Sau khi bàn bạc với vợ, chúng tôi quyết định mượn bố vợ 300 triệu để mua xe.
Tôi và vợ là bạn học từ thời đại học. Khi đó, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, trong số các anh em, chỉ có tôi là người duy nhất đỗ đại học, mang lại niềm tự hào cho gia đình. Hai người anh lớn của tôi đã đến tuổi lập gia đình, nhưng gia đình không có đủ tiền để lo cho họ. Mẹ tôi phải làm đủ mọi việc, từ tiết kiệm chi tiêu đến làm thêm, để trang trải cuộc sống.
Trong thời gian đó, tôi may mắn gặp được người vợ hiện tại là Nguyệt. Ban đầu, nhiều người xung quanh đã chỉ trích và bàn tán về mối quan hệ của chúng tôi, cho rằng một chàng trai nông thôn nghèo như tôi không có khả năng tìm được bạn gái, nếu có cũng chẳng duy trì được bao lâu.
Họ nói, việc hẹn hò thường đi kèm với những buổi xem phim hay ăn uống, mà tôi khi đó đang là sinh viên nghèo, tiền ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra tiền để chi trả những khoản đó. Cho nên, ai mà chịu ở bên cạnh tôi.
Tuy nhiên, Nguyệt không những không chê bai tôi, mà còn thường xuyên hỗ trợ tôi mỗi khi gia đình không kịp gửi tiền sinh hoạt phí. Tôi từng thắc mắc về lý do tại sao cô ấy lại chọn mình, một chàng trai nghèo. Khi đó, Nguyệt đã trả lời rằng cô ấy cảm thấy tôi là người đáng tin cậy, chân thành và cũng có ngoại hình ưa nhìn. Với cô ấy, tiền bạc hay gia cảnh đều không quan trọng. Những hành động và lời nói của Nguyệt khiến tôi rất xúc động, tôi thầm thề sau này sẽ đối xử thật tốt với cô ấy.
Tôi và vợ yêu nhau từ hồi sinh viên. (Ảnh minh họa)
Sau khi tốt nghiệp, tôi bám trụ lại thành phố, được nhận vào một công ty tốt và may mắn là Nguyệt cũng vậy. Tôi dự định sẽ tiết kiệm đủ tiền để mua nhà và cưới Nguyệt về làm vợ. Tuy nhiên, tôi khá lo lắng, không biết gia đình Nguyệt có đồng ý cho chúng tôi đến với nhau hay không, vì gia đình cô ấy rất có điều kiện.
Tôi từng tâm sự với mẹ về mối quan hệ giữa mình với Nguyệt thì mẹ liền xua tay nói:
- Không có kết quả tốt đẹp đâu con ạ. Đau ngắn còn hơn đau dài, chia tay sớm đi. Gia đình người ta có điều kiện tốt như thế, sao có thể để mắt tới con chứ. Mà nếu đồng ý, mẹ sợ họ thách cưới cao, khi đó nhà mình lấy đâu ra tiền cho con cưới vợ.
Thế nhưng, sau khi gặp gỡ bố mẹ của Nguyệt, tôi nhận ra rằng những lo lắng của mình là không cần thiết. Bố mẹ cô ấy đều là giáo viên, rất dễ gần và không hề chê bai xuất thân nông thôn của tôi. Họ cũng nói rằng, sính lễ không quan trọng, miễn là chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau.
Năm ngoái, tôi và Nguyệt đã tổ chức lễ cưới. Biết gia đình tôi không có điều kiện tài chính, bố vợ đã hỗ trợ chúng tôi một khoản tiền để mua nhà trả góp. Tôi rất biết ơn gia đình vợ và thường xuyên lui tới thăm họ.
Sau đó, khi vợ tôi mang thai, việc di chuyển trở nên khó khăn hơn. Mẹ tôi đã gợi ý mua một chiếc xe ô tô để tiện đi lại. Nhưng lúc đó tôi đang phải gánh khoản nợ vay mua nhà, nên mẹ đã bảo tôi nên mượn tiền từ bố vợ.
Chính mẹ đã bảo tôi hỏi vay tiền bố vợ để mua xe. (Ảnh minh họa)
Sau khi bàn bạc với vợ, chúng tôi quyết định mượn bố vợ 300 triệu để mua xe. Khi trở về nhà, mẹ đã nói một câu khiến tôi cảm thấy không thoải mái:
- Con đừng áp lực chuyện trả nợ quá. Nhà vợ con có điều kiện như thế, hơn nữa Nguyệt là con một nên họ sẽ không tính toán đâu. Mà mẹ nghĩ cũng chẳng cần phải trả đâu.
Nghe mẹ nói thế, tôi liền phản bác ngay, khuyên mẹ không nên có suy nghĩ ỷ lại như thế. Để mẹ dập tắt suy nghĩ xấu đó, ngay ngày hôm sau tôi đã mang tiền trả lại cho bố vợ.
Khi bố vợ hỏi tôi có chuyện gì, tôi cũng thật thà kể lại cho ông nghe mọi chuyện. Ông cười và nói:
- Mẹ con nói cũng có lý, bây giờ các con cũng không dễ dàng gì. Con cứ giữ tiền đi. Tài sản của bố mẹ trước sau gì cũng để lại cho các con chứ khuất núi rồi có mang theo được đâu.
Không ngờ bố vợ lại không hề chấp trách, có lòng bao dung như vậy. Lúc đó, tôi thầm nghĩ rằng sau này mình nhất định sẽ đối xử tốt với vợ và coi bố vợ như bố ruột của mình mà đối đãi.
Xem thêm: Người tình dùng cái thai để ép tôi đưa 4 tỷ nuôi con, vợ đã cứu tôi một “nước cờ”