Đêm hôm trước, đến ngày trả nợ, em trai chồng đã đến nhà tôi như đúng hẹn.
Trong nhà, tôi chủ trương hai vợ chồng cùng nhau quản lý tài chính vì cho rằng như vậy sẽ công bằng, minh bạch hơn. Nhưng chồng tôi lại muốn anh làm “tay hòm chìa khóa” vì anh biết cách quản lý tiền bạc hơn. Tôi tuy thỏa hiệp nhưng luôn cảm thấy lo lắng, bất an.
Cho đến một ngày, tôi phát hiện chồng quá hào phóng trong chi tiêu, anh thường mua đồ cho bố mẹ chồng và em trai. Tôi rất lo ngại về điều này, cho rằng hai vợ chồng nên lên kế hoạch chi tiêu hợp lý để đảm bảo chất lượng cuộc sống sau này. Tuy nhiên, chồng lại cho rằng tôi keo kiệt, là con một, không có anh chị em nên không thể hiểu được tình cảm gia đình. Hai vợ chồng tranh cãi gay gắt về chuyện này, nhưng mọi cuộc tranh cãi đều kết thúc với việc tôi phải thỏa hiệp.
Sự nhờ vả của em trai chồng càng làm mâu thuẫn giữa vợ chồng tôi leo thang. Em thường xuyên vay tiền chồng tôi và không bao giờ trả lại. Mặc cho vợ tỏ rõ sự bất bình, nhưng chồng luôn bảo:
- Anh em trong nhà cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Em ấy chỉ gặp khó khăn tạm thời thôi, đây là lúc em cần giúp đỡ nhất. Là anh trai ruột, anh không thể trơ mắt nhìn em mình gặp khó khăn mà không giúp được.
Vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã về chuyện tiền bạc. (Ảnh minh họa)
Một buổi sáng 2 năm trước, tôi đang dọn nhà thì đột nhiên thấy một biên lai chuyển tiền. Số tiền là 500 triệu, người nhận là em trai chồng. Vội vàng lục sổ tiết kiệm của gia đình nhưng tất cả đã biến mất. Chồng đã lén rút hết tiền tiết kiệm đưa cho em trai mà không nói với tôi một lời.
Bức xúc, tôi cầm biên lai chuyển tiền đưa cho cho chồng để hỏi cho ra nhẽ. Thấy sự việc bại lộ, sắc mặt chồng tái nhợt. Anh ngập ngừng giải thích:
- Em trai anh cần tiền xoay sở công việc kinh doanh nên anh…
Tôi tức giận trừng mắt nhìn chồng:
- 500 triệu. Tại sao cho vay số tiền lớn như vậy mà anh không bàn bạc với em? Đây là tài sản chung của chúng ta, không phải của riêng anh.
- Anh tưởng em sẽ hiểu anh chứ? Dù sao em trai cũng là người trong nhà, em đang cần chúng ta giúp đỡ.
- Em cần chúng ta giúp đỡ? Vậy thì gia đình chúng ta ai giúp đây? Anh có bao giờ nghĩ đến tương lai của chúng ta không?
Hai vợ chồng trai cãi kịch liệt, thu hút sự chú ý của bố mẹ chồng. Biết chuyện, bố mẹ chồng cũng hùa vào trách móc tôi toan tính với người nhà, không biết tầm quan trọng của tình cảm gia đình.
Cảm thấy bị cô lập và bị phản bội ghê gớm, hít một hơi thật sâu, tôi kiên quyết nói:
- Sau này em sẽ là người quản lý tiền trong nhà để tránh chuyện tương tự xảy ra.
Tôi vừa dứt lời, chồng đã tức giận đáp lại:
- Em có ý gì? Em không tin anh à? Chúng ta đã kết hôn nhiều năm như vậy, em biết anh là người như thế nào, giỏi chi tiêu ra sao mà.
Bố mẹ chồng cũng đứng về phía con trai, bảo tôi làm quá lên, khuyên rằng là người một nhà thì nên tin tưởng thay vì nghi ngờ lẫn nhau.
Nhưng dù ai có nói gì đi chăng nữa, tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình và kết quả chồng đành thỏa hiệp.
Sau khi biết chồng tự ý cho em trai vay tiền, tôi quyết đòi lại quyền quản lý tài chính từ tay chồng. (Ảnh minh họa)
Đêm hôm trước, đến ngày trả nợ, em trai chồng đã đến nhà tôi như đúng hẹn. Nhưng, mặt em phờ phạc, thất thần rồi nói với chúng tôi:
- Anh trai, chị dâu, việc kinh doanh của em thất bại rồi. 500 triệu kia em không thể trả anh chị được.
Mặt chồng tôi tái mét, trừng mắt nhìn em, giọng run run hỏi lại để xác nhận lời em vừa nói. Tôi cũng mất bình tĩnh gằn giọng:
- Chẳng nhẽ bây giờ làm ăn thất bại rồi, em muốn anh chị gạt nợ cho à? 500 triệu chứ đâu ít. Đâu thể chỉ một câu “em không thể trả” là xong.
Bố mẹ chồng nghe thấy cuộc cãi vã của chúng tôi liền cố gắng xoa dịu bầu không khí. Nhưng khi em trai chồng nói sẽ bán nhà trả nợ cho chúng tôi thì bố mẹ liền giãy nảy lên, bảo chúng tôi làm anh chị mà quá khắt khe, bạc tình.
- Em đang gặp khó khăn, các con đừng ép em nó đến đường cùng như thế. Bán nhà rồi thì nó và vợ con biết ở đâu. Cho em nó thời gian, khi nào có thì trả, nếu không thì coi như lọt sàng xuống nia đi. Anh em trong nhà tính toán chi li làm gì cho mất tình cảm.
500 triệu mà sao mẹ chồng nói nhẹ nhàng thế? Vợ chồng tôi không ép em trai bán nhà trả nợ, nhưng chí ít phải viết giấy nợ, ghi rõ thời gian trả để vợ chồng tôi an tâm, để em có trách nhiệm mà trả nợ chứ? Tuy nhiên, mẹ chồng vẫn không hài lòng.
Còn chồng, sau khi được gia đình nói ngọt ngào, kèm theo lời hứa suông của em trai, anh lại quay sang bảo tôi không cần viết giấy nợ. Gia đình lại cãi vã gay gắt. Tuyệt vọng, tôi tức giận bỏ về nhà ngoại ngay trong đêm. Đến giờ tôi vẫn chưa biết nên giải quyết mớ rắc rối này như thế nào để tránh ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình đây.