Bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 do Anh đặt hàng từ các nhà phân phối nước ngoài đã phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.
Anh phát hiện bộ kit xét nghiệm COVID-19 bị nhiễm virus corona chủng mới
Theo Daily Telegraph, vụ việc diễn ra trong bối cảnh ngành y tế Anh vấp phải chỉ trích về tốc độ xét nghiệm COVID-19 chậm hơn các nước khác. Theo tờ báo này, chính phủ Anh đã thuê các công ty tư nhân để giúp sản xuất hàng ngàn bộ dụng cụ để tiến hành xét nghiệm hàng loạt cho người dân trong vòng vài tuần.
Một bộ kit xét nghiệm. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các bộ xét nghiệm được nước này đặt của công ty Eurofins, trụ sở tại Luxembourg có một vài bộ phận có dính virus corona chủng mới. Hiện chưa xác định được nguyên nhân các thiết bị này dính virus.
Người phát ngôn của Eurofins thừa nhận phát hiện virus trong các bộ phận quan trọng của bộ xét nghiệm, tuy nhiên khẳng định có thể giải quyết bằng cách ẩy trùng các bộ xét nghiệm theo đúng cách. Vụ việc sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho các phòng xét nghiệm ở Anh.
Một số quan chức y tế cấp cao của Anh nói với tờ Telegraph rằng sự chậm trễ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch xét nghiệm của Vương quốc Anh. Chính phủ Anh đang thực hiện 11.000 ca xét nghiệm mỗi ngày. Mục tiêu tới giữa tháng 4, sẽ thực hiện tới 25.000 ca xét nghiệm mỗi ngày.
Viêm kết mạc có thể là một triệu chứng COVID-19 dễ bị bỏ qua
SCMP đưa tin vào ngày 31/3, Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ đã chia sẻ một thông báo rằng một trường hợp đau mắt đỏ nhẹ có thể báo hiệu một người mắc COVID-19, sau hai nghiên cứu gần đây và một báo cáo y khóa cho thấy tình trạng này là một triệu chứng.
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Virus học đã xem xét 30 bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc và phát hiện một bệnh nhân bị đau mắt đỏ, trong khi 29 người còn lại có virus corona chủng mới trong dịch tiết mắt. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine cho thấy 9 trong số 1.099 bệnh nhân mắc COVID-19 xuất hiệu triệu chứng mắt đỏ.
Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ cũng chỉ ra trường hợp của một y tá viện dưỡng lão tại Washington nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân lớn tuổi của cô được chẩn đoán mắc COVID-19 bị đau mắt đỏ như một triệu chứng sớm, theo CNN.
Do đó, Viện Hàn lâm cho biết, các bác sĩ nhãn khoa nên tìm kiếm các triệu chứng COVID-19, như ho, sốt và khó thở, ở những bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ. Tuy nhiên, những phát hiện này chỉ là sơ bộ và các bác sĩ đã công bố thông báo cho biết mắt đỏ là triệu chứng hiếm gặp so với các triệu chứng khác như ho khan, sốt và khó thở.
Virus corona chủng mới có thể lây từ 1-3 ngày trước khi phát triệu chứng bệnh
Reuters đưa tin nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ vừa công bố cho biết những người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể lây bệnh cho người khác trong khoảng từ 1-3 ngày trước khi bản thân người bệnh xuất hiện triệu chứng.
Các nhân viên y tế bên ngoài một bệnh viện tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 1/4/2020 - Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu của CDC đã xem xét 243 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Singapore trong giai đoạn từ 23/1 đến 16/3. Trong đó có 7 ổ dịch rất có thể đã xảy ra tình trạng lây nhiễm trước khi người bệnh có biểu hiện triệu chứng. Có 4 nhóm có thể xác định được ngày phơi nhiễm, việc lây nhiễm đã xảy ra trong thời gian từ 1-3 ngày trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện ở ca bệnh gốc.
Trong số những ca bệnh nói trên ở Singapore, 157 người bị lây bệnh trong nước và 10 người trong số 157 người này được cho là đã lây bệnh cho người khác trước khi phát bệnh.
Từ đó, CDC cho rằng việc chỉ những người có triệu chứng bệnh hạn chế tiếp xúc thôi là chưa đủ để kiểm soát đại dịch COVID-19. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội.
Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc dự đoán thời điểm đại dịch COVID-19 đạt đỉnh
Theo Dân Việt, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thâm Quyến ngày ngày 1.4, Tiến sĩ Chung Nam Sơn, người đứng đầu Tiểu ban đặc biệt của Uỷ ban Quốc gia về Y tế Trung Quốc, dự đoán dịch COVID-19 trên thế giới sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng này và Trung Quốc sẽ không chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Tiến sĩ Chung Nam Sơn, người đứng đầu Tiểu ban đặc biệt của Uỷ ban quốc gia về y tế Trung Quốc
“Để đối phó với dịch COVID-19 với mức độ lây nhiễm và tử vong cao, chúng ta có hai phương pháp”, ông Chung nói. “Một là ép cho tỷ lệ lây nhiễm xuống mức thấp nhất và ngăn không cho nó lan rộng, nhờ đó có thêm thời gian. Phương pháp thứ hai là trì hoãn sự lây nhiễm và giảm số lượng bệnh thông qua một số biện pháp”.
Khi nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp mạnh tay, tôi dự đoán dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 4 khi số lượng ca nhiễm mới bắt đầu giảm”, ông Chung nhận định.
Ông Chung cũng phủ nhận những thông tin cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai, khi nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh không có triệu chứng được phát hiện. Ông cho biết chưa có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân này có tỷ lệ lây nhiễm cao.