Để đối phó với những chiêu trò né kê khai đăng ký kinh doanh trên mạng xã hội, ngành Thuế đã tính cách áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ.
Tuy nhiên, tới nay quy định thanh tra, kiểm tra thuế trong lĩnh vực thương mại này vẫn chưa rõ ràng..
Nhiều đối tượng phải kê khai nộp thuế kinh doanh online
Đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết, sau hơn một tháng vận động làm nghĩa vụ kê khai, nộp thuế kinh doanh online, số lượng người đến cơ quan thuế làm việc mới chỉ đạt khoảng 1.000 trên tổng số 13.500 người được gửi thư mời. Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đối tượng phải đăng ký kê khai nộp thuế kinh doanh online rất rộng. “Chủ sở hữu website là các tổ chức, cá nhân đã thực hiện đăng ký kinh doanh, có mã số thuế hoặc những tổ chức cá nhân chưa đăng ký; chủ sở hữu website là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài; tổ chức cá nhân không sở hữu website song lại gián tiếp thông qua các website để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm”, bà Hương thông tin.
Mặt khác, vị lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cũng thừa nhận, gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội. “Về mặt khách quan, ý thức chấp hành quy định kê khai nộp thuế của người dân chưa cao; kinh doanh online có nhiều loại hình thanh toán, đặc biệt bằng tiền mặt nên khó xác định chính xác doanh thu bán hàng. Về phía chủ quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban, ngành trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử để quản lý về doanh thu, thanh toán của tổ chức cá nhân kinh doanh online”, bà Hương nhận định.
Ngành Thuế sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý hành vi kinh doanh chui trên mạng xã hội (ảnh minh họa)
Bàn luận về tính khả thi của việc thu thuế kinh doanh online, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Trong thời đại kỹ thuật số, kinh doanh trên mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng phát triển, doanh thu từ hoạt động này có thể lên tới hàng tỷ USD/năm. “Lẽ ra chúng ta nên đưa ra cơ chế thu thuế kinh doanh trên mạng từ cách đây 5 năm trở về trước. Khi ấy, việc kinh doanh trên mạng xã hội bắt đầu nở rộ. Bây giờ mới triển khai là muộn, song muộn còn hơn không, tránh thất thu thuế cho Nhà nước”, ông Hiếu nhận định và chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng kinh doanh online chưa phải hoạt động thương mại chính thức nên chưa sẵn sàng đóng thuế. Đây là tư duy sai lầm. Theo quy định, cá nhân hay tổ chức dù có đăng ký kinh doanh hay không, nếu tham gia giao dịch thương mại, có phát sinh thu nhập từ 100 triệu đồng/tháng trở lên, đều phải kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay rất khó kiểm soát đầu ra của sản phẩm để xác định doanh thu, thu nhập của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội”.
Thời gian qua, các chi cục thuế tại TP HCM cũng đã gửi kiến nghị Bộ Tài chính cần hoàn thiện bổ sung các quy định về kê khai tính thuế khấu trừ tại nguồn; ban hành quy định thanh, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, tới nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có phản hồi. |
Cán bộ thuế nhập vai, nên hay không?
Theo nhận định của cán bộ thuế, để trốn tránh nghĩa vụ, kê khai nộp thuế, chủ tài khoản website, facebook thường nghĩ ra rất nhiều chiêu trò. Phổ biến nhất vẫn là việc tăng cường giao dịch bằng tiền mặt, lập nhiều trang bán hàng, đổi địa điểm kinh doanh, không kê khai chính xác doanh thu, không công khai giá bán... Trước thực trạng trên, Cục Thuế TP HCM cho biết, có thể sẽ công khai những cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế kinh doanh qua mạng. Nếu những cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng không kê khai nộp thuế sẽ bị Cục Thuế gửi văn bản, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đóng tài khoản.
Song song đó, cơ quan thuế cho biết, sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các cá nhân, tổ chức có kinh doanh qua Facebook. Đồng thời, yêu cầu đơn vị cung ứng vận chuyển cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển, doanh thu thu hộ (nếu có) của từng tổ chức, cá nhân để cơ quan thuế rà soát đối chiếu, từ đó thu thuế.
Đặc biệt, đối với các chủ tài khoản sử dụng chiêu trò như: Giao dịch tiền mặt, lập nhiều tài khoản… cũng có thể áp dụng nhiều phương án, chẳng hạn như cán bộ các chi cục thuế ở quận, huyện sẽ nhập vai người mua hàng để tiếp cận và xử lý người bán hàng qua Facebook mà không thực hiện đăng ký kinh doanh, kê khai, đóng thuế.
Trước thông tin trên, nhiều ý kiến lo ngại việc cán bộ thuế có được phép nhập vai, thăm dò vào các tài khoản Facebook? Hành vi này có vi phạm, ảnh hưởng tới quyền lợi riêng tư? Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh khẳng định, cán bộ thuế hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp nghiệp vụ trên và được pháp luật cho phép. “Trong giai đoạn đầu, cơ quan thuế để người dân tự đăng ký kê khai chứ không buộc phải nộp thuế ngay. Thế nhưng, nhiều người vẫn có tâm lý đối phó, lẩn tránh, từ chối. Ngoài ra, việc xác định doanh thu kinh doanh online rất khó thực hiện. Trước thực trạng này, cơ quan quản lý buộc phải áp dụng những phương pháp nghiệp vụ để điều tra. Bởi nếu không tìm được bằng chứng xác thực làm sao đưa ra được chế tài quy định để xử phạt chính xác, đảm bảo tính công bằng trong việc thực thi pháp luật?”.
Tuy nhiên, theo luật sư Truyền, ngành Thuế cần công khai quy trình thanh, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh online để tránh hiện tượng lạm quyền, gài bẫy gây khó khăn cho những người kinh doanh.