Chim bói cá là loài chim có màu xanh dương rực rỡ, chiếc mỏ dài nhọn và bộ lông nhiều lớp chống thấm nước. Thức ăn ưa thích của chúng là những loài cá nhỏ. Chúng không làm tổ mà sống trong các hang hốc ở bờ sông.
Thông tin về loài chim bói cá
Bói cá hay bói cá thiên thanh thuộc nhóm các loài chim có kích thước nhỏ có màu rực rỡ thuộc Bộ Sả. Loài này phân bổ hầu hết khắp các lục địa trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, chim bói cá thuộc Họ Bói cá (Cerylidae) trong 3 họ chính là Alcedinidae (Họ Bồng chanh), Halcyonidae (Họ Sả), và Cerylidae (Họ Bói cá). Tổ tiên của loài chim này ban đầu có nguồn gốc Châu Phi sau đó phân bổ thành các họ phân bổ sang châu Á, châu Mỹ và các châu lục khác.
Chim bói cá có tuổi thọ trung bình từ 4 đến 5 năm.
Đặc điểm của chim bói cá
Dưới đây là những đặc điểm chung của loài chim bói cá bạn có thể nhận biết về hình dáng, tập tính,...
1. Hình dáng
Trên thế giới có khoảng 90 loài chim bói cá cùng mang đặc điểm chung như chiều dài cơ thể từ 15-17cm. đầu to, mỏ dài dẹt hai bên và sắc nhọn; chân ngắn màu đỏ san hô và có móng sắc.
Kích thước
- Loài nhỏ nhất trong nhóm là Bồng chanh lùn (Ispidina lecontei), với trọng lượng và chiều cao trung bình chỉ là 10,4g và 10cm.
- Loài lớn nhất là bói cá khổng lồ (Megaceryle maxima), khi đạt mức trung bình là 355g và 45cm
- Loài nặng nhất lại là loài Bói cá Úc (Dacelo novaeguineae), những con trưởng thành đạt trên 450g.
Bộ lông
Bộ lông của chim bói cá có màu sắc tươi sáng, phần lưng có màu xanh dương hoặc xanh thiên thanh, xanh ngọc hoặc xanh rêu, phần bụng có màu nâu sẫm, vệt lông phần cổ có màu trắng. Màu sắc ở con cái có phần nhạt hơn so với con đực.
Ta thường nhìn thấy bộ lông sáng bóng lên khi chúng bay dưới ánh nắng, đó là do cấu trúc của lông vũ, gây ra sự tán xạ ánh sáng xanh khi ánh sáng chiếu vào.
2. Môi trường sống
Hầu hết các loài bói cá sống trong môi trường nhiệt đới, và số ít được tìm thấy trong các khu rừng. Chúng không làm tổ trên cây mà đào hang hốc ở ven các con sông, suối và hồ nước. Chúng hoạt động ở các vùng nước có dòng chảy chậm hoặc vùng nước tĩnh.
Chúng dễ bị tổn thương bởi mùa đông và do suy thoái môi trường sống bởi ô nhiễm.
3. Tập tính của chim bói cá
Chim bói cá là loài chim sống đơn độc. Chỉ trong thời kỳ giao phối, con đực và con cái mới gặp nhau. Trong thời gian này, chim đực và chim cái rượt đuổi nhau dữ dội, có khi kéo dài hàng giờ đồng hồ. Khi cuộc rượt đuổi kết thúc, con đực đưa con cái đến cái tổ hình đường hầm của nó và để con cái sinh sản.
Chim bói cá ăn gì
Thức ăn của chim bói cá thuộc Họ Bói cá (Cerylidae) là những con cá nhỏ, tôm, nòng nọc, ếch... thường được bắt bằng cách lao đầu xuống mặt nước hoặc bay là là trên mặt nước để săn mồi. Sau khi bắt được cá, chúng quay trở lại chỗ đã đậu và giết chết con mồi bằng cách đập nó vào cành cây để trước khi nuốt chửng.
Các loài bói cá thuộc 2 họ còn lại trên thế giới sống xa mặt nước và ăn các loài động vật không xương sống nhỏ.
Khả năng săn mồi
Đôi mắt của chim bói cá có tầm quan sát cực tốt, chúng có khả năng nhìn hai mắt, hạn chế chuyển động của mắt trong hốc mắt, thay vào đó sử dụng chuyển động đầu để theo dõi con mồi. Ngoài ra, chúng có khả năng bù cho khúc xạ của nước và phản xạ khi săn con mồi dưới nước, và có thể phán đoán độ sâu dưới nước một cách chính xác. Chúng cũng có màng bao phủ mắt để bảo vệ chúng khi chúng rơi xuống nước.
Tập tính sinh sản của chim bói cá
Trứng được chim bói cá cái đẻ ra trong tổ do chim bói cá đực đào bằng mỏ và chân ở những bờ dốc, độ sâu của tổ từ 60 đến 90cm và đường kính 6cm.
Sau những màn rượt đuổi chinh phục chim cái, thì chúng kết đôi và cùng trở về tổ của con đực để giao phối và đẻ trứng ở trong tổ con đực.
Con cái mỗi lần đẻ 6 đến 7 quả trứng, con đực và con cái sẽ cùng nhau ấp trứng trong khoảng 20 ngày sẽ nở ra chim non.
Khi mới nở, chim bói cá non không có lông và được chim bói cá bố mẹ thay phiên nhau kiếm mồi về cho chúng ăn. Sau khoảng 25 ngày, chim non đã có thể bay và rời tổ lần đầu tiên.
Phân chia lãnh thổ
Lãnh thổ là vô cùng quan trọng đối với chim bói cá, bởi mỗi phần lãnh thổ có nguồn thức ăn dồi dào mà không bị ảnh hưởng bởi sự băng giá của mùa đông, khi mà các mặt hồ bị đóng băng. Chúng sẽ phân chia lãnh thổ trước khi mùa đông bắt đầu vào giữa tháng 9. Một cặp sinh sản thường sẽ phân chia lãnh thổ vào mùa hè.
Các mối đe dọa với loài chim bói cá
Chim bói cá là một loài chim khá quý hiếm. Đe dọa nó nhiều nhất là sự phá hủy môi trường sống của nó và sự biến mất của các bờ cát nơi nó làm tổ. Bờ của nhiều sông, hồ, nơi chim bói cá sinh sống đều được đắp xi măng, kè đá khiến loài chim này không thể làm tổ được nữa.
Hầu hết chim bói cá chết vì lạnh hoặc thiếu thức ăn trong một mùa đông khắc nghiệt hay thời tiết nắng nóng, lũ lụt cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, duy trì nòi giống của chúng.