Vợ sinh 3 con, nhưng sau đó 1 con mắc bạo bệnh qua đời, anh Thành phải nén nỗi đau để từng đêm vượt hàng trăm cây số xin sữa cho 2 con còn lại.
Người cha và hành trình vượt màn đêm xin sữa cho con
Gần 2 tháng chăm con ở Bệnh viện Nhi Trung ương, anh Vũ Văn Thành (SN 1988, thôn 4, xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) ngày nào cũng mong ngóng gặp được các con mình.
Ngày 4/5 vừa qua, hai con gái bé bỏng được ra viện, anh mừng rơi nước mắt. Anh ôm con, âu yếm con ở phòng trọ gần ngay cổng viện cả ngày không rời xa.
Từ hôm con ra viện, anh Thành chỉ muốn cả ngày được ôm con cho thoả nỗi nhớ.
Nhưng lẽ ra niềm vui con xuất viện sẽ trọn vẹn hơn nếu đứa con trai anh không qua đời vì bị nhiễm trùng máu.
Theo chia sẻ của anh Thành, năm 2014, anh Thành và chị Đỗ Thị Vui (SN 1996) lấy nhau, 4 năm sau đó vợ chồng anh mới được đón tin vui. Bất ngờ hơn khi bác sĩ thông báo vợ anh mang thai 3 tự nhiên.
Sau 29 tuần mang thai, ngày 26/2, vợ anh Thành có dấu hiệu chuyển dạ. Tại Bệnh viện Sản Thanh Hoá, vợ anh sinh được 3 đứa con lần lượt nặng 1,2kg, 1,0kg và 0,7kg. Do sinh non, nhẹ cân nên các con anh Thành phải chuyển sang Bệnh viện Nhi Thanh Hoá điều trị.
Mỗi khi con ngủ, hai vợ chồng anh Thành lại ngồi kế bên ngắm các con.
Tại đây, các con anh Thành điều trị được 10 ngày thì phải chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương vì sức khoẻ quá yếu và bị nhiễm trùng da.
Tuy nhiên, không may khi ra Bệnh Viện Nhi, đứa con trai nặng 1.2kg được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng máu và cháu đã qua đời sau 1 ngày điều trị.
“Đứa con lớn qua đời, hai cháu còn lại nhiễm trùng máu nguy kịch, dù rất đau đớn nhưng tôi phải chấp nhận để ông bà đưa cháu trai về nhà, hai vợ chồng ở lại bệnh viện chăm sóc hai con gái bé bỏng”, anh Thành nói.
Cũng kể từ khi các con anh chuyển ra Hà Nội điều trị, anh Thành hàng ngày ở viện cùng vợ chăm con. Đêm đêm anh lại phải chạy đi khắp nơi xin từng giọt sữa cho con ăn, với mong muốn ăn sữa mẹ con sẽ tăng được sức đề kháng và nhanh khỏi bệnh.
Dù đã ra viện, nhưng hàng ngày vợ chồng anh Thành phải chăm sóc và theo dõi nhiệt độ các con liên tục.
Ở Hà Nội, các mẹ có con ở viện ai cũng muốn dành giọt sữa quý giá của mình cho con, nên việc xin sữa rất khó khăn. Chẳng còn cách nào khác, anh Thành phải về quê để xin sữa.
Về nhà chỉ được một ngày, tận dụng quỹ thời gian ngắn ngủi đó, cứ ai mách mẹ nào nhiều sữa là anh Thành tìm đến. Anh cho biết, có những hôm anh phải đi từ huyện này sang huyện khác để xin từng ml sữa cho con.
"Được các mẹ cho sữa rất quý, nhưng để bảo quan những giọt sữa đó chẳng đơn giản chút nào. Tôi phải sử dụng loại thùng chuyên dụng đựng sữa, xin được bình nào là lại cho vào hộp đá ngay.
Cứ như vậy, tôi đi hết nhà này sang nhà khác. Tối khoảng 10 giờ về nhà, tôi vội vàng cho sữa mẹ vào ngăn đá cấp đông. Ngăn đá đó tôi cũng phải lau dọn thật sạch, không để chung cùng thức ăn. 4 giờ sáng ngày hôm sau, tôi lại cho sữa vào thùng chuyên dụng, cho thật nhiều đá vào bắt xe ô tô khách ra Hà Nội để kịp bữa sáng cho con. Mỗi đợt xin sữa như vậy con tôi ăn đủ 4-6 ngày”, anh Thành kể lại.
Khi con ở trong viện, anhThành phải lặn lội hàng đêm xin từng giọt sữa cho con.
Cứ liên tục ngày này qua ngày khác, đến bây giờ người bố này cũng không nhớ được mình đã đi xin sữa được bao nhiêu chuyến. “Có người bảo tôi tiền đi lại đó thà để mua sữa cho con còn hơn, nhưng tôi muốn con tôi được ăn sữa mẹ, chứ cháu sinh non, phải ăn sữa ngoài tội lắm”, anh Thành nghẹn ngào vừa nói, vừa nhìn các con.
Giọt nước mắt và ước muốn nhỏ nhoi của người mẹ
Ngồi tại phòng trọ nghe chồng chia sẻ câu chuyện, chị Đỗ Thị Vui (vợ anh Thành) không thể ngăn được những dòng nước mắt. Chị cố khóc nhưng không thành lời, mà chỉ lấy khăn lau đi giọt nước mắt.
Đến giờ này chị cảm thấy mình như một người “có lỗi” khi sinh con ra mà chưa một lần được cho con bú. “Khi sinh con ra tôi có sữa nhưng lúc đó con không thể bú được, đến khi con bú được thì tôi mất sữa hoàn toàn”, chị Vui vừa nói vừa khóc.
Người mẹ trẻ này cho biết, trong một tháng đầu con nuôi trong lồng ấp, không bú được sữa mẹ. Sữa về nhiều, chị đau tức ngực mà chẳng biết làm sao. Khi đó, chỉ mong được chạy nhanh vào với con để cho con bú mà chẳng được.
Thời gian trôi qua, khi con chị cứng cáp lên, các cháu có thể ăn được sữa mẹ, đến lúc đó chị lại mất sữa. "Khi đó nhìn chồng ngược xuôi xin sữa cho con, tôi thấy mình thật vô dụng. Chẳng biết bao lần, tôi đóng cửa lại ở trong phòng một mình, tìm đủ mọi cách để cho sữa về, mà chẳng được", chị Vui nói.
Khi nghe chồng chia sẻ câu chuyện, chị Vui ngồi lặng người phía sau vừa khóc, vừa nhìn các con đang ngủ.
Chị Vui kể, khi con còn ở trong bệnh viện, nhiều người nói: "Con ăn sữa của bố (vì bố đi xin sữa cho các con). Lòng tôi lại quặn thắt và thấy mình thật bất lực, nhưng hoàn cảnh như vậy, tôi chẳng thể nào thay đổi được".
Chị Vui mong đứa con trai bé bỏng ở thế giới bên kia hiểu được nỗi lòng của chị.
Đến thời điểm hiện tại, điều người mẹ trẻ này đau đáu và cắn rứt nhất là chưa một lần được về thắp cho đứa con trai bé nhỏ một nén hương. “Tôi muốn về lắm, nhưng kể từ khi 2 con gái ở viện được ghép mẹ, tôi phải hàng ngày, hàng giờ bên 2 con. Tôi mong con trai ở thế giới bên kia hiểu được lòng tôi”, chị Vui nói.
Giờ đây, hai con gái của anh Thành, chị Vui đã thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng máu, cân nặng một cháu đã lên 1.8kg, một cháu được 2kg. Đó chính là niềm động viên, an ủi lớn nhất đối với hai vợ chồng trẻ này.
Ngày mai 2 con gái anh Thành sẽ ở lại Hà Nội cùng mẹ và bà, anh lại tiếp tục hành trình xin sữa cho con.
Các con khoẻ lên, được ra viện nhưng vẫn phải tái khám định kỳ, nên vợ chồng anh Thành phải thuê phòng trọ ở lại Hà Nội chăm sóc hai con.
“Hiện các con tôi phải ăn sữa bột, nhưng các cháu hấp thụ kém, vì thế mỗi khi đi ngoài rất khó khăn. Dự định ngày mai tôi lại tiếp tục hành trình về quê xin sữa tiếp cho các con”, anh Thành nói.