Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ

Hữu Huy - Ngày 22/04/2021 12:10 PM (GMT+7)

Không có khuôn sẵn, mỗi chiếc bánh mì mang hình dáng động vật đều được đôi bàn tay sáng tạo của anh Phước tạo hình thủ công. Anh từng mang bánh mì độc lạ này đi thi Thách thức danh hài và được giám khảo Trấn Thành khen ngợi.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 2

Chúng tôi tìm đến điểm kinh doanh của anh Phan Thanh Phước (37 tuổi) tại một con hẻm trên đường Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân, TP.HCM vào một buổi chiều khi anh đang tất bật với công việc. Anh Phước chia sẻ, quê anh ở miền Tây Nam Bộ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, đến năm 13 tuổi anh phải từ Cần Thơ lên TP.HCM để mưu sinh.

“Hồi mới lên Sài Gòn, tôi đi bán vé số hơn 2 năm. Trong lúc bán vé số, tôi thấy thích thú với nghề làm bánh mì nên quyết tâm học nghề. Tôi xin vào phụ việc ở lò bánh mì, vừa học việc vừa làm bánh. Rồi sau đó mượn lò của người ta để làm bánh mì rồi đem bánh đi bán”, anh Phước kể.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 3

Anh Phước mang bánh mì đi thi Thách thức danh hài mùa thứ 3 và nhận được lời khen từ giám khảo Trấn Thành

Nói về những chiếc bánh mì mang hình dáng động vật, anh Phước cho biết vào năm 2017 anh có tham gia chương trình “Thách thức danh hài” mùa thứ 3. Tại chương trình này, anh Phước đã mang bánh mì hình con ngựa lên sân khấu và khiến giám khảo Trấn Thành bật cười nên anh vượt qua vòng 1.

“Lúc đó tôi có tặng bánh mì hình ngựa cho anh Trấn Thành và Trường Giang. Anh Trấn Thành đã có những lời khen cho chiếc bánh mì này nên đó cũng là một phần động lực cho tôi làm bánh mì hình thú. Sau khi tham gia chương trình, tôi dần nuôi ý tưởng về việc tự tách ra mở một lò làm bánh nhỏ sau gần 20 năm đi làm thuê cho người ta”, anh Phước cho hay.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 4

Vì hình dáng lạ mắt và hấp dẫn, bánh mì bách thú của anh Phước được các phụ huynh mua về làm quà cho con em.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 5

Chiếc bánh mì mang hình dáng cá sấu của anh Phước đang được nhiều khách hàng quan tâm.

Từ ý định nhen nhóm trong đầu, anh Phước tìm cách dò hỏi giá của lò làm bánh mì nướng điện. Tuy nhiên, giá thành của hệ thống này quá đắt nên anh phải đắn đo tìm hướng giải quyết. Anh Phước kể: “Mọi việc tưởng bế tắc thì may mắn tôi có biết được một anh chủ có nhu cầu sang nhượng lại hệ thống làm bánh mì với giá 100 triệu đồng. Lúc đó, trong tay tôi tích góp chỉ có 40 triệu đồng, nhưng anh chủ có lòng tốt đó cho trả góp dần. Tôi quyết định lấy máy về làm bánh, sau này có chi phí trang trải, tôi dần dần trả xong tiền máy”.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 6

Đưa chúng tôi về “lò bánh mì”, anh Phan Thanh Phước cho biết lò bánh mini này vốn dĩ là do anh mượn khoảng trống trước nhà của ba má vợ để đặt máy móc làm bánh nên không gian khá chật hẹp. “Gọi là lò bánh cho sang, chứ thật ra đây chỉ là nơi đặt tạm máy móc để làm bánh. Do cơ ngơi còn quá nhỏ và để đảm bảo kinh tế nên tôi vừa là thợ, vừa là chủ, vừa tự tay làm bánh, vừa tự mang bánh đi bán”, anh Phước chia sẻ.

Anh Phước nhiệt tình đưa chúng tôi vào trong để giới thiệu từng loại bánh của mình. Hiện tại, anh Phước cho biết mình có thể làm bánh mì với hình dáng của hơn 15 loài động vật như: rùa, rắn, cá, ngựa, cá sấu, ếch,…

“Bánh mì hình động vật loại thường có giá 10.000 đồng/ổ. Còn một loại nữa mình chỉ bán vào ngày cuối tuần đó là những loại bánh mì hình thú lớn, bơ sữa đặc ruột, nặng khoảng 500gam có giá 25.000 đồng. Ngoài ra, khách quen đôi khi còn gọi điện đặt hàng tôi làm bánh theo ý thích con trẻ, có thể là bánh mì hình gà, hình vịt, hình cá, hình nhện, cá sấu. Nếu kích thước lớn, đặc ruột thì có giá 50.000 đồng, 70.000 đồng, có khách hàng sẽ đặt làm riêng với giá 100.000 đồng”, anh Phước chia sẻ.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 7

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 8

Từng chiếc bánh mì mang hình dáng các loài động vật ngộ nghĩnh được xếp gọn gàng trong giỏ.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Phước vẫn không quên dùng bình xịt nước để xịt vào bánh vừa ủ. Anh cho biết, việc làm bánh mì hình dáng động vật rất tốn công sức bởi các công đoạn hoàn toàn làm thủ công từ việc nhào trộn bột, tạo hình, ủ bột trong khoảng 2-3 giờ rồi theo dõi phun xịt nước để tạo độ ẩm, sau đó tạo hình chi tiết từng ổ bánh rồi mới đưa vào lò nướng.

"Tôi vừa làm thợ vừa đi bán bánh, khả năng cao nhất mỗi ngày mình chỉ ra lò được 70 sản phẩm bánh mì hình dáng động vật các loại. Loại bánh mì hình dáng động vật này tôi chỉ bán buổi chiều. Còn buổi sáng tôi sẽ làm và bán bánh mì que bơ sữa loại nhỏ 7 ổ giá 10.000 đồng cho công nhân ở quanh khu vực”, anh Phước cho hay.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 9

Theo anh Phước, mỗi ngày ngoài khoảng 70 sản phẩm bánh mì mang hình dáng động vật được bán vào buổi chiều, anh còn phải làm khoảng 1.500 bánh mì que bơ sữa loại nhỏ để bán vào buổi sáng. Do dó, hầu như hơn 21h một ngày anh đều phải hoạt động liên tục.

“Tôi thức từ 22h tối và làm xuyên đêm để kịp có bánh mì đi bán vào lúc tầm 5-6h sáng hôm sau khi công nhân chuẩn bị vào ca sáng. Tôi phải tự làm từ khâu chuẩn bị bột, nhồi bột, làm bánh, nướng bánh rồi mang bánh đi bán. Buổi sáng tôi bán đến hơn 7h khi công nhân đã vào ca hết”, anh Phước cho biết.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 10

Anh Phước giới thiệu về chiếc bánh mì con ngựa trước khi cho vào lò nướng.

Sau khi bán xong bánh mì vào buổi sáng, anh Phước ăn sáng và về nhà trọ ngủ nghỉ trong khoảng 3 giờ đồng hồ. 10h sáng, anh lại thức dậy để chuẩn bị bột và tạo hình cho bánh mì hình thú. Anh Phước mất khoảng 10 phút cho 1 bánh mì hình thú với kích thước nhỏ, 15 phút cho con lớn. Cứ thế, khi hoàn thành các công đoạn và có bánh ra lò thì cũng đã khoảng 4h đến 4h30 để bán cho công nhân tan ca chiều.

Anh Phước cho hay: “Tôi ra bán bánh buổi chiều, nếu xong sớm thì về sớm, còn nếu bán không hết thì đi bán dạo một lúc cho đến khi bán xong. Sau đó về nhà ăn cơm, ngủ đến 22h tối thì bắt đầu thức dậy làm việc tiếp, chủ yếu lấy công để làm lời, tự bỏ thời gian ra để làm bánh và bỏ thời gian ra để mang đi bán thì sẽ giảm bớt được nhân công. Hiện tại vẫn còn đang ở trọ, lò bánh mì chỉ là lò rất nhỏ nên mọi việc tôi phải tự gánh vác”.

Nhắc về gia đình, anh Phước chia sẻ rằng anh có vợ và hai con. Hiện vợ anh ở nhà làm việc nội trợ và chăm sóc hai con. Cuộc sống gia đình chưa mấy khá giả nên bản thân luôn cố gắng lao động để lo cho gia đình.

Chuyện chưa kể về người làm “bánh mì bách thú” ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ - 11

“Do cơ ngơi còn quá nhỏ và để đảm bảo kinh tế, nên mình vừa là thợ, vừa là chủ, vừa tự tay làm bánh, vừa tự mang bánh đi bán”, anh Phước chia sẻ.

“Bánh mì tạo hình động vật thủ công hiện cũng ít thợ làm, bởi lẽ những người thợ ở các lò bánh mì lớn thường tập trung làm loại bánh mì ổ vì tạo hình đơn giản, dễ làm và có số lượng tiêu thụ ổn định. Còn loại bánh mì hình dáng động vật rất tốn công, nhưng hiệu quả kinh tế cũng không mấy vượt trội nên ít người thực hiện. Tuy nhiên, mình tâm niệm còn sức là còn làm được, còn có thể phấn đấu để vươn lên. Tôi hy vọng việc làm ăn sẽ ổn định, bánh mì hình dáng động vật sẽ được phát triển hơn và được nhiều người đón nhận hơn”, anh Phước tâm sự.

Cô Tây hot girl bán bánh dạo ở phố Sài Gòn: Tôi thích phở, cà phê và bánh mỳ
Lần đầu tiếp xúc với cô Irina Khmilnikova (người Belarus), chúng tôi rất ấn tượng với nụ cười thật tươi và thân thiện. Khuôn mặt xinh, nước da trắng...
Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (22/11), giá vàng tiếp tục tăng mạnh nửa triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 86 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn trên...

Tin bài cùng chủ đề Nhịp sống Sài Gòn