Ông Chấn cho biết, mình bị cán bộ điều tra bắt luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra. Ông được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường.
Vì sao cho rằng mình không có tội nhưng quá trình điều tra, ông Nguyễn Thanh Chấn lại nhận tội? - Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm sau khi ông Chấn được trả tự do sau 10 năm ở tù.
Sau khi vụ án mạng tại thôn Me (xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được phát hiện, ông Chấn đã bị cảnh sát bắt giữ điều tra. Ông Chấn đã bị tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm đã tuyên án tù chung thân. Nhưng tại các phiên tòa, ông Chấn lại không nhận tội mặc dù quá trình điều tra, ông đã từng thừa nhận điều này.
Tại cuộc họp báo hôm qua (5/11), báo chí cũng nêu câu hỏi liệu ông Chấn có bị ép cung hay không? Đại diện VKS cũng khẳng định, cơ quan điều tra của Viện sẽ xem xét đầy đủ mọi khía cạnh vụ án.
Trong bản kháng nghị tái thẩm, Viện KSND Tối cao cũng cho biết, tại các biên bản ghi lời khai ban đầu của ông Chấn (30/8/2003 - 27/9/2003, khi chưa khởi tố vị can) và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội. Ông Chấn đã kêu oan và khai rằng những lời khai nhận tội trước đây là do bị ép cung. Ông được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường. Ông bị bắt luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra.
Ngôi nhà của chị Hoan, nơi xảy ra án mạng
Trong những lá đơn kêu oan, ông Nguyễn Thanh Chấn trình bày rằng, sau khi bị bắt, ông bị công an đánh đập, đe dọa, ép cung. Ông Chấn nói rằng, ông nhớ rõ tên họ của những cán bộ điều tra hỏi cung mình. Đó là những cán bộ mang tên Nguyễn H. T., Ngô Đ. D., Trần N. L., Đào V. B., Nguyễn V. D., Nguyễn T. T., Đặng Thế V. và một người tên T.
Ông viết: Nguyễn H. T. dùng dép đánh vào hai mang tai tôi và bảo tôi: Trưa nay cho mày uống thuốc lú. Mày phải nhận. Trần N. L. tay cầm búa dọa bảo: Tao cho mày cái búa cho mày chết bây giờ. Cán bộ Ngô Đ.D. khóa xích hai tay tôi lại, bắt tôi phải nhận làm theo những gì mà các cán bộ hướng dẫn làm. Bắt tôi phải nhận mà thực tế không phải như vậy.
Trong đơn, ông Chấn cũng nói rằng: Bố tôi là liệt sỹ hy sinh từ khi tôi mới 3 tuổi. Hoàn cảnh gia đình vất vả nên mẹ tôi không có điều kiện cho tôi ăn học đến nơi đến chốn. Tôi không có điều kiện để hiểu biết về pháp luật và va chạm nhiều với xã hội. Vì thế, khi bị vu oan là giết người và bị đe dọa, đánh đập, tôi rất sợ, phải nhận làm theo những gì cán bộ công an bắt phải làm. Không có cha bảo vệ từ bé nên tôi luôn có cảm giác sợ hãi khi có ai đe dọa đánh đập.
“Họ cứ dọa dẫm tôi sợ nên tôi phải nhận để ra tòa kêu oan nhưng không ngờ tòa lại xử như thế". – Ông Chấn uất ức.
Ông kể tiếp: Tôi cũng bị đầu gấu đánh. Cán bộ chuyển một đêm đi hai ba buồng. Ở buồng G6, sau này tôi mới biết là bị đầu gấu Hồng đánh đập, bắt làm cái này cái nọ. Sau đó điều tra viên bắt tôi tập tành và làm theo. Mới đầu tôi không làm được, cán bộ cứ hướng dẫn thế này thế nọ. Khi dựng hiện trường, họ còn mượn nhà dân dựng ở mãi ngoài cổng, chẳng nhớ ra nhưng cán bộ bắt cứ phải làm theo. Tôi cứ phải làm theo cán bộ.
Trong bản bào chữa của bị luật sư chỉ định của ông Chấn, ông này cũng nêu quan điểm: Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo khai việc thực nghiệm các hành vi giết chị Hoan là do cán bộ điều tra hướng dẫn và bố trí. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và đánh giá khách quan toàn diện.