Nhận định ban đầu của giới chức Đài Loan là những du khách này bỏ trốn, nhiều khả năng làm việc chui trong các nhà máy và có thể sa chân vào con đường mại dâm
Chiều 26-12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chính thức lên tiếng về vụ 152 khách bỏ trốn tại Đài Loan. Đây là vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Dự mưu từ trước?
Ngay khi có thông tin từ phía Đài Loan, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin. Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch làm việc với đại diện Cục Du lịch Đài Loan, cơ quan công an và yêu cầu Sở Du lịch TP HCM kiểm tra ngay hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến vụ việc trên, báo cáo kết quả xử lý về Tổng cục Du lịch.
Theo thông tin ban đầu, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế (tên tiếng Anh International Holidays Trading Travel) có địa chỉ: 162/20 đường số 10, phường 9, quận Gò Vấp, TP HCM; người đại diện theo pháp luật: giám đốc công ty Phan Ngọc Hạnh; là đơn vị xin visa nhập cảnh cho đoàn khách. Ông Phan Ngọc Hạnh báo cáo công ty nhận các đoàn khách này từ đối tác Đài Loan để hỗ trợ làm visa nhập cảnh Đài Loan theo chế độ visa du lịch khách đoàn qua các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam được Cục Du lịch Đài Loan lựa chọn.
Hình ảnh những du khách Việt Nam rời khách sạn tại Đài Loan do camera giám sát ghi lại Ảnh: CNA
Đại diện Bộ VH-TT-DL cho rằng đây là hình thức lợi dụng hoạt động du lịch và chính sách nới lỏng visa nhập cảnh cho khách du lịch của các quốc gia và vùng lãnh thổ để trốn ở lại lao động trái phép. Không loại trừ khả năng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc và phối hợp giải quyết, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân.
Về một số thông tin cho rằng phía Đài Loan sẽ ngừng cấp thị thực với khách du lịch Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định dù có một số đề xuất khác song hiện tại, cơ quan chức năng Đài Loan chỉ tạm dừng cấp thị thực đoàn với Công ty lữ hành International Holidays Trading Travel.
Nghi ngờ đường dây buôn người
Những hình ảnh về số du khách Việt Nam "mất tích" ở Đài Loan cuối tuần trước được báo chí nước này tiết lộ hôm 26-12. Theo báo Apple Daily, camera giám sát và nhân chứng ghi nhận cảnh 152 du khách Việt ra khỏi các khách sạn ở TP Cao Hùng không lâu sau khi nhận phòng. Một nhân viên họ Chen tại khách sạn Ngôi Sao Quốc Tế Cao Hùng cho biết vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 23-12, cô nhìn thấy khoảng 40 người Việt Nam vội vàng ra khỏi cửa, kéo theo hành lý rồi lên các xe chờ sẵn.
Cơ quan Hành chính phía Nam của Cục Di trú Đài Loan (NIA) xác nhận tổng cộng 152 du khách Việt, bao gồm 102 nam và 50 nữ, đã biến mất sau khi nhận phòng tại 2 khách sạn Ngôi Sao Quốc Tế Cao Hùng và Delton vào chiều tối 23-12. Một số người mang theo hành lý, số khác để hành lý lại khách sạn. Dựa vào thông tin đăng ký, những chiếc xe chở họ đi có chủ sở hữu rải khắp miền Bắc, Trung và Nam Đài Loan. Điều này càng củng cố nghi ngờ có bàn tay của đường dây buôn người trong vụ việc.
Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ cứu hộ và Du lịch quốc tế Đài Loan, ông Hứa Cao Khánh, nhận định số người trốn bất hợp pháp tại Đài Loan gia tăng sau khi vùng lãnh thổ này triển khai chính sách Tân Hướng Nam (NSP) từ năm 2015 nhằm thúc đẩy quan hệ và thu hút du khách. NSP bao gồm một chương trình cấp thị thực điện tử thu gọn, cho phép các đoàn du lịch từ 5 người trở lên và đến từ 6 nước gồm Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào và Ấn Độ xin thị thực điện tử thông qua các "công ty du lịch chất lượng" được cơ quan du lịch Đài Loan cấp phép mà không cần chứng minh tài chính.
Vụ "mất tích" của 152 du khách Việt Nam là vụ biến mất tập thể lớn nhất kể từ khi chương trình trên có hiệu lực (từ năm 2015 tới nay mất tích 150 người, theo Cục Du lịch Đài Loan). Một đại diện của NIA nhận định với báo Taipei Times (Thời báo Đài Bắc) rằng với số lượng người mất tích lớn như vậy, chắc chắn đã có kế hoạch từ trước ở Việt Nam. Theo đại diện NIA, du khách nam nhiều khả năng làm việc chui trong các nhà máy Đài Loan, còn du khách nữ có thể sa chân vào con đường mại dâm.
Làm thủ tục số du khách trên đến Đài Loan là công ty Việt Nam có tên International Holidays Trading và đối tác ở Đài Loan là ETHoliday (Công ty Du lịch Đông Sâm). Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động hôm 26-12, phía ETHoliday cho biết họ "hết sức bất ngờ" và đã nhanh chóng thông báo vụ việc với NIA, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan... Về thời điểm "mất tích" của nhóm du khách Việt, công ty liệt kê như sau: Có 23 người nhập cảnh lúc 18 giờ ngày 21-12 và lần lượt biến mất trong ngày 23-12 (3 người), 24-12 (4 người) và 25-12 (16 người); 130 người còn lại nhập cảnh lúc 18 giờ ngày 23-12 và biến mất sáng 24-12 (128 người), 25-12 (1 người).
Không ảnh hưởng đến lao động Việt Nam Chiều 26-12, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tìm hiểu có hay không việc 152 du khách bỏ trốn ảnh hưởng đến việc đưa lao động Việt Nam trong thời gian tới. Đại diện Dolab cho biết việc 152 du khách mất tích khi đến Đài Loan đơn thuần là khách du lịch nên sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan. Các hoạt động phái cử lao động sang Đài Loan hoàn toàn không liên quan. Đại diện Công ty CP Cung ứng lao động dịch vụ xây dựng Thủy lợi (HYCOLASEC-JSC) - một doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan nhiều năm - cho biết những người bỏ trốn sẽ gặp nhiều rắc rối nếu có ý định làm việc chui tại Đài Loan bởi sẽ bị hủy ngay visa. Nếu bị phát hiện, họ đối diện với nguy cơ bị tù, nộp phạt và trục xuất về nước. Ở Đài Loan, các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài cũng không thể nhận lao động bất hợp pháp.
|