Suốt một tháng qua, tôi gọi điện hối thúc chị Hiên trả tiền để lo chuyện nhà nhưng chị nói tiền trả lãi cho tôi không có, làm gì có mà trả gốc.
Những ai đang cho vay hoặc muốn dấn thân vào con đường cho vay lấy lãi thì hãy nghe kinh nghiệm của tôi để mà học hỏi, tránh mất những đồng tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng vất vả làm ra.
Tôi có 2 nghề, nghề chính là làm văn phòng, nghề phụ là cho vay có lãi. 10 năm trước, nhà tôi đã xây đâu vào đấy cả rồi, thấy tiền gửi ngân hàng lãi thấp, mua vàng để một chỗ không có lời, bạn bè người thân hỏi vay tiền suốt ngày.
Mọi người khó khăn, tôi có tiền mà không giúp thì rất nghĩ ngợi. Vậy là tôi quyết định rút tiền ngân hàng về cho anh em bạn bè vay với lãi suất 10%/năm. Mỗi người vay của tôi chỉ dưới 100 triệu nhưng có một chị thân thiết nhất tên Hiên và gia cảnh khó khăn nên tôi cho vay 200 triệu.
Những năm sau đó, mỗi khi gia đình có việc chị Hiên đều qua tôi hỏi vay tiền. Lúc đầu tôi nói không cho vay, sau rồi chị ấy ngồi thủ thỉ than vãn:
“Em mà không cho chị vay thì chị không biết xoay đâu được. Giúp chị mỗi lần này nữa thôi, em lấy bao nhiêu lãi cũng được. Em không giúp chị phải đi vay ở chỗ lãi cao hơn, nếu vỡ nợ thì chẳng có tiền mà trả được em đâu”.
Tôi có một chị thân thiết nhất tên Hiên và gia cảnh khó khăn nên tôi cho vay 200 triệu. (Ảnh minh họa)
Ngày đó, tinh thần còn non yếu, mỗi khi nghe chị nói vay chỗ lãi cao hơn là tôi lại lo sợ chị vỡ nợ không trả nổi gốc cho tôi, vậy là tôi đành lấy tiền cho chị ấy vay tiếp. Nhiều khi trong nhà không có tiền, tôi phải đi vay bên ngoài để cho chị Hiên vay.
Những năm qua, chị trả lãi rất sòng phẳng, thế nhưng đầu năm nay chị không trả tôi đồng lãi nào. Nguyên nhân là chị đòi vay tiếp, tôi không cho vay nữa bởi số tiền chị ấy vay hiện tại đã lên đến 1 tỷ, đó là cả gia tài của nhà tôi.
Khi chị không trả gốc cũng chẳng trả lãi, tôi mới bắt đầu ngồi ngẫm nghĩ và rút kinh nghiệm cho bản thân. Nếu vay quá 100 triệu không có thế chấp thì không cho vay. Không nên tin tưởng miệng lưỡi của người đi vay, bởi lòng người thay đổi, họ có thể trở mặt bất kì lúc nào.
Không có duyên với nghề cho vay, không có bản lĩnh chịu rủi ro thì đừng làm nghề này. Đừng mềm lòng trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của kẻ đi vay. Điều quan trọng nhất là không được tham. Nếu cho vay lãi suất cao sẽ sớm lụi bại. Nếu cho vay không đúng đối tượng sẽ mất tiền.
Để có được kinh nghiệm đó, tôi phải đánh đổi số tiền 1 tỷ. Với số tiền đó gửi ngân hàng mỗi năm tôi cũng kiếm được 50 triệu. Cho chị Hiên vay, tôi đã hạ mức lãi suất xuống còn 2 triệu/tháng, vậy mà nửa năm nay chị mới trả tôi được 5 triệu.
Một năm nay, chồng tôi bị mất việc, anh ấy cần tiền đầu tư nên liên tục hối thúc tôi đưa tiền cho anh làm ăn. Lần nào tôi cũng tìm mọi cách khuyên anh kiếm việc công ty làm cho chắc chắn, bởi trong nhà có bao nhiêu tiền tôi cho chị Hiên vay rồi nên chẳng còn tiền để chồng làm việc lớn.
Cho chị Hiên vay, tôi đã hạ mức lãi suất xuống còn 2 triệu/tháng, vậy mà nửa năm nay chị mới trả tôi được 5 triệu. (Ảnh minh họa)
Suốt một tháng qua, tôi gọi điện hối thúc chị Hiên trả tiền để lo chuyện nhà nhưng chị nói tiền trả lãi cho tôi không có, làm gì có mà trả gốc. Thấy chị mãi không trả, tôi tìm đến tận nhà đòi nợ.
Nhìn thấy nhà chị có một bình hoa rất đẹp đặt trên bàn, tôi tức giận đến mức bật khóc:
“Vợ chồng có tiền mua hoa đẹp để trên bàn chơi, vậy mà không có tiền trả nợ cho em, không hiểu vợ chồng chị nghĩ gì nữa?”.
Chị Hiên vội vàng giải thích:
“Hôm qua, con gái chị sinh nhật nên bạn bè của cháu tặng. Tại con chị học đại học tốn kém nên mới thất hứa với em. Chị biết em giúp đỡ nhiều và hứa sau khi con trai học xong sẽ trả nợ em sòng phẳng. Hãy cho chị thêm thời gian, chị không phải là người gian dối lừa đảo nên em cứ yên tâm”.
Không hiểu sao mỗi khi nghe chị Hiên nói những lời an ủi đó, tôi lại mềm lòng và chấp nhận hoãn thời gian trả nợ. Tuy nhiên khi trở về nhà, đối mặt với sự hối thúc của chồng tôi lại thấy mình sai quá sai. Đáng nhẽ tôi không nên mềm lòng như thế, giờ tôi phải làm sao đây?