tăng nhanh dẫn đến tình trạng mất collagen nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một số thói quen hàng ngày khác như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc, uống rượu và thói quen ăn uống không lành mạnh cũng có thể có tác động tiêu cực đến việc sản xuất và bảo vệ collagen.
Do đó, một số người cố gắng tăng cường hoặc phục hồi collagen bằng cách bổ sung collagen. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung collagen có thể có lợi cho một số bộ phận của cơ thể, bao gồm quá trình lão hóa da, mật độ xương và khớp.
Bổ sung collagen có những lợi ích gì?
- Duy trì độ đàn hồi và sức khỏe của da: Tác dụng của collagen đối với da đã được nhiều người biết đến vì nó là thành phần quan trọng của da, có thể làm tăng độ đàn hồi và duy trì độ săn chắc của da. Khi chúng ta già đi, khả năng sản xuất collagen của cơ thể giảm đi, điều này có thể dẫn đến da khô, xuất hiện nếp nhăn và mất độ đàn hồi.
- Duy trì khả năng vận động và linh hoạt: Lợi ích của việc bổ sung collagen còn bao gồm việc duy trì khả năng vận động, bởi vì collagen là thành phần quan trọng của xương, khớp và sụn, và việc tiêu thụ đủ collagen có thể giúp duy trì độ đàn hồi và linh hoạt của các bộ phận quan trọng.
- Giúp sửa chữa mô: Collagen có thể giúp sửa chữa vết thương, thúc đẩy quá trình lành mô và hỗ trợ quá trình sửa chữa xương và cơ.
- Hỗ trợ và bảo vệ các cơ quan nội tạng: Phần lớn chức năng của collagen là hỗ trợ các cơ quan trong cơ thể, vì nó có độ dẻo dai và đàn hồi cao nên sự hiện diện của nó trong cơ thể có thể bảo vệ các cơ quan nội tạng.
- Xây dựng khối lượng cơ bắp: Collagen rất cần thiết cho sự phát triển và phục hồi cơ bắp. Tiêu thụ lượng collagen phù hợp có thể giúp tăng khối lượng cơ bắp, cải thiện thành tích thể thao và thúc đẩy quá trình phục hồi cơ bắp nhanh chóng.
- Giúp thai nhi phát triển bình thường: Collagen là thành phần quan trọng của cơ thể và đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của thai nhi, lợi ích của bà bầu khi ăn collagen là giúp hình thành xương, da, cơ và các cơ quan của thai nhi. đủ collagen có thể giúp thai nhi phát triển bình thường.
Nếu bạn không ăn đủ dinh dưỡng giúp tái tạo collagen thì có thể sử dụng nguồn collagen tổng hợp. Nghiên cứu cho thấy collagen peptide có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng cách giúp giữ nước cho da, ngăn ngừa nếp nhăn, ngăn ngừa loãng xương, đau khớp,...
Có nhiều dạng bổ sung collagen khác nhau dạng bột, viên con nhộng,... (Ảnh minh họa)
Những người không nên uống collagen
Mặc dù collagen là hoạt chất cần thiết cho cơ thể nhưng việc bổ sung nó một cách bừa bãi cũng không có lợi. Một số người không nên bổ sung collagen nếu không sẽ có thể gây ra những tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Người có tiền sử dị ứng
Nguồn collagen có thể đến từ cá, hải sản, thịt bò, lợn, gà và các loại thịt khác. Nếu bạn có tiền sử dị ứng liên quan thì không nên tiêu thụ.
Người có chức năng gan và thận bất thường
Collagen có thể cần được chuyển hóa ở gan hoặc thận. Đối với những người mắc bệnh gan hoặc thận, cũng như những người đang được điều trị các vấn đề liên quan, việc tiêu thụ collagen có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến chức năng gan và thận. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Người bị viêm loét dạ dày
Các loại collagen tổng hợp có thể bổ sung thêm một số chất khác có lợi cho da và sức khỏe như kẽm, biotin hoặc vitamin C. Vitamin C bản chất là một axit, khi tiêu thụ sẽ làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, khiến tình trạng viêm loét dạ dày có thể nặng hơn. Vì thế, người mắc bệnh viêm loét dạ dày cần cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm bổ sung collagen.
Có một số người không nên tùy tiện bổ sung collagen mà nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng. (Ảnh minh họa)
Người đang dùng thuốc đặc trị
Chưa rõ liệu collagen có tương tác với bất kỳ loại thuốc nào hay không. Tuy nhiên những người đang phải dùng các loại thuốc đặc trị vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bởi các loại thực phẩm bổ sung collagen có thể chứa những thành phần khác và tương tác với thuốc, gây ra tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả của thuốc.
Người bị bệnh gút
Theo trang tin sức khỏe Đại học Havard, những người đang mắc bệnh gút cũng cần hạn chế tiêu thụ protein và không nên tiêu thụ các loại thuốc bổ sung collagen.
Nên uống bao nhiêu collagen mỗi ngày?
Lượng collagen hấp thụ hàng ngày cho người lớn là 2.000 đến 5.000mg, có thể điều chỉnh dựa trên nhu cầu cá nhân và hướng dẫn sản phẩm bổ sung.
Khuyến cáo không nên vượt quá 10.000mg mỗi ngày. Tiêu thụ quá nhiều collagen có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, gây khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn và các triệu chứng khác.