Thực phẩm để trong các đồ nhựa tái chế là điều cấm kỵ, vì nó gây tác hại khôn lường cho sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Đựng thực phẩm bằng đồ nhựa tái chế cực kỳ nguy hiểm
Video PGS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo về việc dùng đồ nhựa tái chế đựng thực phẩm.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra đại dương nhiều nhất thế giới. Trong cuộc sống hàng ngày, từ trong gia đình, đến ngoài môi trường tự nhiên, bất cứ đâu cũng có thể gặp rác thải nhựa.
Không chỉ vậy, người dân Việt Nam còn có thói quen sử dụng các đồ nhựa tái chế như túi nilon, hộp xốp để đựng thực phẩm, trong đó có cả những thực phẩm nóng đang ở nhiệt độ cao như bún, cháo, phở, cơm…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về công nghệ thực phẩm khẳng định: “Việc đựng thực phẩm trong các đồ nhựa tái chế cực kỳ nguy hiểm. Đây là cái chết từ từ, dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng người dân “điếc không sợ súng” vẫn sử dụng hàng ngày”.
PGS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định không chỉ đồ ăn nóng mà thực phẩm nguội đựng trong các đồ nhựa tái chế cũng gây nguy hiểm.
Phân tích về những tác hại khi sử dụng, PGS Thịnh cho biết thực phẩm nóng khi đựng trong những đồ nhựa tái chế này sẽ tăng cường quá trình khuếch tán, làm cho quá trình thôi nhiễm các chất độc hại có trong nhựa và hòa trộn cùng với thức ăn, gây ảnh hưởng sức khỏe. Túi nilon hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80 độ C sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi nilon, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.
Dùng các loại túi nilon hoặc đồ nhựa tái chế để đựng thực phẩm, PGS Thịnh cho biết người sử dụng sẽ có nguy cơ nhiễm chì, cadimi… đây là những chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Ngoài ra, nhựa tái chế còn có chất DOP (dioctin phatalat), chất này gây hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.
Túi bóng đụng nước canh, nước đậu nóng cực kỳ nguy hiểm, làm thôi nhiễm những chất độc hại có trong nhựa ra thực phẩm. (Ảnh minh họa)
Không chỉ các loại thực phẩm nóng, ngay cả những thực phẩm nguội lạnh nếu đựng trong các loại túi nilon, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế cũng gây tác hại cho sức khỏe. Đó là những loại thực phẩm có nhiều axit như dấm chua, dưa chua, cà chua, các loại thực phẩm chứa dầu, hay các thực phẩm mặn khi đựng trong túi nilon cũng rất nguy hiểm vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan rất nhanh.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cũng cảnh báo, hiện nay ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm thì “lạm dụng” nhựa trong cuộc sống cũng đang vô tình làm sức khoẻ của chúng ta giảm sút nghiêm trọng.
“Túi bóng đựng xôi, đựng nước canh, bún, bát nhựa đựng đồ ăn ở nhà, hộp nhựa bảo quản thực phẩm, ống hút nhựa… Chưa kể đến đồ nhựa chúng ta tiếp xúc hằng ngày qua áo quần, giày dép, bàn chải đánh răng, bàn ghế ngồi…
Tôi đã từng chia sẻ nghiên cứu của giáo sư người Hà Lan về hạt bụi nhựa, khi tiếp xúc, sử dụng đồ nhựa thì những hạt bụi nhựa li ti sẽ vào cơ thể chúng ta và gây ra những rối loạn, tổn thương không thể sửa chữa”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Dùng các loại túi giấy được sản xuất để đựng thực phẩm là một giải pháp an toàn. (Ảnh minh họa)
Thay thế đồ nhựa 1 lần bằng các loại đồ dùng nhiều lần thân thiện với môi trường
Dù đã được cảnh báo gây hại cho sức khỏe khi sử dụng các loại đồ nhựa tái chế, nhưng để thay đổi thói quen của người dân là điều không dễ dàng, bởi theo PGS Thịnh các loại hộp xốp, hộp nhựa, túi nilon hiện có giá thành rất rẻ và tiện lợi khi sử dụng hàng ngày.
“Thực tế, không phải tất cả các đồ nhựa đều gây hại. Nếu loại nhựa được sản xuất nguyên khai, có ký hiệu rõ ràng thì không gây hại. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quy định nào về ký hiệu để nhận biết đâu là đồ nhựa tái chế, đâu là đồ nhựa nguyên khai nên gây khó khăn cho người dân”, PGS Thịnh chia sẻ.
Để giải quyết được vấn đề này, PGS Thịnh cho rằng trước hết người dân phải tự thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Ban đầu hãy hạn chế, sau đó loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế. Thay vào đó, nên sử dụng các loại đồ dụng được làm từ sứ, thủy tinh hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, túi mây tre đan...
“Hiện có rất nhiều hoạt động để giảm thải rác thải nhựa, điều đó là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc dùng lá chuối gói đồ, dùng ống hút làm bằng tre nứa... cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài thì không thể được, chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, đó là thay đổi nhận thức của mọi người.
Bản thân tôi từ lâu đã có thói quen đựng nước vào chai thủy tinh sau đó mang đi làm, như vậy vừa tiết kiệm được tiền, vừa không xả chai nhựa đựng nước ra môi trường”, PGS Thịnh nói.
Bản thân PGS Thịnh hàng ngày cũng dùng chai thủy tinh đựng nước đi làm, chứ không mua nước đóng chai.
Một giải pháp nữa đó là nhà nước cần phải có chính sách cụ thể, đánh thuế cao đối với việc sản xuất và tiêu thụ các loại đồ dùng được làm từ nhựa tái chế. Khi đánh thuế cao, họ bán ra thị trường chắc chắn giá cũng sẽ phải tăng, như vậy người dân sẽ quay lưng lại và sử dụng các loại đồ dùng dùng được nhiều lần như đồ gốm, sứ, thủy tinh, các loại túi vải, túi cói... thân thiện với môi trường.