Ông lão miền Tây rong ruổi trên “con ngựa sắt” độc lạ, ai thấy cũng phải ngoái nhìn

Hữu Huy - Ngày 23/05/2021 07:00 AM (GMT+7)

Nhiều ngày qua, người dân đi qua tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Cần Thơ) khá bất ngờ khi nhìn thấy một ông lão cởi trên “chú ngựa sắt” ngộ nghĩnh rong ruổi trên phố. Nhìn từ xa, con ngựa sắt của ông lão không khác gì một “cỗ chiến mã thật” mà chúng ta có thể đã thấy đâu đó trên phim cổ trang.

Kiếp sống tha hương của ông lão 76 tuổi

Chú “ngựa sắt” di chuyển khá chậm chạp nhưng hầu như ai ngang qua cũng phải ngoái nhìn vì sự ngộ nghĩnh đặc biệt. Nhiều phụ huynh khi đón con đi học về cũng phải dừng xe để cho các cháu ngắm “ngựa sắt”. Hỏi ra mới biết, chủ nhân của chú ngựa sắt này là ông Nguyễn Hoàng (76 tuổi, sinh sống ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).

Chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi, ông Hoàng cho biết mình quê ở tỉnh Thanh Hóa. Năm 16 tuổi, vì hoàn cảnh sống khó khăn, ông Hoàng lưu lạc vào Cần Thơ sinh sống.

Gần 60 năm qua, tại mảnh đất “Tây Đô” này, ông đã mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Đến nay, ông mưu sinh bằng công việc sửa chữa xe đạp, xe máy, kiêm luôn nhặt ve chai, phế liệu.

Ông lão miền Tây rong ruổi trên “con ngựa sắt” độc lạ, ai thấy cũng phải ngoái nhìn - 2

Ông Hoàng và cỗ "chiến mã" độc lạ.

Cuộc sống bấp bênh phải bám víu vào đường phố không làm ông Hoàng mất đi sự đam mê sáng tạo. Chỉ từ những vật dụng hư hỏng bỏ đi, qua bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, ông đã chế thành nhiều thứ có giá trị mà cũng không kém phần độc lạ.

“Tôi vốn thích chế tạo. Trước khi tạo ra con ngựa sắt này, tôi từng chế tạo ra chiếc xe mui trần 4 bánh từ vật dụng phế liệu. Những vật dụng người ta bỏ đi như mảnh tôn thép, bánh xe cũ,… mình đều có thể tận dụng lại”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Hoàng, bản thân ông phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu về những thứ mình sẽ sáng tạo, bởi vì ông không có nhiều kinh phí và vật liệu.

Ông lão miền Tây rong ruổi trên “con ngựa sắt” độc lạ, ai thấy cũng phải ngoái nhìn - 3

"Con ngựa sắt" của ông Hoàng được chế tạo hoàn toàn từ phế liệu do ông thu nhặt trong khoảng thời gian 6 tháng.

Ông chia sẻ: “Mục đích là làm sao cho vừa đảm bảo được yêu cầu mà mình suy nghĩ, vừa phải miễn phí, có thể tự làm. Riêng con xe ngựa này, tôi tự nhặt nhạnh các vật dụng thừa bỏ đi và chỉ tốn 100.000 đồng cho thợ hàn gò 2 khớp bánh trước của chân ngựa với hệ thống dây xích bàn đạp. Việc biến chuyển động tròn đều thành chuyển động gấp khúc (chân ngựa) là việc khó khăn, phải có thanh sắt chuyên dụng riêng”.

Cũng theo ông Hoàng, mỗi ngày công việc sửa chữa xe đạp, xe máy cũng đủ tiền nuôi sống bản thân ông. Tuy nhiên ông cho rằng bản thân bây giờ đã qua tuổi thất thập, cơ thể có bệnh này bệnh khác nên phải mua một số thuốc uống. Do đó, buổi tối ông vẫn đi nhặt ve chai phế liệu trên phố.

“Để di chuyển nhiều hơn, tôi đã nghĩ rằng xe ngựa này có thể giúp mình. Nó vừa di chuyển, lại vừa có thể mang cả đồ đạc nhặt được mà không khó khăn lên xuống như xe máy, hay xe đạp”, ông Hoàng chia sẻ.

