Những món đồ chơi kể chuyện như: Mèo máy Doraemon, điện thoại thông minh, mèo Tom… dành cho trẻ trên 3 tuổi có chứa câu chuyện với nội dung tục tĩu, vô tình được nhiều cha mẹ lựa chọn cho con.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cha mẹ đang gián tiếp “đầu độc” khi cho trẻ nghe đồ chơi này.
“Thà chết, thà chết quách một lần cho rồi”
Với thiết kế khá bắt mắt, bao gồm nhiều màu sắc sặc sỡ và các chức năng đa dạng như: Phát nhạc, kể chuyện, nhạc ru, chuông điện thoại, dạy trẻ đánh vần… các loại đồ chơi như chiếc điện thoại đồ chơi giả cảm ứng có tên Cmtoys, máy kể chuyện tiếng Doraemon, gối kể chuyện… được gọi là đồ chơi “thông minh” đang hấp dẫn nhiều bậc phụ huynh cũng như các em nhỏ.
Trong vai một bà mẹ đi tìm mua đồ chơi cho con, PV tìm hiểu thị trường đồ chơi “thông minh” và thấy những loại đồ chơi này được bày bán khá nhiều tại các tuyến phố như: Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ đầu mối Hà Đông, Đồng Xuân và thậm chí là tại những cửa hàng đồ chơi bán ngay trước các cổng trường học. Giá thành của sản phẩm từ 40.000 – 200.000 đồng tùy loại.
Đồ chơi nội dung thiếu lành mạnh lâu dần ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Ảnh: P.T
Tại cửa hàng đồ chơi của chị Hương ở chợ Hà Đông, các loại máy kể chuyện thu âm sẵn được bày bán rất nhiều. Khách hàng hỏi mua cũng tương đối đông. Hầu hết người mua chỉ nghe mấy giây để xem máy có hoạt động hay không chứ không nghe kỹ hết nội dung nên không hề biết tác hại ra sao. Theo chị Hương, hầu hết các sản phẩm đồ chơi thông minh này đều xuất xứ từ Trung Quốc.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như nội dung câu chuyện kể trong những đồ chơi “thông minh” này rất tục tĩu, phản cảm. Khi mua máy kể chuyện tiếng Doreamon về nghe thử, PV tá hỏa khi nghe thấy mèo máy Doraemon bày trẻ em “tự tử: “Chúng ta thà chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng. Thà chết! Thà chết quách một lần cho rồi. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi và chúng chạy ra hố để tự tử đi... ”.
Hay chuyện “Con thỏ và con cọp” của chiếc điện thoại đồ chơi Cmtoys nội dung cũng đáng sợ: “Con Thỏ đang chạy trong rừng nhìn thấy chó Sói hút heroin. Thỏ nói: Anh sói ơi ! Hãy nghe em từ bỏ chất độc hại đó, đi với em quanh rừng sẽ thấy nhiều cảnh đẹp lắm. Cả hai đang chạy thì gặp con cáo đang hút á phiện. Thỏ lại nói “anh cáo ơi, hãy từ bỏ chất độc hại và theo em chạy quanh rừng”. Đi một lúc, gặp con cọp đang chích chất kích thích, thỏ nói “anh cọp ơi, hãy theo em từ bỏ thì cọp gầm lên:… thỏ, lần nào mày say thuốc lắc cũng rủ tao chạy quanh rừng, cút xéo!”.
Trẻ dễ lệch lạc nhận thức
Máy kể chuyện tiếng Doraemon được PV mua ở chợ Hà Đông giá 40.000đồng.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội), câu chuyện trong các đồ chơi kể chuyện như trên hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ. Các em chơi đồ chơi kể chuyện đa phần là các em nhỏ chưa biết đọc, nên khi nghe những câu chuyện đó sẽ phản tác dụng, khiến trẻ hiểu lầm rồi nhận thức lệch lạc. Ở lứa tuổi này, trẻ sẽ nhớ rất nhanh, rất lâu nên ngôn ngữ cần đơn giản, trong sáng và chọn lọc.
