Trên khắp thế giới, các y bác sĩ đang phải làm việc quá sức vì đại dịch COVID-19, đồng thời đối mặt với rủi ro lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên tại Singapore, số lượng y bác sĩ bị lây nhiễm virus corona chủng mới vẫn rất thấp.
Các y bác sĩ trên thế giới đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19
Quá nhiều bệnh nhân, làm việc trong thời gian dài và thiếu thiết bị bảo vệ đang gây khó khăn cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới khi họ chiến đấu với virus corona chủng mới. Cũng vì điều này mà có không ít y bác sĩ bị lây nhiễm bệnh.
Tại Malaysia, cho đến tận khi sinh xong, một phụ nữ mang thai không khai báo việc cha cô mắc COVID-19 dẫn đến việc đóng cửa toàn bộ bệnh viện để khử trùng. Ở Philippines, 9 bác sĩ đã chết, 2 trong số họ đã bị lây nhiễm từ một bệnh nhân nói dối về lịch trình di chuyển của nữ bệnh nhân này.
Ở Tây Ban Nha, nơi có hơn 5.400 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã bị nhiễm bệnh, chiếm khoảng 14% bệnh nhân của đất nước. Tại quốc gia này thậm chí còn không đủ nhân viên để chăm sóc bệnh nhân. Tại Ý, nơi có hơn 69.000 bệnh nhân và một bác sĩ đã qua đời vì COVID-19 do không còn lựa chọn nào khác buộc phải làm việc mà không có găng tay bảo hộ.
Nhân viên y tế Malaysia tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: AFP
Nước Mỹ - quốc gia đã vượt qua Trung Quốc về số ca mắc COVID-19 với hơn 83.000 người có kết quả dương tính, các bệnh viện đều đang tràn ngập bệnh nhân. Nhân viên y tế ở nước này cho biết bệnh nhân được đưa vào các phòng cấp cứu và các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) càng làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm. Họ cũng báo cáo tình trạng thiếu máy thở, khẩu trang, đồ bảo hộ cho bác sĩ.
Ngày 7/3, Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn chống dịch tạm thời, theo đó nếu không có lựa chọn nào, bệnh viện có thể yêu cầu nhân viên y tế bị phơi nhiễm tiếp tục làm việc miễn là họ đeo khẩu trang và không có triệu chứng.
Kinh nghiệm từ Singapore
Trong bức tranh u ám của ngành y tế, kinh nghiệm của Singapore có thể xem là một tín hiệu lạc quan. Nước này đã ghi nhận hơn 630 trường hợp mắc COVID-19, tất cả đều đang được điều trị tại bệnh viện, nhưng chỉ một số ít nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Và những trường hợp này cũng được xác nhận là bị lây nhiễm bên ngoài bệnh viện, theo Vernon Lee, đại diện Bộ Y tế nước này cho biết.
Các chuyên gia cho rằng điều này không chỉ là may mắn. Điển hình trong một trường hợp mà 41 nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 trong một bệnh viện ở Singapore nhưng không ai bị lây nhiễm virus corona chủng mới.
Các y bác sĩ cho biết họ đã tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân - quy trình này được coi là đặc biệt nguy hiểm đối với nhân viên y tế vì bệnh nhân có khả năng ho và sẽ phát tán virus. Tất cả các y bác sĩ sau đó đã được cách ly khi bệnh nhân có kết quả dương tính với virus corona chủng mới. 2 tuần sau, toàn bộ y bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân trên đều không bị lây nhiễm.
Nguyên nhân là bởi các y bác sĩ đeo cùng lúc khẩu trang y tế tiêu chuẩn và khẩu trang N95. Các bác sĩ xem đây là tiêu chuẩn bảo vệ "vàng" vì khẩu trang chuyên dụng có thể giúp lọc bớt 95% các hạt nhỏ trong không khí.
Nhân viên y tế đi bộ đến Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Tan Tock Seng ở Singapore. Ảnh: AFP
Trong kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Annals of Internal Medicine, chuyên gia Singapore rút ra kết luận: "Trong tình huống này, không nhân viên y tế nào bị nhiễm virus cho thấy khẩu trang y tế, vệ sinh tay và các quy trình tiêu chuẩn khác giúp bảo vệ họ khỏi lây nhiễm".
Bác sĩ phẫu thuật kiêm nhà văn Atul Gawande CŨNG đề cập đến trường hợp này trong một bài viết cho tờ The New Yorker về cách các nhân viên y tế có thể tiếp tục điều trị bệnh nhân mà không trở thành bệnh nhân. Ông nói rằng có những điều cần học hỏi từ châu Á, trong đó có những thứ rất cơ bản như giữ khoảng cách xã hội, vệ sinh tay, chế độ khử trùng,...
