Đồ chơi Trung thu cho trẻ ngập tràn quanh khu phố cổ. Buổi tối ra đường rất dễ giật mình vì hình ma quỷ, sọ người, xương người… cùng rất nhiều đồ chơi kinh dị, bạo lực. Liệu có nên mua cho con chơi những thứ này?
Quái dị, bạo lực...
Đồ chơi Trung thu không nên mua cho trẻ ở phố Hàng Mã, Hàng Lược, Đồng Xuân… dịp này bán nhiều. Thích giật gân, kinh dị có mặt nạ quỷ, phù thủy, đầu lâu, yêu tinh, quái thú, xương người... Thích bạo lực có gươm, đao, giáo, mác, dao găm, mã tấu… nhựa.
Cao cấp hơn có súng bắn đạn lửa, bắn ra máu, phun ra tia laze, roi điện... y như thật và có cả khuyến mãi… Mới nhất là loại đồ chơi lựu đạn giá hơn 100.000 đồng/quả đang gây “sốt” nhờ “quảng cáo” nổ giòn tai khiến người xung quanh thót tim. Các loại đồ chơi “độc” này đều có xuất xứ Trung Quốc được lén lút bán lẫn với đồ chơi thông dụng và đáng buồn là rất hút khách nhí.
Trẻ thích đồ chơi bạo lực, nhưng cha mẹ không nên mua - ảnh minh họa
Đừng mua các loại đồ chơi Trung thu sau cho trẻ, bởi:
1. Súng điện tử khi bắn, lựu đạn khi nổ có âm thanh lớn lớn ảnh hưởng đến tai và thần kinh, thị giác.
2. Súng bắn đạn có những hòn bi văng rất xa và nguy hiểm cho người đứng gần.
3. Súng laze còn có nguy cơ cao hỏng võng mạc, thị lực nếu chẳng may bị các loại đạn bắn phải.
4. Súng cao su, kiếm, và các đồ chơi tương tự giá rẻ không nên mua, vì làm từ chất liệu nhựa tái chế, phẩm màu độc hại.
5. Những gói đồ chơi lạ có hình lựu đạn cũng là đồ chơi Trung thu không mua cho trẻ vì thường có hóa chất gây nổ có chứa Sodium bicarbonate, có thể gây khó thở, co giật, ngất xỉu. Hóa chất acid Citric nếu bắn vào da có thể gây kích ứng da và niêm mạc mắt.
6. Bom thối cũng là món đồ chơi Trung thu không nên mua cho trẻ, và tuyệt đối cấm trẻ chơi bởi nó nổ phát ra mùi thối khó chịu, giữ mùi lâu. Tuy các bác sĩ chưa rõ hóa chất trong bom thối là gì, nhưng rất có thể thứ đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới não người, và thực sự nguy hiểm và thiếu văn hóa.
7. Đèn lồng, đồ chơi phát sáng, đồ chơi giá rẻ, mẫu mã đẹp và hút mắt, hàng Trung Quốc giá rẻ, rất hút mắt trẻ nhưng rất độc bởi thường được làm từ nhựa tái chế, có chất phthalate, dễ ảnh hưởng đến thị giác và sức khỏe trẻ em. Những món đồ chơi lậu đang được bày bán trên thị trường có chứa chất làm tăng độ dẻo, độ bền của nhựa có khả năng biến đổi hoóc-môn ảnh hưởng đến hệ sinh sản, gây dị tật đến cơ quan sinh dục của trẻ. Những món đồ chơi này có thể đem tới những nguy hiểm tiềm ẩn khi trẻ chơi.
8. Món đồ chơi thú nhún cũng không nên mua, bởi chúng có chứa chất gây vô sinh, dậy thì sớm ở trẻ nhỏ. Singapore đã cấm triệt để đồ chơi này, cơ quan y tế của Việt Nam cũng phát hiện được nồng độ chất dẻo phthalate cao bất thường gây tác động tiêu cực đến sức khỏe trẻ nhỏ trong loại đồ chơi này.
Ngoài đồ chơi bạo lực, kinh dị còn những món đồ chơi tưởng là lành, nhưng lại rất dễ gây nguy hiểm sau:
Viên bi nở nhiều màu là đồ chơi Trung thu không nên mua cho trẻ - Ảnh minh họa.
