Cập nhật COVID-19 ngày 3/3: Việt Nam chế tạo thành công bộ Kit phát hiện virus SARS-CoV-2

Ngày 03/03/2020 20:19 PM (GMT+7)

Kết quả kiểm định cho thấy bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 của Viện Công nghệ sinh học có thể cho kết quả trong vòng 80 phút.

Việt Nam chế tạo thành công bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2 đạt chuẩn WHO

Theo thông tin mới nhất chúng tôi mới nhận được liên quan đến dịch bệnh COVID-19, ngày 3/3 Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đã chính thức công bố việc chế tạo thành công bộ Kit phát hiện virus COVID-19 (SARS-Cov-2). Điều đáng mừng là bộ Kit này có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với Bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cập nhật COVID-19 ngày 3/3: Việt Nam chế tạo thành công bộ Kit phát hiện virus SARS-CoV-2 - 1

Bộ sinh phẩm phát hiện nCoV do Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu. Ảnh: VIỆN CÔNG NGHỆ SINH HỌC

Vật liệu được sử dụng để phát triển bộ Kit chuẩn đoán là mẫu RNA đã được tách chiết từ SARS-Cov-2 gây cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp, các gen cũng như các vùng gen được nhân dòng từ RNA của SARS-Cov-2 để làm mẫu cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò. Ngoài ra còn sử dụng các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Viện Y học Dự phòng Quân đội cung cấp.

Bộ Kit đã được thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học. Sau thời gian kiểm tra, kiểm định, chiều 2/3/2020, bộ Kit được công nhận đạt kết quả ngoại kiểm của Viện Y học dự phòng quân đội, Bộ Quốc phòng.

Việc nghiên cứu thành công bộ Kit này khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo bộ Kit ­­­realtime RT-PCR dùng để chuẩn đoán SARS-Cov-2 tại Việt Nam, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại nước ngoài, vốn cũng đang khan hiếm. Đồng thời, giúp Việt Nam chủ động trong sàng lọc, chuẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp do SARS-Cov-2.

Được biết, trong thời gian tới Viện sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng lớn phục vụ xét nghiệm quy mô lớn

Bệnh nhân nguy kịch vì COVID-19 phục hồi sau 4 ngày tiêm tế bào gốc

Nữ bệnh nhân đã chiến đấu với căn bệnh COVID-19 suốt 2 tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Bảo Sơn ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Tây Nam Trung Quốc.

Được biết, bệnh nhân đã đến Côn Minh vào ngày 21/1 trên một chuyến bay từ Vũ Hán, Hồ Bắc - tâm dịch COVID-19. Một tuần sau, người phụ nữ bị ốm với các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi và ho, vì vậy đã đến bệnh viện khám và xét nghiệm dương tính với COVID-19. Từ đó cô được chuyển đến Bệnh viện Bảo Sơn.

Các bác sĩ tại bệnh viện ban đầu sử dụng thuốc kháng vi-rút, kháng sinh và cho nữ bệnh nhân cũng đang mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thở oxy. Tình trạng của cô ban đầu được cải thiện nhưng sau đó xuống dốc nhanh chóng và cô được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt vào ngày 1/2.

Cập nhật COVID-19 ngày 3/3: Việt Nam chế tạo thành công bộ Kit phát hiện virus SARS-CoV-2 - 2

Ảnh: Tân Hoa xã

Khi sức khỏe của người phụ nữ trở nên tồi tệ và các cơ quan nội tạng bắt đầu suy yếu, các bác sĩ bắt đầu sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị vào ngày 9/2 sau khi tham khảo ý kiến từ bệnh viện và gia đình bệnh nhân. 

Sau liều đầu tiên được tiêm vào ngày 9-2, bác sĩ tiêm liều thứ 2 cho nữ bệnh nhân vào ngày 12-2 sau khi xác định không có tác dụng phụ. Tới ngày 13-2, tức 4 ngày sau khi tiêm tế bào gốc, bệnh nhân đã ra khỏi giường và đi dạo quãng ngắn.

Liều cuối cùng được tiêm vào ngày 15-2, các cơ quan nội tạng của bệnh nhân dần trở lại bình thường và xét nghiệm cho thấy bà đã âm tính với COVID-19.

Zhang Xinmin, từ Bộ Khoa học và công nghệ ở Bắc Kinh, nói trong một cuộc họp báo ngày 15-2 rằng thử nghiệm tế bào gốc trên cả nước cho thấy liệu pháp này an toàn và hiệu quả.

Các bệnh viện ở thành phố Hoàng Cương, một trong những thành phố bị nặng nhất ở Hồ Bắc, đã nhận được lô hàng tế bào gốc đầu tiên vào tuần trước và sẽ điều trị cho ba bệnh nhân bị bệnh nặng.

Liệu pháp tế bào gốc ra đời vào những năm 1980, nhưng vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng nghiên cứu. Các nhà khoa học từng cân nhắc sử dụng phôi thai người như nguồn cung cấp tế bào gốc, nhưng ý tưởng này bị chỉ trích về mặt đạo đức.

Giới nghiên cứu đề xuất nhiều phương pháp thay thế để thu thập tế bào gốc, như biến đổi tế bào mô thường thành tế bào gốc.

Các nhà khoa học Trung Quốc đang tăng cường nghiên cứu tế bào gốc. Trong khi việc sử dụng các tế bào từ phôi thai khỏe mạnh bị cấm, các nhà khoa học được phép sử dụng trứng đã thụ tinh bị loại bỏ do bệnh hoặc khiếm khuyết.

Cập nhật COVID-19 ngày 2/3: Bệnh viện dã chiến đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) đóng cửa
Chiều ngày 1/3, bệnh viện dã chiến đầu tiên được thiết lập ở Vũ Hán, Trung Quốc để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ đã chính thức đóng cửa.
Hoàng Dương (Dịch từ SCMP)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19