Singapore đã rút ra những bài học từ dịch SARS
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết, quá khứ phải đối đầu với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính) năm 2003 đã giúp châu Á có sự chuẩn bị cho COVID-19, trong khi các nước phương Tây không được chuẩn bị tương tự, do đó họ không có đủ thiết bị bảo vệ.
Ở Singapore, mặc dù số lượng bệnh nhân COVID-19 vẫn đang tăng lên (đa phần bệnh nhân về từ nước ngoài), hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ vẫn tiếp tục hoạt động trơn tru. Các bác sĩ cho biết điều này là do họ đã có sự chuẩn bị cho một đại dịch khác kể từ sau dịch SARS. Trong đợt bùng phát SARS, nhân viên y tế chiếm 41% trong số 238 ca nhiễm của Singapore.
Rút kinh nghiệm từ quá khứ, các bệnh viện của Singapore đã chuyển sang chế độ lập kế hoạch dự phòng từ sớm trong vụ dịch COVID-19, yêu cầu nhân viên trì hoãn kế hoạch nghỉ phép và đi lại sau khi các trường hợp đầu tiên xuất hiện.
Cùng lúc đó, các bệnh viện nhanh chóng chia đội ngũ nhân viên y tế thành các đội để đảm bảo có đủ nhân viên nếu dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn và để đảm bảo các y bác sĩ được nghỉ ngơi đầy đủ.
Tại khoa cấp cứu - nơi chuyên gia cấp cứu nhi khoa Jade Kua điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19, các bác sĩ được chia thành bốn đội, mỗi đội gồm 21 và thay ca sau 12 giờ và không tương tác với các đội khác. "Chúng tôi sẽ làm việc luân phiên nhau, nhóm này làm nhóm kia nghỉ, cứ thế thay phiên nhau liên tục", bác sĩ Jua cho biết.
Bác sĩ Chia, người làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Singapore cho biết các bác sĩ được tách ra theo công việc của họ. "Chúng tôi cố gắng không tiếp xúc với các đội khác nhiều nhất có thể. Chúng tôi sẽ chỉ nói xin chào từ bên kia hành lang. Tất cả mọi người đều duy trì khoảng cách với nhau", bác sĩ Chia nói.
Nhân viên y tế Indonesia tiến hành xét nghiệm hàng loạt cho người dân tại Bekasi, Tây Java. Ảnh: AFP
Một điều quan trọng khác là đảm bảo tỷ lệ bác sĩ/bệnh nhân tốt và đảm bảo có đủ chuyên gia cho những công việc quan trọng chẳng hạn như bác sĩ và y tá có thể làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt và biết cách vận hành máy thở hoặc máy móc để bơm và thở oxy cho bệnh nhân.
Singapore có 13.766 bác sĩ, trung bình sẽ có 2,4 bác sĩ cho 1.000 người dân. Tỷ lệ này ở Mỹ là 2,59/1.000 người, ở Trung Quốc là 1,78/1.000 người và ở Đức là 4,2/1.000 người. Những nơi như Myanmar và Thái Lan có ít hơn một bác sĩ cho 1.000 người.
Rất tiếc, không phải quốc gia nào cũng có kế hoạch như thế. Năm ngoái, báo cáo Global Health Security Index của Tập đoàn Economist Intelligence Unit ghi nhận 70% trong tổng số 195 quốc gia có điểm rất thấp khi đánh giá sự chuẩn bị để đương đầu với một dịch bệnh hoặc đại dịch. Tại Ấn Độ, với dân số 1,3 tỷ người, chỉ có khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc đặc biệt, y tế khẩn cấp và bệnh đường hô hấp.
Ngược lại, Singapore đã sớm công bố Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với đại dịch cúm đầu tiên vào tháng 6/2005 và kể từ đó đã mài giũa nó thành một hệ thống. Các bệnh viện thường xuyên tập huấn phòng ngừa đại dịch hay khủng bố, để từ đó đánh giá hiệu suất và đề xuất các khu vực cần cải thiện.
Kế hoạch phòng ngừa của họ cũng đề cập đến nhu cầu dự trữ thiết bị để tránh tình trạng thiếu hụt mà nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt. Đây cũng là một bài học rút ra từ dịch SARS khi khẩu trang, găng tay và áo phòng hộ bị thiếu.
Trong một bài báo về kế hoạch chuẩn bị đại dịch xuất bản năm 2008, chuyên gia y tế công cộng Singapore Jeffery Cutter đã viết rằng kho dự trữ của Singapore đủ cung cấp cho tất cả nhân viên y tế tuyến đầu trong 5 đến 6 tháng.