WHO cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 240 nhân viên y tế đã bị nhiễm virus Ebola, trong đó ít nhất 120 người đã tử vong trong đại dịch chết người này.
Theo thông cáo mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến thời điểm hiện tại, virus chết người Ebola bùng phát tại 4 quóc gia Tây Phi là Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone đã khiến 240 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, hơn 120 nhân viên y tế đã tử vong vì căn bệnh này.
Được biết, trong số này có rất nhiều bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, là những người đi đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola.
Chuyên gia của WHO phân tích, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng số lượng các nhân viên y tế lây nhiễm virus Ebola. Thứ nhất, do thiếu các thiết bị bảo vệ cá nhân như mặt nạ, gang tay. Thứ hai, rất nhiều nhân viên y tế sử dụng các thiết bị này không đúng cách. Thứ ba, các nhân viên y tế ở trong các trung tâm cách ly dịch bệnh quá ít khiến họ làm việc quá sức hoặc xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc.
Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi.
Theo số liệu ước tính của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tại 3 quốc gia nằm trong vùng tâm dịch Ebola, cứ 100.000 người dân mới có từ 1 đến 2 nhân viên y tế phục vụ khám chữa bệnh, và chủ yếu số nhân viên y tế này được điều động tập trung tại các vùng nông thôn ở Tây Phi.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế đã bỏ việc do lo ngại đe dọa đến tính mạng, trong khi nhiều y bác sĩ khác làm việc 24/24 trong các trung tâm cách ly.
Hôm 25/8 vừa qua, Tiến sỹ Abraham Borbor, một trong 3 bác sỹ người Liberia và là một trong những người đầu tiên ở châu Phi sử dụng thuốc thử nghiệm Zmapp dã tử vong sau khi có những dấu hiệu hồi phục trước đó.
Trong khi đó, hai nhân viên y tế nhiễm Ebola khác vẫn đang được điều trị tích cực bằng ZMapp và có nhiều chuyển biến khả quan.
ZMapp là loại thuốc được bào chế từ lá cây thuốc lá biến đổi gen, do công ty dược phẩm Mapp của Mỹ sản xuất và hiện cũng đang được cung cấp cho một số ít bệnh nhân tại ổ dịch Tây Phi.
1.427 người ở Tây Phi đã thiệt mạng vì Ebola
Cộng hòa dân chủ Congo tuyên bố dịch Ebola đã bùng phát ở vùng Djera, thuộc tỉnh miền Tây Bắc Equateur sau khi 2 trong số 8 bệnh nhân đã tử vong vì nhiễm virus này.
Tuy nhiên, các quan chức y tế của Cộng hòa Dân chủ Congo cho rằng, dịch Ebola ở đây có thể không liên quan đến đại dịch đang hoành hành ở các nước Tây Phi.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, kể từ khi dịch Ebola bùng phát hồi đầu tháng 3, đã có tổng cộng 1.427 trường hợp tử vong do virus Ebola và hơn 2.600 ca nhiễm tại 4 nước Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.
Cho đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa loại virus có tỷ lệ gây tử vong lên tới 90% này.