11 năm chạy chữa, thậm chí phải bán nhà để lấy tiền thực hiện ước nguyện có con, cuối cùng hạnh phúc đã đến với người phụ nữ ở tuổi 35 sau 8 lần thụ tinh nhân tạo.
Chia sẻ về hành trình tìm con của mình, chị Nguyễn Bích Thủy (35 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết suốt 11 năm kể từ khi kết hôn, có lúc tưởng chừng cơ hội làm mẹ đã vuột mất, nhưng cuối cùng cơ duyên cũng đã đến với hai vợ chồng.
Trong 11 năm đó, chị Thủy đã đi khám nhiều cơ sở ở trong Nam, ngoài Bắc và được kết luận vô sinh không biết nguyên nhân.
Không thể có con tự nhiên, vợ chồng chị Thủy đã đi nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản để làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng đều không thành công.
Chị Thủy hạnh phúc sau hành trình tìm con suốt 11 năm.
Trong hành trình 11 năm “tìm con” với nhiều lần thụ tinh nhân tạo (IVF ), không chỉ buồng trứng của chị Thủy bị suy kiệt, mà kinh tế gia đình cũng “xuống dốc không phanh”. Và để thực hiện hóa giấc mơ làm mẹ, vợ chồng chị Thủy đã quyết định bán nhà để có tiền “nuôi” hy vọng có con.
Đến lần thụ tinh thứ 7, chị đã đến đến Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bạch Mai gửi gắm niềm hy vọng và kết quả khiến cả gia đình chị Thủy vỡ hòa trong hạnh phúc khi bác sĩ thông báo đã thành công. Tuy nhiên, nhiêm vui ấy lại quá ngắn ngủi, khi thai chưa đầy 3 tháng thì bị chết lưu. Khi đó, chẳng có gì có thể miêu tả được nuỗi buồn ê chề của vợ chồng chị Thủy.
Sau khi xử lý thai chết lưu được hơn 3 tháng, chị Thủy cân bằng được tâm lý. Khi đó ước muốn làm mẹ trong chị lại trỗi dậy và chị đã tha thiết nhờ các bác sĩ thực hiện IVF thêm một lần nữa.
Lần thụ tinh thứ 8 đã thành công, trong suốt thời kỳ mang thai, gia đình chị Thủy vui thì có vui, nhưng vẫn có những nỗi lo giấu kín trong lòng.
Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với chị khi một bé trai đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ vào cuối tháng 3 vừa qua, với cân nặng 2,8kg.
Các gia đình chia sẻ niềm vui sau hành trình tìm con của mình.
PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Phụ trách Đơn vị hỗ trợ sinh sản cho biết, khi chị Thủy đến khoa để kiểm tra, buồng trứng đã trong tình trạng suy kiệt sau quá nhiều lần làm IVF. Các bác sĩ Đơn vị hỗ trợ sinh sản đã cố gắng làm bằng tất cả những gì có thể và cuối cùng niềm vui đã đến với gia đình.
PGS Nha cho biết, ngoài gia đình chị Thuỷ, đơn vị cũng đã giúp 200 cặp vợ chồng hiếm muộn khác có con trong 3 năm qua với tỉ lệ thành công chuyển phôi tươi trên 30%, trên 40% với phôi trữ lạnh.
Trong số 200 ca đó, có nhiều ca rất đặc biệt, điển hình như trường hợp chị Yến sinh em bé lần đầu ở tuổi 46 trong lần đầu tiên chuyển phôi đông lạnh; ông Charles (người Anh – vợ người Trung Quốc) đã thành công từ lần chuyển phôi tươi đầu tiên, sinh một bé gái (Gia đình đã gia hạn đông phôi sau sinh và về Hồng Kông làm việc).
Đặc biệt là 1 ca có tinh trùng dị dạng nặng sau xạ trị, đã làm IVF ở Thái lan, Malaysia không thành công và cuối cùng khi đến Đơn vị hỗ trợ sinh sản thực hiện thì có tin vui.