Sau 6 lần sảy thai, chị N.H không còn đủ can đảm để tiếp tục hành trình tìm con, chấp nhận từ bỏ thiên chức làm mẹ.
Sau kết hôn, vợ chồng chị N.H (37 tuổi, Bình Thuận) ao ước về một tổ ấm hạnh phúc có tiếng nói cười trẻ thơ. Vậy mà cuộc đời trớ trêu, họ phải đằng đẵng hơn một thập kỷ đi qua bao nẻo đường từ quê xuống Sài Gòn tìm cách chữa trị hiếm muộn.
8 năm mang thai 6 lần nhưng… đều sảy tự nhiên
Năm 2006, chị H. vừa đám cưới xong thì phát hiện mắc hội chứng cường giáp (tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, tạo ra quá nhiều hormone trong cơ thể - PV). Chị đã vào bệnh viện tiến hành phẫu thuật cắt một nửa tuyến giáp, tuy nhiên chức năng tuyến giáp vẫn bất thường. Chị buộc phải sử dụng thuốc kháng giáp liên tục nên không dám nghĩ chuyện sinh con.
2 năm sau, chị H. sung sướng khi biết mình mang bầu đứa con đầu lòng nhưng thai được hơn một tháng thì… hỏng tự nhiên. “Lúc ấy, vợ chồng tôi nghĩ do thuốc kháng giáp chưa hết tác dụng phụ khiến thai hư sớm. Vì vậy chúng tôi quyết định tập trung bồi dưỡng sức khỏe, còn vấn đề con cái là “lộc trời cho” mong sớm cũng khó”, chị tâm sự.
Năm 2009, chị H. có thai lần 2 và tiếp tục sảy tự nhiên giống trước. Sau đó, chị tạm ngưng việc sinh con để điều trị dứt điểm chứng cường giáp nhưng thất bại. Chị nhớ lại: “Tôi ngỡ mình không được làm mẹ, cảm giác tuyệt vọng như bị ngã xuống vực sâu. Hằng đêm, tôi trằn trọc nghĩ đến chuyện hàng xóm cưới cùng đợt sinh con dễ dàng rồi tủi thân khóc than số phận bất công”.
Con trai của vợ chồng chị H. chào đời trong niềm vui sướng của Êkip mổ
Năm 2012, chị lần nữa có thai nhưng hạnh phúc chẳng tày gang thì con “ra đi” không lý do. Chừng 1 năm sau, chị tiếp tục thai nghén – đây là lần duy nhất có phôi thai. Tuy nhiên, chị H. đi siêu âm không có tim thai và được bác sĩ chỉ định hút thai.
“4 lần sảy, tôi mệt mỏi, căng thẳng và ám ảnh khi nghĩ đến “thai kỳ”. Thậm chí, ai đó nhắc tới chuyện con cái là tôi cáu gắt hoặc lảng tránh. Dần dần tôi trở thành kẻ lầm lì, không muốn ra ngoài giao tiếp với người xung quanh”, chị buồn rầu.
Người phụ nữ dù tuyệt vọng vẫn khao khát được làm mẹ. Chị luôn hi vọng một ngày nào đó “hạnh phúc” lại về và mãi ở bên hai vợ chồng. Do đó, chị gắng gượng “đứng dậy” tiếp tục hành trình tìm kiếm con yêu.
Năm 2016-2017, chị H. mang bầu thêm 2 lần nhưng kết quả không khác so với những lần trước đó. Có lẽ số phận đang thử thách vợ chồng chị xem kiên nhẫn, cố gắng ra sao trong hành hình gian nan này. Nhưng với 6 lần “mất con”, người phụ nữ ấy không thể đứng dậy đối diện với thực tại. Chị quyết định buông bỏ, chấp nhận từ bỏ ước mơ làm mẹ bởi cố gắng đến nhường nào thì vẫn… rơi nước mắt.
Sau tất cả, cặp vợ chồng có thể ẵm “trái ngọt
Bẵng thời gian từ bỏ thiên chức làm mẹ, chị N. cùng chồng đến bệnh viện làm các xét nghiệm tầm soát nguyên nhân sẩy thai liên tiếp. “Kết quả thăm khám sức khỏe của tôi đều bình thường, chỉ có chức năng tuyến giáp không ổn định.
Bác sĩ Sản quyết định chuẩn bị cho chúng tôi kế hoạch mang thai lần 7 như tư vấn chế độ dinh dưỡng, những điều cần làm trước và trong quá trình thai nghén…”, chị kể.
Chị H. thực hiện đúng những yêu cầu bác sĩ đưa ra và không lâu sau có tin vui. Trong lần khám thai đầu tiên, chị khá căng thẳng và hồi hộp vì sợ điềm xấu “xảy ra”. Nhưng may mắn diễn biến thai kỳ rất khả quan khi phôi thai có tim ở tuần thứ 6.
“Qua 3 tháng đầu, vợ chồng tôi mới an tâm phần nào nỗi ám ảnh mang tên “sảy thai”. Song song với việc khám thai đều đặn theo định kỳ, tôi còn phải liên tục sử dụng thuốc kháng giáp để đảm sức khỏe cho em bé”, chị nói.
Thai tuần 37, chị H. vỡ ối sớm phải vào bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ quyết định mổ bắt con. Ca mổ diễn ra khá nhanh với sự chào đời của một bé trai kháu khỉnh.
“Thằng nhỏ là một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho vợ chồng tôi. Sau tất cả, tôi đã được ẵm thiên thần nhỏ vào lòng rồi thoải mái cất lời ru à ơi! Nó giống như một giấc mơ mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến”, chị H. tâm sự.
Hiện tại, bé con của vợ chồng chị H. đã tròn tháng tuổi, rất bụ bẫm và đáng yêu. Anh chị dự định khi bé lớn sẽ tiếp tục sinh thêm lần nữa để có anh có em.
12 năm không phải quãng thời gian quá dài nhưng đủ để chúng ta cảm nhận phần nào vất vả của cặp vợ chồng trẻ. Họ đã kiên nhẫn và phải trải qua muôn vàn áp lực, khó khăn mới gặt được “trái ngọt”.
BS Thân Trọng Thạch (Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM) – người trực tiếp điều trị cho biết trường hợp của chị H. được gọi là sảy thai liên tiếp cần khảo sát nguyên nhân từ sức khỏe của 2 vợ chồng trước khi đưa ra phác đồ cho lần có thai tiếp theo. “Mỗi cá nhân sẽ có cách điều trị khác nhau tùy thuộc vào yếu tố gây ra sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên hầu hết bác sĩ muốn kết quả tốt đều điều trị theo kinh nghiệm và y học chứng cứ trên thế giới”, BS. Thạch nói. |