Nhà anh trai chồng ngay bên cạnh. Từ ngày tôi nghỉ ở nhà dưỡng thai thì bọn trẻ ngày nào cũng qua ăn chực.
Vợ chồng tôi mới cưới nhau, kinh tế còn nhiều khó khăn nên không thể ra ngoài ở riêng mà phải sống chung với bố mẹ chồng. Một tháng nay tôi bầu bì cơ thể yếu nên nghỉ làm để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con.
Chồng tôi đi làm xa nhà, ở nhà chỉ có bố mẹ chồng và tôi nên ông bà không cho ăn riêng. Nhà anh trai chồng ngay cạnh nhà ông bà, lúc trước ngày nào 3 đứa con anh chị cũng qua chơi nhưng không bao giờ ở lại ăn cơm. Cho dù ông bà mời kiểu gì bọn trẻ cũng về nhà ăn.
Khi đó tôi cho là bọn trẻ còn nhỏ mà hiểu chuyện, đúng là được bố mẹ dạy dỗ tốt mới không đi ăn chực thế. Vậy mà từ ngày tôi nghỉ ở nhà dưỡng thai thì bọn trẻ ngày nào cũng qua ăn chực.
Nhà chỉ có 3 người lớn nên tôi chỉ nấu đủ suất ăn cho bằng ấy người, thế mà cứ thấy động đũa bát là bọn trẻ nhà chị dâu lại chạy qua ăn. Ngày 2 bữa đều như được hẹn giờ vậy.
Bọn trẻ học mẫu giáo và tiểu học, cái tuổi ăn rất khỏe. Từ ngày bọn trẻ qua ăn chực, tôi để ý thấy ông bà ăn ít hơn, nhường hết những món ngon hay trái cây cho các cháu. Còn bố mẹ chồng chỉ ăn cơm chan với nước canh là xong bữa cơm.
Một tháng nay tôi bầu bì cơ thể yếu nên nghỉ làm để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con. (Ảnh minh họa)
Các cháu còn nhỏ ăn uống lộn xộn, thấy món ngon thì gắp liên tục như sợ mất phần nhìn rất phản cảm. Nhiều hôm tôi mà ngồi mâm trễ thì chắc chắn chỉ còn cơm trắng với nước mắm.
Có hôm bụng đói nhường đồ ăn cho các cháu, tôi bức xúc góp ý bố mẹ:
“Từ lần sau bọn trẻ chạy qua ăn cơm, con bảo các cháu về thì bố mẹ đừng níu giữ làm gì. Nhà các cháu đâu có đói khát gì mà phải qua đây ăn chực. Với lại bố mẹ cũng nên uốn nắn dạy bảo các cháu dần đi, kẻo lớn rồi mà còn có thói quen đi ăn cơm rình nhà khác là không hay đâu. Sau này bọn trẻ lớn lên chúng sẽ xấu hổ khi nghĩ đến chuyện ngày nhỏ đi ăn chực”.
Thế nhưng bố chồng luôn miệng nói bọn trẻ ăn đáng mấy, với lại ăn nhà ông bà nội không phải ăn chực. Còn mẹ thì nhắc nhở tôi lần sau nấu tăng thêm thức ăn để cho bọn nhỏ ăn kẻo đói thì tội.
Mỗi tháng bà đưa tôi có 3 triệu tiền ăn điện nước, tôi mà tăng tiền mua đồ ăn nữa thì lấy tiền túi ra chi sao. Góp ý ông bà không nghe, ngày nào cũng nhiệt tình mời các cháu qua ăn, tôi mệt mỏi để mặc 2 người muốn làm gì thì làm.
Mẹ nhắc nhở tôi lần sau nấu tăng thêm thức ăn để cho bọn nhỏ ăn kẻo đói thì tội. (Ảnh minh họa)
Còn tôi vẫn chỉ mua đồ ăn có giới hạn, ông bà thích có cháu ăn chung cho vui thì nhường suất ăn của bản thân, tôi bầu bì phải ráng ăn để có sức sinh nở.
Ngày hôm kia, tôi thấy chị dâu qua nhà đưa tiền cho mẹ chồng. Lấy làm lạ nên tôi hỏi tiền gì thế. Tôi bàng hoàng khi chị dâu nói:
“Từ ngày ăn những món ngon của thím nấu, các con của chị không chịu ăn cơm nhà nữa. Anh chị đi làm cả ngày, tối về muộn không thể nấu những món ngon cho bọn trẻ ăn. Thấy các con thích món ăn của em nấu nên tháng vừa rồi chị góp với mẹ 4 triệu tiền ăn để cho bọn trẻ ăn cùng.
Còn một tháng hè nữa, em cố gắng giúp chị nấu nướng cho bọn trẻ ăn cùng với nha. Sang tháng 8 bọn trẻ đi học ăn ở trường sẽ không phải nấu nữa. Em cứ giúp chị đi, mấy bữa nữa em sinh con chị sẽ nghỉ phép chăm sóc các cháu”.
Tôi không ngờ chị dâu lại góp nhiều tiền để cho các cháu ăn với ông bà nội đến thế. Vậy mà mẹ chồng không nói với tôi việc chị ấy góp tiền, cũng chẳng đưa thêm tiền cho tôi mua đồ ăn cho các cháu. Rõ ràng chị dâu đóng tiền ăn, vậy mà các cháu phải ăn uống tằn tiện.
Theo mọi người tôi nên bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho các cháu hay nhắc nhở mẹ chồng chi tiền thêm đây?