“Chú ngựa sắt” độc lạ - cả niềm đam mê và sự tâm huyết

Với nhiều người, chiếc xe ngựa sắt thô sơ này của ông Hoàng chỉ đơn giản như là một món đồ chơi được láp ráp vì nó di chuyển chậm, khó khăn. Nhưng với ông Hoàng, nó là cả niềm đam mê và sự tâm huyết. Để làm ra con ngựa sắt, ông Hoàng phải mất khoảng 6 tháng vừa lên ý tưởng và gom nhặt vật liệu. Toàn bộ vật liệu tạo thành “chú ngựa sắt” này đều là đồ hư hỏng, cũ kỹ mà người ta bỏ đi được ông thu nhặt về để chế tạo.

Theo quan sát của chúng tôi, “chú ngựa sắt” của ông Hoàng có hình dáng khá đặc biệt, phần bờm và đầu ngựa được trang trí đơn giản bằng mút xốp và tóc giả. Phần thân ngựa là chiếc xe lôi có gắn 2 bánh xe và cả chỗ ngồi.

Ông lão miền Tây rong ruổi trên “con ngựa sắt” độc lạ, ai thấy cũng phải ngoái nhìn - 4

“Để tạo thành bước đi cho hai chân trước của chú ngựa, tôi đã sử dụng một loại ròng rọc làm từ dây xích xe cũ rồi gắn vào bàn đạp. Mỗi khi tôi đạp tới thì vòng quay sẽ kéo 2 chân ngựa di chuyển tiến lên", ông Hoàng cho biết.

Ông Hoàng cho biết, điểm khác biệt của chú ngựa sắt này là đôi chân trước, bởi lẽ phía chân sau là hai bánh xe đạp được đặt cố định, nên hai chân trước sẽ có nhiệm vụ điều khiển di chuyển. Bên cạnh đó, bên đầu ngựa là 2 sợi dây cương điều khiển được.

“Để tạo thành bước đi cho hai chân trước của chú ngựa tôi đã sử dụng một loại ròng rọc làm từ dây xích xe cũ rồi gắn vào bàn đạp. Mỗi khi tôi đạp tới thì vòng quay sẽ kéo 2 chân ngựa di chuyển tiến lên. Mặc dù vòng quay dây xích là tròn đều nhưng khi di chuyển chú ngựa lại tạo thành những bước đi rất mượt mà nhờ một trục gấp khúc ở phía trước”, ông Hoàng tâm sự và cho biết công đoạn này khiến ông phải tốn nhiều ngày để hoàn thành.

Ông lão miền Tây rong ruổi trên “con ngựa sắt” độc lạ, ai thấy cũng phải ngoái nhìn - 5

"Do cơ chế hoạt động khá phức tạp nên ngoài tôi ra, người lạ rất khó để điều khiển được chiếc xe ngựa", ông Hoàng nói.

Nhờ những bước đi phía trước và trục bánh quay phía sau, chú ngựa sắt của ông Hoàng không những có thể tiến lên, lùi lại mà có thể quay đầu cũng như dừng lại nếu cần thiết. Sau 20 này lắp ráp, con ngựa sắt của ông Hoàng cũng ra đời dưới ánh nhìn thích thú của mọi người xung quanh.

Từ lúc chú ngựa sắt ra đời, nhiều người đi qua tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Cần Thơ) bắt đầu dần quen với hình ảnh ông lão cỡi ngựa sắt rong ruổi vào mỗi buổi chiều. Chứng kiến nhiều trẻ em thích thú với con ngựa, ông Hoàng cũng vui vẻ cho các cháu bé lại gần chụp hình và ngồi lên chú ngựa sắt độc lạ này.

“Do cơ chế hoạt động khá phức tạp nên ngoài tôi ra, người lạ rất khó để điều khiển được chiếc xe ngựa. Nó không hề dễ dàng như những phương tiện thô sơ khác. Hy vọng chú ngựa sắt này sẽ còn gắn bó với tôi lâu nữa, dù các thiết bị của nó khá cũ kỹ rồi”, ông Hoàng tâm sự.

Ông lão miền Tây rong ruổi trên “con ngựa sắt” độc lạ, ai thấy cũng phải ngoái nhìn - 6

Nhìn từ xa, con ngựa sắt của ông Hoàng không khác gì một “cỗ chiến mã thật” mà chúng ta có thể đã thấy đâu đó trên phim ảnh cổ trang.

Có một Trạm cơm 0 đồng chan chứa nghĩa tình ở Sài Gòn làm ai cũng thấy ấm lòng
Sau một thời gian hoạt động, "Trạm cơm 0 đồng" ở phía trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) đã mang đến nhiều bữa ăn chất lượng,...
Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM