Nhiều người đang hy vọng nhiệt độ cao và thời tiết nắng nóng vào mùa hè có thể giúp diệt virus Corona chủng mới, ngăn chặn dịch Covid-19. Điều này liệu có khả năng thành sự thật?
Số ca nhiễm Covid-19 những ngày gần đây có dấu hiệu tăng chậm lại ở Trung Quốc. Ảnh: AP
Tờ Caixin, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đưa tin, số ca nhiễm Covid-19 đã có dấu hiệu tăng chậm lại trong vài ngày gần đây và thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện mỗi ngày. Tuy nhiên, bước ngoặt về tổng số người nhiễm bệnh giảm xuống vẫn chưa xuất hiện.
Wang Chen, một chuyên gia hô hấp tại Học viện kỹ thuật Trung Quốc, chia sẻ với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) rằng các biện pháp kiểm dịch phù hợp cộng với thời tiết ấm áp hơn sẽ giúp hạn chế sự lây lan của virus Corona chủng mới.
Yếu tố thời tiết đã thu hút sự chú ý của nhiều người khi được nhắc tới trong dịch Covid-19. Và các chuyên gia cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Mức nhiệt độ tối thiểu trung bình các tháng trong năm 2020 được dự báo tại một số thành phố, thị trấn ở các nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo nguồn Cơ quan quản lý khí tượng và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA). Ảnh: N.T.N
Virus Corona chủng mới xuất hiện "theo mùa"?
Theo Reuters, đây là điều mà một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang hy vọng. Vì nếu đúng, dịch Covid-19 sẽ dễ dự đoán và kiểm soát hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia không thể khẳng định chắc chắn điều này vì virus Corona chủng mới tồn tại không đủ lâu để họ có thể thu thập đầy đủ bằng chứng cần thiết.
"Tất cả những chúng tôi có thể làm là tiếp tục tìm điểm tương đồng của Covid-19 với các dịch bệnh khác - có cách lây lan tương tự", Paul Hunter, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia (Anh), chia sẻ.
Những điều các chuyên gia y học biết ở thời điểm này là các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm, ho hay cảm lạnh thông thường đều xuất hiện theo mùa - điều khiến các dịch bệnh này dễ dự đoán và kiểm soát hơn.
Ngoài ra, một số điều kiện môi trường nhất định có thể làm tăng khả năng lây truyền các loại virus. Thời tiết lạnh, độ ẩm, thói quen mọi người thường làm trong mùa đông... là các yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự bùng phát dịch.
Vì sao các bệnh đường hô hấp (gồm Covid-19) lan nhanh vào mùa đông?
Thói quen vào mùa đông có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Ảnh minh họa: Express
"Lý do rất đơn giản. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp. Không khí lạnh sẽ kích thích mũi và đường thở, khiến chúng ta dễ bị nhiễm virus hơn", Simon Clarke, một chuyên gia về vi trùng học tại Đại học Reading (Anh), giải thích.
Ngoài ra, vào mùa đông, mọi người thường dành nhiều thời gian ở trong nhà, tụ tập ăn uống cùng nhau. Điều đó cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Nhiều bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả Covid-19, có hình thức lây lan qua các giọt nhỏ chứa virus bắn ra khi người nhiễm ho hoặc hắt hơi. Theo các chuyên gia bệnh đường hô hấp, khi không khí lạnh và khô, những giọt này có thể trôi nổi trong không khí lâu hơn - bị thổi đi xa và khiến nhiều người bị lây nhiễm.
"Khi không khí ẩm và ấm áp, các giọt nhỏ này sẽ rơi xuống đất nhanh hơn. Vì vậy, khả năng lây lan giảm đáng kể", Elizabeth McGraw, giám đốc Trung tâm động lực học truyền nhiễm, thuộc Đại học Pennsylvania, cho hay.
Vậy khi hè tới, Covid-19 sẽ biến mất?
Mùa hè tới, dịch Covid-19 sẽ biến mất? Ảnh minh họa: Shutter Stock
Theo Caixin, một số nhà khoa học đoán rằng virus Corona chủng mới không tồn tại lâu trong điều kiện thời tiết nắng ấm.
Về mặt lý thuyết, virus Corona chủng mới rất nhạy cảm với nhiệt độ, tờ Caixin cho hay. Mọi virus được tạo thành từ một phân tử axit nucleic và bên ngoài là vỏ bọc protein (gọi là capsid). Một số chủng virus, bao gồm cả chủng virus Corona, có màng bên ngoài lớp vỏ protein này khiến lớp vỏ nhạy cảm với nhiệt độ.
Tờ SCMP và Reuters cũng dẫn tin từ các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng nhiệt độ cao có thể hạn chế virus Corona chủng mới lây lan vì nó cũng là một virus gây bệnh về đường hô hấp giống cúm, cảm lạnh thông thường...
Tuy nhiên, tất cả chỉ là giả thuyết và chưa có bằng chứng đảm bảo chắc chắn virus mới sẽ bị hạn chế lây lan và biến mất khi thời tiết nắng ấm và nhiệt độ tăng cao.
"Dịch Covid-19 có khả năng sẽ tạm lắng khi nhiệt độ tăng cao. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán có nghiên cứu", Reuters dẫn lời ông Clarke cho hay.
Trong khi đó, ông Hunter cũng nhấn mạnh nhiều khả năng dịch Covid-19 sẽ suy giảm rõ rệt trong các tháng mùa hè ở bán cầu Bắc.
"Tuy nhiên, thời điểm nó quay lại là một vấn đề gây tranh cãi. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó biến mất vào mùa hè và rồi tái xuất vào mùa đông", ông Hunter nói thêm.
Theo hướng dẫn được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), virus Corona chủng mới hoạt động ổn định ở nhiệt độ 4 độ C và có thể sống sót nhiều năm ở nhiệt độ âm 60 độ C.
Ở nhiệt độ cao hơn, khả năng sống của virus Corona chủng mới suy giảm nhưng nhiệt độ chỉ ảnh hưởng tới thời gian sống sót của virus chứ không hạn chế được sức lây nhiễm của nó, hướng dẫn của CCDC ghi rõ.
Chuyên gia y tế Việt Nam nói gì? Các nghiên cứu khoa học đã được công bố cho thấy dịch do virus Corona thường có liên quan đến yếu tố thời tiết, tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học cho thấy Covid-19 bùng phát do thời tiết lạnh. TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Bộ Y tế cho biết, virus Corona có thể tồn tại lâu hơn ngoài môi trường trong điều kiện lạnh khô. "Thời tiết lạnh ẩm cũng có thể làm virus tồn tại lâu hơn ở môi trường và đặc biệt với thời tiết này, các cơ sở điều trị và lưu trú đều đóng kín cửa, tạo môi trường kín giúp virus có khả năng lây truyền", TS. Thái nói. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đến thời điểm này chưa có nghiên cứu khoa học đầy đủ nào cho thấy có mối liên hệ giữa thời tiết và nguyên nhân gây bùng phát dịch Covid-19. “Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, mọi giả thuyết đều ngoại suy từ virus Corona thường để đưa ra các nhận định về virus Corona chủng mới. Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy thời tiết lạnh thì Covid-19 bùng phát” – TS. Cấp nói. TS. Nguyễn Trung Cấp dẫn chứng ở một số quốc gia, đang vào thời điểm nắng nóng như Iran, Thái Lan, Úc, nhưng dịch vẫn lây lan nhanh, thậm chí ở Iran đã ghi nhận 8 trường hợp tử vong. Theo TS. Phạm Quang Thái, virus Corona tồn tại khá yếu ngoài môi trường và bị tiêu diệt dễ dàng bởi các chất sát trùng thông thường như cồn 70 độ, Cloramin B 0,5%, xà phòng… Do đó, người dân có thể dùng các chất tẩy rửa, sát khuẩn thông thường để làm sạch nhà cửa để bảo vệ bản thân và gia đình trước rất nhiều tác nhân nhiễm trùng chứ không chỉ riêng virus Corona. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đối với việc điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona thì thời tiết nào cũng không bị ảnh hưởng. Bởi hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các bệnh viện đã đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, phòng điều trị tại các cơ sở y tế cũng kín gió, ấm về mùa đông, mát về mùa hạ nên công tác điều trị không ảnh hưởng. |