Bộ Thông tin Jordan ngày 1-2 khẳng định vẫn đang nỗ lực để cứu thoát viên phi công Muath al-Kaseasbeh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sáng 1-2 đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tung đoạn băng video được cho là quay cảnh con tin người Nhật thứ hai, nhà báo Kenji Goto, bị hành quyết.
Trong đoạn băng vừa nêu, các phiến quân đe dọa kể từ lúc này sẽ bắt đầu cơn ác mộng đối với chính quyền Nhật Bản. Thế nhưng, Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm chiến đấu chống khủng bố, bảo đảm an toàn cho người dân ở trong và ngoài nước, đồng thời cam kết Tokyo sẽ viện trợ nhân đạo cho các nước đang chống khủng bố.
Người dân cầm chân dung nhà báo Kenji Goto trong cuộc biểu tình trước dinh thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo hôm 1-2 Ảnh: REUTERS
“Tôi căm phẫn trước hành động khủng bố xấu xa và cực kỳ tàn ác này. Khi nghĩ đến nỗi đau buồn của gia đình Goto, tôi lặng người không nói nên lời. Chúng tôi rất lấy làm tiếc nhưng chính phủ đã làm hết sức mình” - Thủ tướng Abe tuyên bố.
Trước mối đe dọa từ IS, người phát ngôn Chính phủ Nhật Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã ra lệnh tăng cường an ninh tại các sân bay và các cơ sở của người Nhật ở nước ngoài, như sứ quán và trường học. Trong khi đó, lãnh đạo các nước đồng minh của Nhật như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… đã đồng loạt lên án vụ hành quyết nêu trên. Riêng Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết Washington sẽ tiếp tục hành động để làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt IS. Còn Thủ tướng Úc Tony Abbot cho rằng điều quan trọng là tất cả quốc gia chung tay hành động chống lại IS.
Theo hãng tin AP, sự kiện nhà báo Goto bị sát hại đã làm gia tăng nỗi e sợ về tính mạng của phi công Jordan Muath al-Kaseasbeh còn nằm trong tay IS. Chú của al-Kaseasbeh, ông Yassin Rawashda, cho biết gia đình muốn chính phủ cung cấp thông tin về cuộc thương lượng trao đổi phi công này với nữ tù nhân Sajijda al-Rishawi, đồng thời sẵn sàng tham gia tiến trình thương lượng. Bộ Thông tin Jordan ngày 1-2 khẳng định vẫn đang nỗ lực để cứu thoát viên phi công và lặp lại lập trường sẵn sàng trao đổi al-Rishawi.
Giới phân tích nhận định hiện còn quá sớm để dự đoán cuộc khủng hoảng con tin ảnh hưởng ra sao đối với chính sách của Tokyo cũng như tinh thần người dân Nhật Bản. Nước Nhật cho đến giờ vẫn chưa bị tấn công khủng bố bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan và nằm trong số những nơi có tỉ lệ giết người, sở hữu súng thấp nhất thế giới. Báo Mainichi (Nhật Bản) bình luận: “Nhật không tham gia các chiến dịch quân sự nhằm vào IS nên thật khác thường khi chúng ta trở thành mục tiêu bị tấn công. Chúng ta không còn sống trong thời đại mà bản thân có thể cảm thấy an toàn chỉ vì mình là người Nhật”.
Sau khi nắm quyền cách đây khoảng 2 năm, Thủ tướng Abe đã thực hiện nhiều chuyến công du hơn so với các vị tiền nhiệm, gặp gỡ hàng chục nhà lãnh đạo thế giới ở Mỹ Latin, châu Phi, châu Âu và Đông Nam Á. Với nỗ lực khôi phục vị thế Nhật Bản trên thế giới, ông Abe đã thúc đẩy nước này nhận lãnh một vai trò quốc tế to lớn hơn, bao gồm cả việc tham gia nỗ lực chống khủng bố. Điều này chắc chắn sẽ khiến Tokyo đối mặt không ít nguy cơ.
Sau cú sốc 2 con tin liên tiếp bị IS hành quyết, vấn đề đặt ra là liệu Nhật Bản sẽ rút vào vỏ ốc hay tiếp tục mở rộng vai trò quân sự của mình? Theo nhà phân tích độc lập Jun Okumura, hậu quả cuộc khủng hoảng con tin ít khả năng ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ cũng như khiến dân chúng Nhật nao núng.
Nhà báo dũng cảm Ông Kenji Goto - con tin Nhật Bản thứ hai vừa bị IS hành quyết, theo đoạn băng video - được mô tả là một phóng viên tự do dày dạn kinh nghiệm, từng làm việc cùng các nhà làm phim và nhà sản xuất của nhiều đài truyền hình lớn ở Nhật Bản. Ông Goto, 47 tuổi, đã tác nghiệp tại Afghanistan, Somalia, Iraq cũng như nhiều điểm nóng khác khắp châu Á và châu Phi. Nhắc đến nhà báo Goto, nhiều người không thể nào quên hình ảnh một người đàn ông có mái tóc đuôi ngựa quen thuộc, tính cách thân thiện cùng nụ cười vô tư nhưng rất điềm tĩnh và dũng cảm trong công việc. Dù vậy, theo hãng tin AP, ông Goto luôn phủ nhận mình là một phóng viên chiến trường. Thay vào đó, Goto cho rằng ông chỉ kể lại câu chuyện của những người bình thường ở các khu vực chiến sự. Ông đã nhiều lần đến các trại tị nạn, trại trẻ mồ côi và kể những câu chuyện trẻ em đối mặt với tình trạng bạo lực, nạn đói và những cơn ác mộng. “Chỉ ở gần họ, tôi mới có thể nói chuyện, hiểu được suy nghĩ, kế hoạch và hy vọng của họ” - ông bày tỏ. Nhà báo Goto đã hơn một lần bị các tay súng ở Trung Đông bắt giữ nhưng ông đã thuyết phục được họ thả ra bằng cách chứng minh mình là một phóng viên. Bà Rinko Jogo, vợ của ông Goto, cho biết chồng mình quyết định đến Syria vào cuối năm ngoái vì muốn giải cứu Haruna Yukawa - con tin Nhật Bản đầu tiên bị IS hành quyết. “Hy vọng duy nhất của tôi là chúng ta có thể tiếp tục sứ mệnh của Kenji trong việc giải cứu trẻ em khỏi chiến tranh và sự nghèo đói” - cụ Junko Ishido, mẹ Goto, bày tỏ sau khi hay tin con mình không còn sống để trở về nhà. Xuân Mai |
Đọc thêm bài khác: Hậu tấn công Paris, tin tặc đánh sập 20.000 trang web Pháp Đã tìm thấy đuôi máy bay QZ8501 còn nguyên vẹn |