Con tin của IS sẽ thoát chết?

Ngày 29/01/2015 07:50 AM (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn dành 5,3 tỉ USD để giúp quân đội Iraq và phe đối lập ôn hòa ở Syria chống IS

Kênh truyền hình Fuji TV của Nhật Bản hôm 28-1 đưa tin Nhật Bản và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là đã đạt thỏa thuận về việc trao đổi nhà báo Kenji Goto và nữ nghi phạm đánh bom người Iraq Sajida al-Rishawi.

Nhật, Jordan chịu sức ép

Theo bản tin, Rishawi sẽ được chuyển đến nhà tù khác trước khi chuyển giao cho IS. Phát biểu trên truyền hình quốc gia cùng ngày, người phát ngôn Mohammad al-Momani của chính phủ Jordan khẳng định nước này sẵn sàng thả Rishawi, người bị kết án tử hình vì dính líu đến vụ đánh bom tự sát làm chết 60 người ở Amman năm 2005 với điều kiện IS thả phi công người Jordan tên Mu’ath al-Kaseasbeh. Ông Momani không nhắc đến con tin người Nhật.

Nỗ lực giải thoát 2 con tin trên được đẩy mạnh sau khi IS đưa ra tối hậu thư sẽ giết chết họ vào đêm 28-1 (theo giờ Nhật Bản) trừ phi Jordan phóng thích Rishawi. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ sự phẫn nộ: “Đây là một hành động hèn hạ, chúng tôi rất căm phẫn. Tuy nhiên, chúng tôi không thay đổi lập trường là tìm sự trợ giúp của chính phủ Jordan để Goto sớm được tự do”.

Con tin của IS sẽ thoát chết? - 1

Phiến quân IS dọa giết Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay trong Nhà Trắng Ảnh: FOX NEWS

Hãng tin AP cho biết mẹ của Goto, bà Junko Ishido, đã khẩn nài Thủ tướng Abe cứu con trai bà bằng cách hợp tác đến cùng với chính phủ Jordan. Ở Jordan, ông Safi al-Kaseasbeh, cha của viên phi công bị bắt, cũng yêu cầu chính phủ đáp ứng đòi hỏi trao đổi tù nhân của IS. Khoảng 200 người thân của viên phi công gây thêm sức ép khi tụ tập bên ngoài văn phòng thủ tướng Jordan, hô to khẩu hiệu chống chính phủ.

Trong khi đó, ông Bassam Al-Manaseer, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Jordan, cho biết nước này đang đàm phán với IS thông qua các lãnh đạo tôn giáo và bộ tộc ở Iraq. Ông khẳng định Amman và Tokyo không thương lượng trực tiếp với IS và sẽ không thả “nữ tặc” Rishawi chỉ để đổi lấy một mình Goto. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ kích động IS gia tăng yêu sách.

Âm mưu chia rẽ

Giới phân tích cho rằng IS muốn gieo rắc sự bất đồng giữa Jordan, Nhật Bản và Mỹ bằng cách đề nghị đổi mạng nhà báo Goto với Rishawi. Đề nghị này dễ thở hơn cho Tokyo sau khi bạn tù của Goto - Haruna Yukawa - có thể đã bị chặt đầu hồi tuần trước nhưng lại đẩy Amman vào một tình thế không hề dễ chịu. Dân chúng Jordan sẽ cực kỳ phẫn nộ nếu chính phủ nước này thả Rishawi chỉ vì lợi ích của Nhật Bản. Theo AP, việc trao đổi tù nhân còn đi ngược chính sách phản đối thương lượng với IS mà Mỹ, đồng minh chủ chốt của Jordan, theo đuổi.

Ngoài việc dọa giết con tin, IS còn ngông cuồng hơn khi đòi chặt đầu Tổng thống Mỹ Barack Obama và biến nước Mỹ thành một tỉnh của cái gọi là vương quốc Hồi giáo. Trong đoạn video công bố hôm 27-1, một tay súng IS cảnh báo người Pháp và Bỉ cũng sẽ bị đánh bom và bị chặt đầu. Trong bối cảnh đó, tài liệu của Lầu Năm Góc cho thấy Tổng thống Obama dự kiến yêu cầu quốc hội tăng 8% ngân sách quốc phòng, lên mức 534 tỉ USD, trong đó dành 5,3 tỉ USD cho việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho binh sĩ Iraq, phe nổi dậy ôn hòa ở Syria để họ chống IS. Chống IS cũng là một chủ đề bàn thảo khi Tổng thống Obama hội đàm với tân Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz hôm 27-1. Tại Syria cùng ngày, chiến binh người Kurd tiếp tục đụng độ với phiến quân IS ở các ngôi làng chung quanh thành phố chiến lược Kobane sau khi đánh bật chúng khỏi đó một ngày trước.

ASEAN lên án IS

Các nước ASEAN hôm 28-1 lên án hành động bạo lực và tàn bạo của các tổ chức cực đoan trên toàn thế giới sau vụ IS được cho là chặt đầu một con tin Nhật Bản mới đây. Tại hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở TP Kota Kinabalu - Malaysia, ngoại trưởng nước chủ nhà Anifah Aman Datuk Seri nói ông và những người đồng cấp nhất trí IS đang là “mối đe dọa ngày càng tăng đối với các khu vực trên thế giới”, đồng thời nhấn mạnh phải đưa mọi thủ phạm ra trước công lý và kêu gọi trả tự do cho tất cả con tin.

Các ngoại trưởng ASEAN cũng cam kết thực hiện đầy đủ Công ước ASEAN về chống khủng bố, kế hoạch hành động toàn diện chống khủng bố của ASEAN, các quy định luật pháp liên quan và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Theo trang tin Malay Mail Online, ông Anifah nói thêm Malaysia sẽ triệu tập một hội nghị bộ trưởng ASEAN đặc biệt về chủ nghĩa cực đoan mà nước này từng đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 vào năm ngoái.

Xuân Mai

Phép thử cho thủ tướng Nhật

Cuộc khủng hoảng con tin càng khiến dư luận Nhật Bản thêm chia rẽ về kế hoạch mở rộng vai trò an ninh trên trường quốc tế của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo ông Koichi Nakano, giáo sư về khoa học chính trị của Trường ĐH Sophia ở Tokyo, cuộc khủng hoảng con tin có thể đào sâu thêm khoảng cách giữa dân chúng và chính phủ Nhật Bản. “Ông Abe nhiều khả năng sẽ sử dụng sự việc lần này để kêu gọi sự ủng hộ đối với việc tăng cường vai trò của quân đội Nhật Bản” - ông Nakano bình luận. Tuy nhiên, Giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á tại Trường ĐH Temple (Nhật Bản), ông Jeff Kingston, nói với Reuters rằng “người dân Nhật có thể chỉ nhìn thấy những rủi ro đi kèm”.

Để bảo vệ các điều luật mới cho phép quân đội có nhiều lựa chọn hơn, ông Abe nhấn mạnh hành động hiện nay của chính phủ rất hạn chế. “Với điều luật hiện tại, nếu người Nhật ở nước ngoài gặp nguy hiểm, Lực lượng Phòng vệ không thể vận dụng tối đa khả năng của mình” - ông Abe nói trong cuộc tranh luận bàn tròn trên đài NHK.

IS được cho là muốn trừng phạt Tokyo vì ông Abe quyết định hỗ trợ các chiến dịch quân sự quốc tế chống lại nhóm này. Trong đoạn video hôm 20-1, các tay súng cực đoan yêu cầu đổi tự do của 2 con tin Nhật Bản lấy 200 triệu USD. Con số này trùng khớp với khoản tiền mà thủ tướng Nhật hứa viện trợ các nước đang chiến đấu chống IS.  

Huệ Bình

Theo Lục San
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan