Trường hợp người phụ nữ 61 tuổi ở Hàn Quốc lây nhiễm bệnh COVID-19 cho 43 người khác đang khiến nhiều người hoang mang về một tình trạng được goi là "siêu lây nhiễm".
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc cho biết một đợt bùng phát bệnh COVID-19 ở đất nước này có liên quan tới một trường hợp được gọi là “siêu lây nhiễm”. Đó là trường hợp của một phụ nữ 61 tuổi được xác định là ca mắc COVID-19 thứ 31 sau khi tham dự một buổi lễ ở nhà thờ tại thành phố Daegu đã vô tình khiến cho 43 người khác mắc bệnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia, bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thuật ngữ “siêu lây nhiễm” thực sự rất khó để xác định.
Các nhân viên tẩy uế một khu vực ở thành phố Daegu, Hàn Quốc, ngày 19-2. Ảnh: Reuters
Siêu lây nhiễm là gì?
WHO cho biết họ không sử dụng "siêu lây nhiễm" như một thuật ngữ trong ngành y. Tuy nhiên, có thể có những trường hợp lây nhiễm bệnh mà một số lượng lớn người mắc bệnh đều có chung một nguồn lây bệnh.
Thuật ngữ “siêu lây nhiễm” nhằm ngụ ý rằng một người nào đó có thể có khả năng lây bệnh cao hơn so với những người khác. Nhưng các chuyên gia về virus cũng nói rằng chưa có bằng chứng nào để chứng minh điều đó.
“Siêu lây nhiễm” là một người hay một sự kiện?
“Siêu lây nhiễm” có thể là cả hai điều trên. Sự lây lan của một loại virus như chủng mới của virus corona phụ thuộc vào một loạt các yếu tố môi trường và dịch tễ học. Chẳng hạn như bệnh nhân đang ở giai đoạn bệnh nào, hành vi, môi trường và thời gian họ ở trong môi trường đó là bao lâu.
“Mỗi người chúng ta không giống nhau”, Christl Donnelly, giáo sư dịch tễ học thống kê tại Imperial College London, nói. “Chúng ta khác nhau trong hệ thống miễn dịch, trong hành vi và trong môi trường. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến số lượng người mà chúng ta có thể lây truyền bệnh. Do đó, các yếu tố sinh học và hành vi có thể ảnh hưởng tới việc một người có khả năng lây truyền bệnh hay không và lây như thế nào. Thời gian và địa điểm cũng là một yếu tố tác động."
Có “siêu lây nhiễm” trong dịch COVID-19 không?
WHO mô tả sự bùng phát của Hàn Quốc là một "cụm" các trường hợp và nhắc lại rằng họ không sử dụng "siêu lây nhiễm" như một thuật ngữ chuyên môn. Tuần trước, phát ngôn viên của WHO, đã nói về các trường hợp nhiễm bệnh ở Singapore, Pháp, Anh, Đức và các nơi khác rằng: "Chúng tôi không có đủ bằng chứng để xác nhận một trường hợp liên quan đến "siêu lây nhiễm" trong vụ dịch COVID-19" .
Vì vẫn chưa rõ làm thế nào để hạn chế "siêu lây nhiễm" và liệu điều này có xảy ra hay không, tốt nhất mọi người nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế lây lan bệnh như rửa tay và che miệng khi ho, hắt hơi. Và tất nhiên, nếu bạn cảm thấy bản thân có nguy cơ bị nhiễm COVID-19, hay ngay lập tức đi kiểm tra và tránh tiếp xúc không cần thiết với người khác cho đến khi bạn xác định được vấn đề của mình.