Gạo lứt, yến mạch tuy là thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe, người khỏe mạnh ăn rất có lợi nhưng một số người ăn vào lại hại nhiều hơn lợi.
Khi nhắc đến thực phẩm giúp giảm cân, nhiều người ngay lập tức nghĩ đến gạo lứt, yến mạch. Đây là hai thực phẩm có thể giúp thay thế cơm gạo trắng để ăn.
Gạo lứt giàu dinh dưỡng hơn gạo trắng, rất giàu protein, chất xơ, vitamin B1, khoáng chất và enzyme, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, ổn định lượng đường trong máu, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và cải thiện tình trạng táo bón.
Còn yến mạch là một loại ngũ cốc giàu chất xơ. Ăn nó có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và lipid máu cao, đồng thời nó rất giàu chất xơ, cũng rất hữu ích để cải thiện chứng táo bón.
Mặc dù gạo lứt và yến mạch đều là "thần dược" giúp giảm cân, đặc biệt nhiều người còn xem gạo lứt là món ăn chữa bệnh của họ nhưng không phải ai cũng dùng được. Dược sĩ Chen Zejun của Yaoankang Pharmacy (Trung Quốc) đã nhắc nhở những người có vấn đề sau tốt nhất nên hạn chế hoặc tránh xa yến mạch, gạo lứt.
1. Người tiêu hóa kém
Bột yến mạch, gạo lứt rất giàu chất xơ. Tuy nhiên, chất xơ của 2 thực phẩm này thô hơn và khó tiêu hóa hơn. Nếu bạn bị đầy bụng, khó tiêu, ăn nhiều bột yến mạch có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Những người có vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, hành tá tràng, hội chứng ruột kích thích hay tắc ruột không thích hợp ăn ngũ cốc nguyên hạt, vì những thành phần này tương đối thô, ma sát vật lý với đường tiêu hóa sẽ gây đau hoặc gây khó tiêu.
2. Người bị thiếu sắt, canxi
Yến mạch và gạo lứt đều có chứa axit phytic và axit oxalic, có thể ức chế hấp thụ sắt và canxi, đặc biệt là quá trình hấp thu sắt. Do đó, tốt nhất bạn không nên ăn yến mạch với sữa để tránh ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi.
Ngoài ra, những người thiếu canxi, thiếu máu phải ăn thịt đỏ nếu muốn ăn gạo lứt. Chất sắt có trong thịt đỏ không bị ảnh hưởng bởi axit phytic, và một nửa nguồn thịt mỗi ngày tốt nhất nên là thịt đỏ.
3. Bệnh nhân bị bệnh thận
Yến mạch, gạo lứt có chứa nhiều protein, kali, phốt pho, gạo lứt cũng chứa hàm lượng phốt pho cao hơn gạo trắng, cơ thể người bệnh khó dung nạp được, dễ ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa ở thận và làm bệnh thận nặng thêm. Vì vậy, những người bị bệnh thận không nên tiêu thụ lượng lớn yến mạch hay gạo lứt, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để biết lượng khuyến nghị hàng ngày trước khi ăn.
4. Người có chức năng nhai kém
Gạo lứt cứng hơn gạo trắng, không có lợi cho việc nhai nuốt của người già và trẻ nhỏ. Nếu uống quá ít nước sẽ càng dễ bị táo bón. Do đó, nếu người già muốn ăn nên thêm nhiều nước để gạo lứt thật mềm như cháo, dễ ăn hơn.
5. Bệnh nhân tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường nên kiểm soát lượng tinh bột, ngay cả khi ăn gạo lứt cũng nên kiểm soát lượng sử dụng. Nhưng một khi bệnh tiểu đường kết hợp với bệnh thận thì lúc này không thể ăn ngũ cốc nguyên hạt.
Mặc dù bột yến mạch có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu nhưng bột yến mạch vẫn thuộc loại ngũ cốc nguyên hạt, ăn quá nhiều yến mạch có thể khiến bạn nạp quá nhiều tinh bột, không có lợi cho việc duy trì ổn định lượng đường trong máu.
6. Bệnh nhân viêm túi thừa
Nếu bệnh viêm túi thừa đang ở giai đoạn viêm cấp tính thì việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch hay gạo lứt dễ khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, vì vậy cần tránh hết mức có thể.
7. Bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa
Người phẫu thuật đường tiêu hóa hoặc ung thư đường tiêu hóa không thích hợp để ăn gạo lứt hay yến mạch. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư đại trực tràng nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ từ thời gian điều trị đến ít nhất hai hoặc ba tháng sau khi điều trị, tránh thức ăn quá giàu chất xơ sẽ gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.