Cập nhật COVID-19 ngày 16/4: Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun phòng COVID-19

Ngày 16/04/2020 17:13 PM (GMT+7)

Thuốc trị giun Ivermectin đang trong quá trình thử nghiệm điều trị COVID-19 và chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức, người dân không nên tự ý sử dụng.

Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun Ivermectin phòng COVID-19

Ngoài thuốc giun này, Bộ Y tế cho biết, một số thuốc như thuốc ARV (điều trị HIV), Cloroquin/Hydrocloroquin (điều trị sốt rét) cũng đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có hướng dẫn chính thức.

Khuyến cáo được Cục quản lý dược, Bộ Y tế phát đi hôm qua sau khi ghi nhận thời gian qua có hiện tượng người dân tự ý tìm mua các thuốc này để tích trữ, tự sử dụng điều trị dự phòng COVID-19.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân do tác dụng không mong muốn của thuốc và gây xáo trộn tình hình cung ứng thuốc trong nước.

Cập nhật COVID-19 ngày 16/4: Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun phòng COVID-19 - 1

Thuốc trị giun Ivermectin đang trong quá trình thử nghiệm điều trị COVID-19, chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức. Ảnh minh hoạ

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch, ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở bán lẻ thuốc hiện bán và tư vấn sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc tại đơn thuốc hoặc theo chỉ định đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo. Không được bán thuốc theo chỉ định chưa được Bộ Y tế phê duyệt.

Người dân không nên tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà theo các thông tin chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế. Khi có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... phải khai báo y tế điện tử và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang đẩy nhanh việc nghiên cứu để tìm ra thuốc mới và các phương pháp điều trị đặc hiệu với bệnh này.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, COVID-19 chưa có thuốc đặc trị, trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị chuẩn. Hiện có nhiều nước áp dụng các phác đồ khác nhau, được chấp thuận điều trị bệnh này nhưng tỷ lệ tử vong của các nước chưa có chiều hướng giảm xuống, bệnh nhân nặng vẫn còn.

(Theo Gia đình và xã hội)

Hi hữu: Cô gái ngủ cùng 2 bệnh nhân COVID-19 nhưng 3 lần xét nghiệm đều âm tính

Theo lời kể của chị L., lúc ở Thái Lan, chị làm chung quán bar với cả 6 bệnh nhân (gồm BN146, BN210, BN229, BN230, BN238 và BN265. Trước đó, BN122 đến quán này thăm BN146 cũng bị nhiễm. 

"Bản thân tôi rất lo lắng, nhưng đúng là lạ khi ở quán tiếp xúc gần, cười nói, ăn uống vui vẻ với các bệnh nhân kia trong tình trạng không đeo khẩu trang", chị L. cho biết.

Đặc biệt, từ ngày 18-22/3, tại Quảng Bình, chị L. ngủ chung giường, ăn uống với BN238. Khi về Hà Tĩnh, chị L. cũng ngủ chung phòng, chung giường với BN210 từ đêm 23 đến 10h ngày 31/3.

Nhưng khi được chuyển về cách ly tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Cập nhật COVID-19 ngày 16/4: Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun phòng COVID-19 - 2

T.T.L và BN210 có 8 ngày tiếp xúc rất gần tại khu cách ly.

"Không chỉ một mình bạn L., chị gái em là Phạm Thị L. cũng xét nghiệm âm tính. Khi về cách ly tại xã Thạch Long phát hiện các BN122, 146, 210, hai chị em tiếp tục đưa về cách ly cùng 1 phòng ở BV Đa khoa huyện Thạch Hà. Hiện em được điều trị ở BV cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, chị em cũng được đưa lên cách ly theo dõi ở đây nhưng xét nghiệm cả 4 lần đều âm tính", BN238 kể.

Nói về phương án cách ly, theo dõi y tế đối với T.T.L., ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, công dân T.T.L. đã được xét nghiệm 3 lần đều cho kết quả âm tính nhưng vẫn đang được cách ly theo dõi đặc biệt.

"Hiện L. được cách ly riêng tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc và được thăm khám sức khỏe thường xuyên. Lực lượng chức năng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 4 và đang đợi kết quả. Sẽ là quá sớm khi nói em L. không bị lây nhiễm vì mới thôi tiếp xúc với BN210 từ ngày 31/3 nhưng nếu L. không bị lây nhiễm thì đúng là một điều hy hữu", Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc nói.

(Theo Gia đình và xã hội)

Máy điều hoà không khí có thể tăng nguy cơ phát tán SARS-CoV-2

“Luồng khí mạnh từ điều hoà nhiệt độ có thể phát tán các giọt bắn từ bàn này sang bàn khác”, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Nghiên cứu dựa trên các ca nhiễm bệnh ở Quảng Châu vào cuối tháng 1. Riêng việc lây nhiễm qua giọt bắn không thể giải thích hiện tượng lây nhiễm giữa các gia đình này, nghiên cứu kết luận. 

Nghiên cứu do ông Lianyun Lu, công tác tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu, đứng đầu, gợi ý các nhà hàng nên tăng khoảng cách giữa các bàn ăn và cải thiện thông khí để giảm nguy cơ virus phát tán. 

Cập nhật COVID-19 ngày 16/4: Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun phòng COVID-19 - 3

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu, bệnh nhân đầu tiên trong 10 ca nhiễm được nghiên cứu ở Quảng Châu là người trở về Vũ Hán vào ngày 23/1. Hôm sau, người này ăn tối với 3 thành viên trong gia đình tại một nhà hàng không có cửa sổ và lắp điều hoà riêng trên từng tầng. Hai gia đình khác ngồi ăn gần họ, mỗi bàn cách nhau khoảng 1m và ăn cách nhau khoảng 1 giờ đồng hồ.

Một ngày sau, bệnh nhân đầu tiên bị sốt và ho rồi nhập viện. Trong vòng 2 tuần sau đó, 4 thành viên trong gia đình họ, 3 thành viên trong gia đình thứ hai và 2 trong 3 thành viên của gia đình thứ ba đều mắc COVID-19. Sau khi điều tra kỹ càng, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nguồn lây nhiễm duy nhất của gia đình thứ hai và thứ ba là bệnh nhân đầu tiên của gia đình thứ nhất. 

“Từ kiểm tra của chúng tôi về các con đường lây nhiễm có khả năng xảy ra, chúng tôi kết luận rằng nguy nhân dễ xảy ra nhất là qua giọt bắn. Chúng tôi kết luận rằng tại ổ dịch này, các giọt bắn được đưa đi xa nhờ dòng khí lạnh từ điều hoà. Yếu tố quan trọng nhất là chiều thổi của luồng gió”, bài nghiên cứu viết. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thừa nhận có một số hạn chế vì họ không tiến hành nghiên cứu thử nghiệm mô phỏng hướng phát tán của luồng khí, cũng như không nghiên cứu kháng thể với những người có kết quả xét nghiệm gạc mũi/họng âm tính. Có thể những thành viên gia đình hoặc thực khách khác mắc bệnh nhưng không có triệu chứng đã lây nhiễm cho họ.

(Theo Tiền Phong)

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo những người có nguy cơ rất cao mắc COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bệnh COVID-19 thường nặng hơn ở những người mắc các bệnh nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đau tim hoặc đột quỵ, các bệnh hô hấp mạn tính, ung thư.

Cập nhật COVID-19 ngày 16/4: Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun phòng COVID-19 - 4

Cập nhật COVID-19 ngày 16/4: Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun phòng COVID-19 - 5

Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới - Bộ Y tế

Nếu bạn mắc một trong số các bệnh nền này, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây:

- Dùng thuốc đúng thời gian và đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Dự trữ thuốc dùng đủ trong 1 tháng.

- Tránh tiếp xúc với những người bị sốt, ho, khó thở.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch.

- Không hút thuốc lá và không uống rượu bia.

- Chăm sóc cho đời sống tinh thần của bạn.

(Theo Tiền Phong)

COVID-19 ngày 15/4: Ca tử vong đầu tiên nghi do nhiễm COVID-19 từ thi thể người bệnh
Các nhà khoa học Thái Lan tuyên bố đã xác định được trường hợp đầu tiên tử vong do lây nhiễm COVID-19 từ thi thể người bệnh. Đáng chú ý, trường hợp tử...
Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19