Tối qua vợ cũ tới thăm các con và đưa cho tôi một hộp bánh trung thu. Các con vui lắm, đòi cắt ra ăn luôn, nhưng khi mở hộp bánh ra tôi lại sững người.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Tôi sinh ra tại một mảnh đất cằn cỗi, nơi chó ăn đá gà ăn sỏi nên gia đình cũng chẳng có điều kiện. Bố mẹ quanh năm ngày tháng bán lưng cho đất bán mặt cho đời, khó khăn lắm mới nuôi được mấy anh chị em tôi khôn lớn.
Sau khi kết hôn, vì cuộc sống khó khăn quá nên 15 năm trước hai vợ chồng tôi đã lên thành phố mưu sinh. Nhớ ngày đó hai vợ chồng làm đủ thứ việc nặng nhọc, nhưng lương ba cọc ba đồng chỉ đủ trả tiền nhà, tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày cũng phải chắt chiu từng đồng từng hào.
Một dịp Tết Trung thu, ông chủ nợ lương không trả. Người ta nói nghèo rớt mùng tơi nhưng nói thật, vợ chồng tôi lúc đó đến mùng tơi cũng chẳng có mà rớt luôn. Dẫu vậy, hai vợ chồng vẫn kiên quyết bám trụ lại thành phố chứ không về quê.
Trung thu là Tết đoàn viên, ăn bánh nướng bánh dẻo để tượng trưng cho sự sung túc, tròn vẹn, đoàn tụ. Cho nên quê tôi tuy nghèo nhưng nhà nào cũng sẽ cho con cháu ăn bánh trung thu vào ngày này. Với những người xa quê như vợ chồng tôi lại càng khao khát có miếng bánh để ăn, nhưng ngặt nỗi đến tiền mua 1 cái bánh thôi vợ chồng tôi cũng không có.
May thay trong nhà còn ít bột bếp và đường, vậy là vợ tôi đã tự tay nhào bột rồi vo viên, làm bánh trung thu không nhân để ăn tạm. Có lẽ đó là chiếc bánh trung thu ngon nhất đời tôi. Lúc đó, tôi đã nắm tay vợ, thề rằng sau này sẽ cho cô ấy một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một thời gian ngắn sau, hai vợ chồng bắt đầu lập một quầy hàng bán đề ăn sáng. Công việc kinh doanh khởi sắc lắm. Trong vài năm, từ quầy bán ven đường đã trở thành một quán ăn lớn với 20 nhân viên. Kể từ đó tôi trở thành ông chủ và vợ nghiễm nhiên trở thành bà chủ.
Ngày tháng thay đổi, lòng người cũng dần đổi thay. Sau đó tôi qua lại với một nữ nhân viên trong cửa hàng và ly dị vợ, hai đứa con chung đều do tôi nuôi dưỡng.
Hai năm sau khi ly hôn, việc kinh doanh sa sút hẳn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tôi bị thua lỗ nặng nề và cuối cùng nhà hàng phải đóng cửa. Sau này khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, tôi cố gắng đi vay tiền khắp nơi để gây dựng lại cơ nghiệp nhưng việc kinh doanh vẫn ế ẩm, không thể khởi sắc được như xưa.
Nợ nần chồng chất cộng thêm 2 đứa con riêng, cô nhân tình chán nản nên rời bỏ tôi mà đi. Nghĩ đến là thấy lạnh lòng, lúc có tiền thì cô ta đeo bám tôi suốt ngày, lúc tôi bần cùng lại rũ sạch sẽ mối quan hệ, chạy theo người đàn ông lắm tiền hơn. Ngày xưa tôi cũng đối xử với vợ như vậy, nên giờ nhận được kết cục thế này âu cũng là quả báo mà.
Tối qua vợ cũ tới thăm các con và đưa cho tôi một hộp bánh trung thu. Các con vui lắm, đòi cắt ra ăn luôn, nhưng khi mở hộp bánh ra tôi lại sững người.
Bên trong có một chiếc bánh dẻo không nhân, giống như cái bánh ngày xưa vợ cũ của tôi từng làm. Nhìn chiếc bánh, ký ức ngày xưa liên tục ùa về. Không kìm nén được tôi đã òa khóc như một đứa trẻ. Trước mặt vợ cũ và các con, tôi quỳ xuống xin lỗi và cầu xin cô ấy cho tôi một cơ hội chuộc lỗi, làm lại cuộc đời.
- Anh sai rồi, là anh không tốt. Anh không nên phản bội em, em có thể cho anh cơ hội để bù đắp được không em? Chúng ta tái hôn được không em? Anh thật sự biết sai rồi.
Im lặng hồi lâu, vợ cũ nói cô ấy cần thời gian suy nghĩ. Tôi biết trong lòng cô ấy chắc vẫn còn tình cảm với tôi, nếu không cô ấy đã không làm chiếc bánh đó rồi. Nhưng có lẽ cô ấy vẫn không đủ tin tưởng tôi, sợ rằng một ngày nào đó tôi lại phản bội tình cảm của cô ấy. Tôi hiểu chứ, dù sao ngày trước cũng là tôi sai, nhưng giờ đây tôi thực sự tỉnh ngộ rồi. Tôi sẽ cố gắng “cưa” cô ấy thêm lần nữa, dùng tấm lòng thành của mình để chứng minh, dùng quãng đời còn lại để bù đắp cho cô ấy.