Hà Nội - Bốn năm sau khi đặt túi nâng ngực thẩm mỹ, vùng ngực trái của người phụ nữ 31 tuổi bị căng tức và biến dạng so với bên phải.
Ngày 23/4, bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khám phát hiện túi ngực trái của bệnh nhân bị vỡ, vùng khoang xung quanh túi có nhiều dịch, dày khoảng 2 cm.
Cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận một phụ nữ khác, 55 tuổi, bị vỡ túi ngực mà không biết. Bà đặt túi ngực cách đây 14 năm. Khám sức khỏe, siêu âm và chụp MRI cho thấy túi ngực bên trái đã vỡ mặc dù bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường. "Khi phẫu thuật nâng ngực tôi được bác sĩ tư vấn 'bảo hành túi vĩnh viễn' nên không đi kiểm tra", bệnh nhân cho biết.
Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết hai bệnh nhân trên được phẫu thuật ngay để lấy túi độn ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết cũng như silicone gel thoát ra xung quanh, làm sạch khoang túi rồi đặt túi mới trở lại.
"Vỡ túi ngực không được phát hiện và xử lý sớm, dịch tích tụ nhiều có thể dẫn tới viêm, nhiễm trùng lan rộng, gây biến dạng ngực", bác sĩ Hồng nói, thêm rằng khi ngực bị viêm nhiễm, đặt túi độn lại sẽ tăng nguy cơ bị co, xơ dính.
Theo bác sĩ Hồng, túi độn ngực có thể bị vỡ do nhiều nguyên nhân, ví dụ vật sắc nhọn đâm như kim khâu, kim tiêm, dao kéo, hoặc ngoại lực mạnh tác động. Túi vỡ còn có thể do chất lượng sản xuất hoặc sau thời gian dùng lâu dài chất lượng kém đi nên dễ bị rách.
Hình ảnh MRI túi ngực bị vỡ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân vỡ túi ngực do phẫu thuật độn túi ngực đã quá lâu (trên 10 năm). Có thời điểm, trong một ngày, khoa tiếp nhận 3-4 bệnh nhân, theo bác sĩ Hồng. Đa số bệnh nhân cho biết khi thực hiện thủ thuật ở các cơ sở thẩm mỹ được tư vấn "bảo hành trọn đời", hoặc không được giải thích kỹ nên không biết phải kiểm tra định kỳ hoặc thay túi khi đến hạn.
"Không túi ngực nào có thể bảo hành trọn đời, vĩnh viễn", bác sĩ nói, khuyến cáo cần khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như sưng đau, căng tức, ngực biến dạng. Trường hợp không có bất thường, sau khoảng 7-8 năm nên siêu âm, chụp chiếu để kiểm tra túi và thay sau 10 năm.
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên độn túi ngực quá 15 năm.