9. Viên bi nở gặp nước nở tăng 300 - 400%. Nguy hiểm hơn là có chất butanediol có thể gây co giật cho trẻ nhỏ. Viên bi lại quá nhỏ, trẻ bé dễ cầm nuốt và lỡ lọt vào đường hô hấp, gặp nước bọt và dịch trong cơ thể bi nở bung sẽ gây tắc khí quản khiến trẻ nguy tới tính mạng.
10. Bóng bay trẻ thích thổi chơi. Nhưng bóng làm từ mủ cao su, kèm nhiều phụ gia khác độc hại như chất tạo màu, lưu huỳnh… Để bóng bay được người ta bơm khí hidro - tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe trẻ nhỏ. Vì vậy không nên cho trẻ tiếp xúc gần bình khí hydro, hay cầm và thổi.
11. Những đồ chơi Trung thu thiếu an toàn, làm từ nhựa tái sinh đã được các nhà khoa học của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học giám đinh, cho thấy nhiều đồ chơi bằng nhựa có xuất xứ Trung Quốc đều sản xuất bằng các loại nhựa tái chế. Có những loại đồ chơi như đèn lồng phát sáng có chứa chất cadimi (Cd) – rất độc hại đối với cơ thể con người vì có thể gây ung thư, dị tật thai nhi...
12. Những loại đồ chơi kể chuyện có ngôn ngữ, hội thoại mang nội dung phản cảm, lời nói không có văn hóa, giáo dục về tệ nạn xã hội như tình dục, heroin… mới xuất hiện năm nay không phù hợp với tâm lý trẻ, vì trẻ chưa phân biệt được đúng – sai nên có thể hiểu lầm là nên làm.
13. Không mua cho trẻ đồ chơi kinh dị, bởi mặt nạ quỷ, nhũn nhòe, đầu trọc, tóc tai bơ phờ… rất dễ vô cảm trước nỗi đau. Phần lớn sử dụng pin, điện sạc tạo cho trẻ sự lười biếng không năng động, thiếu tư duy và phản xạ. Trẻ gái chơi đồ chơi kinh dị sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ, như bé gái thích mặc quần áo phù thủy, đội mũ kỳ lạ… dẫn tới lớn lên ăn mặc quái đản, kỳ cục…
14. Kẹo thổi bong bóng - là một ống dài dẹt hai đầu, thổi thành hình bong bóng trong suốt đẹp mắt. Mùi keo hăng như mùi sơn, ngửi nhiều là bị chóng mặt, đau đầu. Có thể người ta cho thêm Glycerin tỷ lệ đậm đặc để có độ dai bong bóng. Hóa chất này ngấm vào cơ thể sẽ gây phản ứng tức thì như dị ứng, mẩn ngứa... với người mẫn cảm, và có thể ngấm dần vào cơ thể làm hỏng hệ thống miễn dịch.
Đồ chơi hình lựu đan có tiếng nổ cũng không nên mua cho trẻ. - Ảnh minh họa
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục ThS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khi mua đồ chơi Trung thu cho trẻ, quan trọng nhất là chọn đồ chơi phù hợp với giới tính để không ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của trẻ sau này.
- Cần lưu ý xem loại đồ chơi có an toàn không, nội dung đồ chơi có phù hợp không.
- Cân nhắc kỹ trước khi mua đồ chơi để không gây họa cho con. Tuyệt đối không mua đồ chơi có hóa chất, kinh dị, bạo lực.
- Với các đồ chơi thông minh mới xuất hiện có chương trình game, kể chuyện, thu âm... bố mẹ nên nghe trước để chọn nội dung phù hợp trước khi mua.
- Đồ chơi vận động, trí tuệ cần xem kỹ xuất xứ và chất lượng đồ chơi, chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi (có ghi trên mỗi sản phẩm) để giúp trẻ phát huy hết khả năng.
- Không nên chiều trẻ mùa đồ chơi bạo lực vì có khả năng sát thương lớn, gây tai nạn nguy hiểm nếu trẻ lỡ tay. Bố mẹ nên khuyên nhủ trẻ không nên tự ý mua đồ chơi bạo lực, hoặc tham gia vào các trò chơi có những món đồ chơi bạo lực, bởi trẻ chơi đồ chơi bạo lực nhiều dễ dẫn tới việc tâm lý và hành vi của trẻ không tốt từ nhỏ, dễ nảy sinh cáu gắt, bạo lực, xử sự tiêu cực với mọi người. Đồ chơi mang tính bạo lực còn khiến trẻ trở thành thói quen và bản tính, khi lớn lên nếu có mâu thuẫn trẻ sẽ thường dùng hung khí để chống trả.