120 em bé ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm

Ngày 21/06/2016 11:27 AM (GMT+7)

Bắt đầu thừ tháng 3/2014 đến nay, đơn vị Hiếm muộn (BV Phụ sản-Nhi Đã Nẵng) đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, với 120 cháu chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

BS.CKII.Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng (bệnh viện) cho biết, bệnh viện bắt đầu triển khai các hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) từ tháng 4 năm 2014. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, đơn vị Hiếm muộn đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Sau sự kiện 3 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp TTTON vào ngày 25/12/2014, đến nay, bệnh viện đã đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp này.

“Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới vô cùng quan trọng của bệnh viện trong việc khẳng định khả năng và vị trí trong lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn của một bệnh viện chuyên khoa Phụ sản - Nhi đầu ngành khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, BS Phương Lê cho biết.

120 em bé ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm - 1

BS Nguyễn Thị Phương Lê bên những em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo BS Lê, hiện Khoa Hiếm muộn của bệnh viện có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI); TTTON cổ điển (IVF cổ điển); TTTON - tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (IVF- ICSI); TTTON với tinh trùng phẫu thuật (trường hợp vô sinh nam không có tinh trùng tắc nghẽn); TTTON - xin trứng, trữ lạnh phôi/trứng/tinh trùng; chuyển phôi trữ lạnh; sinh thiết tinh hoàn chẩn đoán; chọc hút nang cơ năng dưới siêu âm; hỗ trợ phôi thoát màng, khám nam khoa, khám tư vấn tiền hôn nhân.

“Việc triển khai thành công TTTON tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã giảm đáng kể thời gian đi lại cũng như giảm chi phí điều trị và giảm căng thẳng về tâm lý cho bệnh nhân khu vực Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận trong suốt quá trình điều trị. Hiện chi phí cho một ca điều trị hiếm muộn, vô sinh thực hiện tại BVPSNĐN bình quân khoảng 50 -70 triệu đồng/ca”, BS Lê thông tin.

TS.BS. Trần Đình Vinh – GĐ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết: “Khoa Hiếm muộn của BV vốn còn non trẻ nhưng chúng tôi tin rằng, với những kết quả đạt được ở thời điểm hiện tại cũng như sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lẫn ngoài nước, khoa sẽ góp phần cùng các trung tâm IVF khác của cả nước không ngừng nỗ lực để mang đến niềm hạnh phúc do các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn”.

Ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 18.000 trường hợp thực hiện kỹ thuật TTTON và các kỹ thuật liên quan, con số có thể tăng khoảng 10% mỗi năm. Tại Việt Nam, TTTON đã được triển khai thành công từ năm 1998, mặc dù đi sau thế giới 20 năm, nhưng kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển và có những bước tiến vượt bậc.

Tính đến năm 2016 đã có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được thành lập, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp.HCM. Ở miền Trung, có 01 ở Bệnh Viện Phụ sản Thanh Hóa, 01 ở Bệnh viện Trung Ương Huế và 01 ở Bệnh viện Đại học Y – Dược Huế và  IVF Đà Nẵng là trung tâm hỗ trợ sinh sản thứ 19 của cả nước và đầu tiên ở Đà Nẵng. Và Việt Nam được xem là nước thực hiện số chu kỳ hỗ trợ sinh sản nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiếm muộn - Vô sinh