Ở tuổi 19, cô gái trẻ đã phải nhận án tử vì đã ra tay sát hại người chồng, người em họ và cũng chính là kẻ đã hãm hiếp mình.
Năm 16 tuổi, cô gái Noura Hussein đến từ Sudan, buộc phải chạy trốn khỏi nhà và sống cùng một người thân để tránh khỏi hôn lễ bị bắt ép từ phía cha mình. Sau 3 năm, cô trở về nhà tại ngoại ô thủ đô Khartoum vào tháng 4/2018, sau khi cha cô cho biết cuộc hôn nhân đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, sau khi trở về, cô gái trẻ mới biết mình đã bị lừa và phải chuẩn bị cho lễ cưới mà cô không hề mong muốn. Được biết, chú rể chính là người em họ của Noura.
Cô gái trẻ bị gia đình ép lấy người mà cô không yêu thương.
Noura cho biết, cô đã từ chối quan hệ tình dục với chồng sau buổi lễ, nhưng vào ngày thứ sáu của cuộc hôn nhân, anh ta đã cưỡng hiếp cô trong khi ba người anh em họ của chồng giữ chặt cô lại.
Vào ngày hôm sau, anh ta lại cố gắng cưỡng hiếp cô một lần nữa và trong lúc tìm mọi cách tự cứu mình, cô gái trẻ đã điên cuồng đâm liên tiếp vào người chồng cho đến chết. Sau đó, Noura chạy về nhà bố mẹ xin giúp đỡ, nhưng họ lập tức đưa cô tới đồn cảnh sát.
Tại tòa án Sharia, theo luật Hồi giáo, Noura đã bị kết tội giết người và phải nhận án tử bằng hình thức treo cổ. Các vị luật sư đứng ra bảo lãnh cho Noura cũng chỉ có 15 ngày để kháng cáo quyết định.
Phiên tòa xét xử vụ án của Noura có sự tham gia của rất nhiều người dân.
Cũng tại phiên tòa, nhà hoạt động nhân quyền Badr Eldin Salah đã xuất hiện và phát biểu: "Theo luật Sharia, gia đình của người chồng có thể yêu cầu bồi thường bằng tiền hoặc bày tỏ mong muốn kẻ thủ ác phải chết. Họ đã chọn cái chết và bây giờ án tử hình đã được quyết định. Luật sư của Noura cho rằng họ có kế hoạch để kháng cáo nhưng chúng tôi biết cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế từ các tổ chức như Liên minh châu Phi, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu để hỗ trợ Noura".
Được biết, tại Sudan, luật pháp cho phép kết hôn khi mới chỉ 10 tuổi mà chỉ thông qua sự đồng ý của người giám hộ và thẩm phán. Bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em ở đây đang ngày càng phổ biến. Đất nước này đã không ký Công ước loại bỏ tất cả hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và có chính sách bảo vệ họ. Theo đó, Sudan là nước xếp hạng 165 trong số 188 quốc gia về Chỉ số bất bình đẳng giới theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.