Đồ nhựa không sợ vỡ, có thể mang đi bất cứ nơi đâu nên được nhiều người tin dùng, nhưng nếu sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm không đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Gia đình có con nhỏ nên chị Trần Thị Duyên (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) hầu như đều chọn mua mọi vật dụng đựng thực phẩm từ chén, đĩa, bình, cốc... làm từ nhựa để tránh con chơi đùa làm rớt vỡ. "Đựng cơm cháo trong chén nhựa cho con lại tránh bỏng tay như những loại vật dụng khác, bé có quơ tay hay hất đổ thì cũng tránh đổ vỡ gây tổn thương", chị Duyên nói.
Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Dương Thị Kim Loan, trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đồ nhựa đựng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất thủ công, không qua kiểm định.
Nó có thể là mối nguy hiểm rất lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng do sản xuất kém vệ sinh, sử dụng nhựa tái chế với nhiều chất phụ gia, chất tạo màu độc hại… Bên cạnh đó khi sử dụng hay tái sử dụng các loại bao bì, hộp, cốc, chén… bằng nhựa, cần phải nắm rõ các nguyên tắc an toàn cơ bản để chính mình và người thân không phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe.
Khi sử dụng hay tái sử dụng các loại bao bì, hộp, ly, chén… bằng nhựa, cần phải nắm rõ các nguyên tắc an toàn cơ bản để chính mình và người thân không phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc đầu tiên cần nhớ là không nên sử dụng đĩa nhựa, chén nhựa để đựng thức ăn nóng. Bác sĩ Loan cho biết khi ở nhiệt độ cao, những tạp chất có trong nhựa sẽ ngấm vào thức ăn, gây hại cho sức khoẻ. Nên sử dụng những loại đồ nhựa an toàn hoặc melamin. "Melamine có cấu trúc phân tử rất bền vững, hầu như không thể di cư vào thức ăn khi chúng được chứa đựng trong nó, vì thế khá an toàn với sức khỏe khi dùng sản xuất đồ gia dụng", bác sĩ Loan nói.
Thứ hai, khi sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn, chuyên gia khuyến cáo nên chọn những loại màu trắng hoặc không màu, không nên sử dụng những chén đĩa có màu sắc sặc sỡ. Vì nhiệt độ cao, màu trong vật đựng có thể thôi nhiễm hoá chất vào thực phẩm.
Một thói quen xấu nữa trong việc sử dụng nhựa mà nhiều gia đình đang mắc phải là dùng chai nhựa đựng nước suối, nước ngọt... để đựng lại nước đun sôi để nguội hoặc cho vào tủ lạnh. Bác sĩ Loan cho rằng đây là hành động tiềm tàng những nguy cơ đối với sức khoẻ.
"Những chai nước suối, nước ngọt khi không được xử lí mà đã tái sử dụng là mối nguy lớn cho sức khoẻ. Dùng lại những vật dụng để chứa nước, khi uống vào, cơ thể dễ nhiễm vi sinh vật, không an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tiêu chảy, đau bụng, ngộ độc thực phẩm. Do đó nếu đựng nước, nên dùng những vật dụng an toàn như thuỷ tinh... súc rửa khô ráo trước khi dùng lại, tuyệt đối không dùng chai nhựa dùng một lần để trưng dụng đựng nước", chuyên gia nhấn mạnh.
Không nên trưng dụng chai nhựa để đựng lại nước. (Ảnh minh họa)
Nói về tình hình sử dụng những đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần, bác sĩ Loan cho biết ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ... túi nilon và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.
"Nếu có thể, người dân nên chuyển qua sử dụng các vật đựng thực phẩm bằng thuỷ tinh, sứ có thể dùng nhiều lần", bác sĩ Loan nhấn mạnh.
Túi nilon và rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.
Tác hại của đồ nhựa đối với sức khoẻ con người là điều không cần bàn cãi, tuy nhiên đối với những đối tượng có sức đề kháng giảm hoặc đang trong giai đoạn tăng trưởng như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, nguy cơ nhiễm độc khi sử dụng đồ nhựa càng tăng cao. Đối với những đối tượng này, đặc biệt hạn chế tối đa việc dùng các vật dụng đựng thức ăn bằng nhựa, đặc biệt là những loại nhựa dùng một lần.