Bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên thưởng thức thức quà đặc biệt vào dịp Rằm tháng Tám này.
Đa dạng chủng loại
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu. Trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm bánh Trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các chủng loại bánh sử dụng cho đối tượng riêng biệt (như người tiểu đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp). Các sản phẩm này thông thường được sản xuất từ 3 nguồn: Bánh Trung thu của các công ty (hãng), của các nhà sản xuất tư nhân (thủ công), của các gia đình tự sản xuất (gọi là bánh home-made).
Bánh Trung thu, món ăn truyền thống ngày Rằm tháng Tám. ẢNH: TL
Nếu trước đây chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm theo truyền thống thì bây giờ các loại bánh rất đa dạng: Gà quay, lạp xưởng, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng… đến khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, sữa dừa, rau câu, táo tàu, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, mè… và một số loại bánh chay, bánh cho người ăn kiêng: Tiểu đường, thừa cân béo phì,...
Bánh Trung Thu cổ truyền thường có độ ngọt cao và chất béo nhiều, giữ được nét truyền thống, lại là bánh gia truyền nên được người lớn tuổi và trẻ nhỏ hâm mộ. Ngoài ra các loại bánh home-made cũng đang rất thịnh hành, bánh này hình thức chưa thực sự đẹp nhưng ghi điểm bằng sự sáng tạo, mới lạ cũng như nguồn gốc rõ ràng. Những người trẻ thường thích các loại bánh hiện đại của các công ty sản xuất theo dây chuyền.
Bánh Trung thu: Ai cần thận trọng khi ăn?
Về thành phần dinh dưỡng của bánh Trung thu, bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng. Vì bánh giàu năng lượng từ đường và chất béo, với những trẻ gầy còn đỡ, với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe. Những trẻ gầy lại ít thích ăn, trẻ thừa cân béo phì sẵn sàng thanh toán gọn ghẽ, thậm chí bánh càng ngọt càng béo chúng lại càng thích. Vì vậy, sau tết Trung thu, bao nhiêu công tập luyện, chế độ ăn kiêng trước đó coi như vô ích.
Trong bánh có rất nhiều đường và chất béo, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng, ngoài tạo nên hương vị đặc trưng còn là một biện pháp để bảo quản.
Về thành phần dinh dưỡng của một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170gam, nó cung cấp 566kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; một bánh dẻo một trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò).
Còn trong một bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; một bánh nướng đậu xanh một trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid. Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc một bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (một bát cơm 258 g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.
Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút acid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong một chiếc bánh Trung thu bằng 1 – 2 lần lượng chất béo trong một bát phỏ bò hoặc phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.
Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.
Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn 1/2 bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm bánh Trung thu dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
Liên quan đến kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) bánh Trung thu 2019, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh Trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP; cần tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các cơ sở sản xuất bánh Trung thu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra điều kiện chung về ATTP như: Điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép. Ngoài ra, bánh Trung thu sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh Trung thu tự làm không công bố chất lượng cũng cần được kiểm soát chất lượng. Các địa phương cần chú trọng công tác hậu kiểm ATTP đối với mặt hàng bánh Trung thu thông qua việc lấy mẫu bánh Trung thu lưu thông trên thị trường gửi các đơn vị kiểm định để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn. Ngay cả thời điểm sau Tết Trung thu, vẫn cần kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mãi hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác không đảm bảo ATTP. Hải An |