Lần nào cãi vã, chồng tôi cũng chỉ ậm ừ cho xong chuyện, còn thực tế sau lưng vẫn giấu cho tiền em.
Chồng tôi chỉ có một cô em gái nên anh chiều lắm. Chuyện anh em trong nhà thương yêu, đùm bọc nhau, tôi luôn tán thành ủng hộ. Có điều tôi nghĩ, mọi thứ đều phải có giới hạn, dù anh em tình cảm, thương yêu nhau thế nào đi nữa nhưng khi đã kết hôn thì cần phải biết điều chỉnh sao cho cân bằng.
Buồn rằng chồng tôi lại không làm được điều đó, anh nuông chiều em gái một cách thái quá khiến tôi không đồng tình. Đặc biệt việc anh thường xuyên giấu vợ lén cho em tiền là điều khiến tôi bất bình nhất.
Trước đây, khi em gái chưa lấy chồng, thi thoảng anh lại rút ví cho đôi ba triệu mua mỹ phẩm, váy áo, tôi không phản đối. Cô ấy học xong ra trường, anh cho 40 triệu mua xe đi làm, tôi cũng đồng tình nhưng vẫn lén cho riêng thêm 20 triệu để mua máy tính xách tay mới, trong khi máy cũ vẫn còn dùng tốt.
Lần ấy 2 vợ chồng đã có lời qua tiếng lại, tôi nói rõ không đồng tình với việc anh cho em gái khoản tiền lớn mà không thông qua ý vợ. Hơn nữa, tôi cũng chỉ tán thành việc anh giúp đỡ em gái những khoản chi tiêu hợp lý, còn không thể bất cứ khi nào cô ấy cần tiền, anh cũng rút ví như vậy.
Chồng thường xuyên giấu vợ lén cho em tiền khiến tôi rất bất bình. (Ảnh minh họa)
Nhưng lần nào cãi vã, chồng tôi cũng chỉ ậm ừ cho xong chuyện, còn thực tế sau lưng vẫn giấu cho tiền em. Ngay cả khi cô ấy đã kết hôn, điều kiện kinh tế không khó khăn, eo hẹp gì mà chồng tôi vẫn chuyển khoản cho em gái, nhiều thì cả chục triệu, ít thì 3-4 triệu. Có lần tôi thấy tin nhắn chuyển khoản của anh nên nhắc, song anh lại mắng:
“Em sống lúc nào cũng tính toán. Anh chỉ có duy nhất 1 cô em gái, chẳng lo cho nó thì còn lo cho ai”.
Hôm ấy anh đi tắm để điện thoại ở phòng ngủ, đúng lúc em gái gửi tin nhắn tới:
“Em nhận 100 triệu rồi. Cảm ơn anh trai đã tài trợ. Hôm lấy xe, em sẽ tới đón anh đi khao bữa to”.
Đợi chồng từ nhà tắm đi ra, tôi hỏi thẳng tiền đó là thế nào. Ban đầu anh giấu vòng vo. Cho tới khi tôi bảo:
“Em đã rõ mọi việc, chỉ đợi lời giải thích của anh. Nếu không em sẽ họp gia đình, gọi cả bố mẹ và cô Hồng (tên em gái chồng tôi) nói chuyện. Em muốn hỏi cả gia đình mình xem, mọi người có tán thành với cách hành xử thiếu tôn trọng vợ của anh không?”.
Nghe vợ nói, mặt chồng tôi bắt đầu đỏ bừng, nói lại bằng giọng khó chịu:
“Em bỏ ngay cái tính tò mò, tự tiện xem tin nhắn của chồng đi. Hơn nữa, anh cho tiền em gái bằng tiền riêng của anh, không liên quan tới em, không ảnh hưởng gì tới kinh tế gia đình nên cấm em ý kiến”.
Biết chồng cho em gái 100 triệu, tôi hỏi thẳng anh nào ngờ anh lại nói với tôi bằng giọng khó chịu. (Ảnh minh họa)
Lý lẽ ngang ngược của chồng khiến tôi không thể nhẫn nhịn được hơn nên thẳng thắn trả lời:
“Nếu như anh làm mọi việc đều có sự tôn trọng, bàn bạc trước với vợ, để vợ tin tưởng, chắc chắn sẽ không bao giờ có chuyện em phải theo dõi tin nhắn của chồng.
Còn anh nói, tiền anh cho em gái là tiền anh kiếm, không liên quan tới em, vậy hóa ra trong lòng anh vốn đã không xem em là vợ. Bởi đã là vợ chồng, tài chính phải là của chung, tuyệt đối không có kiểu ai kiếm người ấy tiêu, người kia không được can thiệp.
Trong khi thực tế không ít lần em đã nói rõ với anh, em chưa bao giờ tiếc tiền với người thân trong gia đình. Cái em cần là sự tôn trọng. Bây giờ anh đã nói, tiền anh kiếm, anh có quyền cho, quyền tiêu, cấm vợ tham gia ý kiến… Được! Vậy ngay từ lúc này em sẽ sống đúng theo ý anh. Giữa em với anh từ nay tài chính minh bạch, chúng ta chỉ góp gạo thổi cơm chung, còn lại việc ai người ấy làm”.
Dứt lời, lập tức tôi mang sổ chi tiêu chỉ rõ các khoản đôi bên cưa đôi đóng góp bao gồm: tiền nuôi con, điện nước, còn không ai liên quan ai.
Chồng tôi quá hiểu tính vợ, trước nay đã nói là sẽ làm. Hơn nữa trong kinh tế tôi tự chủ, có sự nghiệp riêng nên chẳng có lý do gì tôi phải phụ thuộc chồng. Vậy là anh phải xuống nước nhận sai, hứa từ nay làm gì cũng phải tôn trọng ý kiến của vợ.