Nội dung các câu chuyện sẽ khiến các em nhận thức hút heroin, chích thuốc kích thích, hút á phiện, uống thuốc lắc… là đúng và được phép. Khi chơi những đồ chơi có nội dung thiếu lành mạnh, trẻ sẽ có xu hướng xuất hiện cáu gắt, bất an… lâu dần ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người) cho rằng, những loại đồ chơi kể chuyện có nội dung phản cảm trên hại nhiều hơn lợi. Không chỉ máy kể chuyện mà gần đây các loại sách truyện cổ tích cho trẻ có chi tiết phản cảm cũng xuất hiện nhiều trên thị trường như truyện: “Thỏ bóp d. hổ”, chằn tinh bị Thạch Sanh “đánh phọt óc”, truyện cổ tích khiêu dâm... Khó có thể hình dung được tác hại khi cho trẻ tiếp cận văn hóa độc hại này.
Đồ chơi trẻ em, nhất là dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải nhằm giúp trẻ phát triển về nhân cách, hình thành đạo đức, tình yêu đối với động vật và con người. Qua đồ chơi giáo dục, kích thích, phát triển ngôn ngữ, tình cảm yêu thiên nhiên xã hội và phát triển tính sáng tạo, trí thông minh về mặt không gian tự nhiên, tự nhận thức đối với bản thân của đứa trẻ đó.
Những loại đồ chơi có ngôn ngữ, hội thoại mang nội dung phản cảm, lời nói không có văn hóa, giáo dục về tệ nạn xã hội như tình dục, heroin… là không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ không nhận thức được tác hại ma túy, tiêm chích… mà ngược lại trẻ nghĩ điều đó là nên làm vì chưa phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.
“Hơn nữa, trẻ nhỏ đang phát triển não nên nhớ rất nhanh. Trẻ nghe những câu chuyện nội dung phản cảm sẽ nhanh chóng “ngấm” vào não bộ của trẻ. Chúng ghi nhận hình ảnh, ngôn từ qua cái chụp hình của chúng và nghe được, nhớ được, lưu giữ liệu trong não bộ đến một lúc nào đó chúng sẽ dùng ngôn từ đó. Điều đó cũng lý giải vì sao trong những gia đình bố mẹ hay nói bậy, chửi tục thì trẻ cũng nói theo mặc dù chúng chưa hiểu được tác hại. Đấy là còn chưa nói đến chất lượng của đồ chơi giá rẻ, có thể tiềm ẩn những hóa chất độc hại”, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh nói.
Theo PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, những câu chuyện kể của máy với ngôn ngữ hội thoại dài dòng, phức tạp sẽ ảnh hưởng đến tiếp nhận của trẻ. Đối thoại với trẻ con dài dòng sau này khi diễn đạt trẻ sẽ diễn đạt dài dòng, không lôgíc. Hơn nữa, âm điệu kể chuyện cũng thể hiện được tích cực hay tiêu cực. Khi đọc truyện cho trẻ con phải tình cảm, gắn tâm hồn của mình với đứa trẻ mới tốt. Âm điệu mạnh mẽ, dữ dội có khi tác động không tốt đến thần kinh của trẻ.
Các chuyên gia khuyên, khi mua đồ chơi cũng như sách, phụ huynh nên tìm hiểu xem đồ chơi có an toàn cho trẻ hay không, quan tâm đến nội dung của đồ chơi đó để tránh việc vô tình đưa tới trẻ những suy nghĩ, kiến thức tiêu cực.
Lưu ý chọn đồ chơi cho con - Xem kỹ xuất xứ và chất lượng sản phẩm khi mua. - Kiểm tra đồ chơi có phù hợp với lứa tuổi con mình hay không. Thường trên mỗi sản phẩm đều có ghi điều đó, vì chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ phát huy hết khả năng của trẻ. - Đồ chơi thông minh, có gắn chương trình kể chuyện, game, thu âm... phụ huynh nên nghe nội dung trước khi mua. - Cha mẹ cũng có thể tự tay làm cho trẻ các món đồ chơi bằng tay, như vậy vừa tiết kiệm, vừa an toàn cho trẻ hoặc dạy trẻ những trò chơi dân gian. PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh |