Theo bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), vào cuối tuần này, sự rụng trứng sẽ có thể xảy ra và cơ hội thụ thai của vợ chồng bạn sẽ rất cao.
Tác giả bài viết: Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) |
Thai nhi 2 tuần tuổi phát triển ra sao?
Dù bạn chưa mang thai, song ở tuần này trứng có thể sắp rụng và sẽ phát triển thành một em bé nếu được tinh trùng thụ tinh.
Tuần trước, sự gia tăng số lượng estrogen và progesterone chảy qua máu đến tử cung sẽ tạo thàng một lớp màng tươi tốt, giàu mô máu để hỗ trợ một trứng rụng và được thụ tinh. Đồng thời trong buồng trứng, trứng cũng đang chín trong các túi chứa dịch gọi là nang.
Khoảnh khắc tinh trùng kết hợp với trứng. (Ảnh: Babycenter)
Vào khoảng ngày thứ 14-15 của chu kỳ 28 ngày, bạn có thể sẽ rụng trứng. Điều này có nghĩa là một quả trứng sẽ chui ra khỏi nang và được cuốn trôi từ buồng trứng vào ống dẫn trứng (Lưu ý: ngày rụng trứng có thể thay đổi một chút. Ví dụ, nó có thể xảy ra trong khoảng ngày thứ 11 đến ngày 21 đối với phụ nữ có chu kỳ 28 ngày).
Trong 24 giờ kế tiếp, trứng sẽ được thụ tinh nếu một trong số gần 250 triệu tinh trùng (lượng tinh trùng trung bình mỗi lần xuất tinh) bơi từ âm đạo đến cổ tử cung, đi qua tử cung đến ống dẫn trứng và “xâm nhập” vào trứng. Chỉ có khoảng 400 tinh trùng sống sót trong cuộc “hành trình” 10 tiếng đầy gay cấn đến trứng và chỉ có một chú tinh trùng thành công chui được vào trong trứng.
Xem thêm video: Những món ăn giúp tinh trùng nam giới "bơi vun vút"
Trong vòng 10 đến 30 giờ tiếp theo, hạt nhân của tinh trùng và trứng sẽ hòa quyện vào với nhau để kết hợp thông tin di truyền. Nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, con bạn sẽ là con trai. Nếu đó là nhiễm sắc thể X, bạn sẽ mang thai con gái.
Trong “chuyến đi” 3 đến 4 ngày từ ống dẫn trứng đến tử cung, trứng được thụ tinh (bây giờ được gọi là hợp tử) sẽ chia thành 16 tế bào giống nhau. Khi nó đi vào tử cung, hợp tử được gọi là morula. Một hoặc hai ngày sau đó, nó bắt đầu “làm tổ” trong niêm mạc tử cung, đồng thời vẫn tiếp tục quá trình phát triển và biến đổi tuyệt vời của mình.
Đến thời điểm này, bé yêu của bạn chỉ là một chấm nhỏ xíu được gọi là phôi nang. Phôi nang gồm một lớp tế bào trong sẽ phát triển thành phôi thai và khoang chứa đầy dịch sẽ trở thành túi ối; một lớp tế bào ngoài sẽ phát triển thành nhau thai (một bộ phận có hình dáng giống như chiếc bánh kếp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng giúp duy trì sự sống cho bé yêu và chuyển các chất thải ra ngoài).
Quá trình phân chia tế bào của trứng đã thụ tinh.
Lưu ý: Ở trong tử cung, mỗi em bé có thể sẽ phát triển có chút khác nhau. Thông tin trên nhằm cung cấp cho bạn một khái niệm chung nhất về sự phát triển của bé.
Cuộc sống mẹ bầu thay đổi thế nào?
Để tăng cơ hội thụ thai, bạn hãy “lên lịch” để “yêu” trong 2 ngày trước khi rụng trứng và một lần nữa vào ngày mà bạn nghĩ rằng bạn đang rụng trứng. Hãy chắc chắn rằng, vợ chồng bạn có nhiều thời gian bên nhau hơn vào những “ngày vàng” này.
Và chắc chắn, bạn cũng cần đọc thêm những “bí kíp” để phát hiện rụng trứng, sẽ giúp bạn có cơ hội thụ thai cao hơn. Bạn cũng cần tìm hiểu thêm: phải mất bao lâu để có thai (hầu hết các cặp đôi cần nhiều hơn một vài lần thử trước khi chính thức thụ thai). Vợ chồng bạn cũng nên đi khám sức khỏe tổng thể trước khi mang thai, để đảm bảo không ai mắc bệnh truyền nhiễm hay di truyền nguy hiểm. Hoặc nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc theo toa hoặc thuốc tự mua nào, hãy hỏi bác sĩ xem liệu có nên tiếp tục uống hay không.
Cách tính ngày dự sinh cũng là kiến thức bạn cần thêm ngay vào sổ tay mang thai của mình. Ngày sinh ước tính của bạn sẽ là 40 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng (theo chu kỳ kinh 28 ngày). Nếu bạn sinh con vào đúng ngày đó, thực tế, bé yêu của bạn chỉ ở 38 tuần trong tử cung, không phải là 40. Bởi thời điểm mang thai được bắt đầu tính từ 2 tuần trước khi thụ thai. Hầu hết các bé được sinh ra ở khoảng tuần thứ 38 đến 42, chỉ có một số bé chào đời đúng ngày dự sinh.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần biết cách tính ngày rụng trứng. (ảnh minh họa)
Mẹo hay: Trong thời gian thực hiện kế hoạch mang thai, vợ chồng bạn nên thư giãn và thả lỏng tinh thần để “chuyện ấy” thăng hoa và có chất lượng hơn. Hãy dành cho nhau những bữa ăn vui vẻ, lãng mạn… để cảm thấy gần gũi và khăng khít hơn,…Và biết đâu đấy, một “thiên thần” đang hình thành và phát triển trong cơ thể bạn.
Xem thêm video: Nên "yêu" vào lúc nào để có em bé?
Kiến thức cho mẹ: Giải đáp thắc mắc về sex để dễ dàng thụ thai
Tư thế “yêu” giúp tăng khả năng mang thai?
Không có bằng chứng nào cho thấy tư thế “yêu” giúp tăng khả năng mang thai. Bạn có thể đã nghe nói rằng, một số tư thế nhất định, chẳng hạn như tư thế truyền giáo (người đàn ông ở trên) được coi là tư thế tốt nhất cho việc thụ thai bởi tư thế này giúp “cậu bé” xâm nhập vào bên trong “cô bé” sâu nhất, giúp tinh trùng có thể tiến gần đến cổ tử cung nhất… nhưng thực tế, chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này.
Cực khoái giúp tăng cơ hội thụ thai?
Một số người tin rằng, phụ nữ đạt “cao trào” sau khi “đối tác” xuất tinh sẽ giúp tăng cơ hội mang thai, song cũng chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh điều này là đúng.
Mặc dù khi đạt cực khoái, phụ nữ sẽ xuất hiện các cơn co thắt tử cung. Các cơn co thắt tử cung này giúp đẩy tinh trùng vào cổ tử cung và hướng về phía ống dẫn trứng tốt hơn. “Cao trào” tình dục làm âm đạo tiết ra chất nhầy có tính kiềm, góp phần kéo dài sự tồn tại và hoạt động của tinh trùng. Nhưng không nhất thiết phải có cực khoái mới có thể thụ thai. Không phải người phụ nữa nào thụ thai cũng đều do có cực khoái khi “quan hệ.
Nằm sau khi quan hệ sẽ dễ có bầu?
Có thông tin rằng, sau khi làm “chuyện ấy”, bạn nên nằm khoảng 15 đến 20 phút sẽ giúp tinh dịch lưu lại trong âm đạo lâu hơn, giúp tăng cơ hội thụ thai… nhưng không có bằng chứng nào cho thấy điều này có sự khác biệt. Có hàng triệu tinh trùng trong mỗi lần xuất tinh, vì vậy, sẽ có rất nhiều tinh trùng trong âm đạo của bạn, ngay cả khi bạn ngồi dậy ngay lập tức.
Phụ nữ không nhất thiết phải "lên đỉnh" khi quan hệ mới có cơ hội thụ thai. (ảnh minh họa)
Lưu ý: Nếu bạn lên kế hoạch mang thai đã trên 1 năm mà vẫn chưa thành công (hoặc 3-6 tháng nếu bạn đã quá 35 tuổi), hoặc nếu bạn có chu kỳ kinh không đều, lời khuyên tốt nhất là nên tham vấn ý kiến của chuyên gia sản khoa ngay.
Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 2: Bổ sung vitamin
Khi đã lên kế hoạch mang thai, cũng là lúc bạn nên bắt đầu sử dùng một loại vitamin hàng ngày. Hãy chắc chắn rằng, bạn cần bổ sung ít nhất 400 microgram axit folic để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Mẹo nhỏ: Để ghi nhớ uống vitamin hàng ngày, hãy đặt lọ vitamin bên cạnh bàn chải đánh răng hoặc một đồ vật thân quen bạn sẽ dùng hay nhìn thấy ngay khi thức dậy hoặc mẹ có thể để trên bàn làm việc.