Dù công tác di dời hành khách trên du thuyền Diamond Princess đã được triển khai, Nhật Bản vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với sự lây lan của dịch Covid-19.
Tính đến sáng 20/2, 621 hành khách trên du thuyền bị xác nhận dương tính với Covid-19, trong đó 2 người đã tử vong, phần lớn trong số họ không phải công dân Trung Quốc. Mỹ mới đây đã sơ tán hơn 300 công dân của nước này khỏi du thuyền hôm thứ Hai vừa qua (17.2), và nhiều quốc gia khác cũng có động thái tương tự
Nhưng dù cuộc khủng hoảng tại cảng Yokohama đã kết thúc, mọi sự chú ý giờ đây lại được đổ dồn sang Tokyo, nơi những người chỉ trích cho rằng phản ứng của chính phủ dường chỉ hướng đến việc quản lý nhận thức của công chúng hơn là kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Một trong số những lời chỉ trích này đến từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khi cho rằng công tác kiểm dịch có thể vẫn chưa thỏa đáng.
Xe bus chở các hành khách bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess tại Yokohama, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)
Nhật Bản chỉ còn vài tháng nữa sẽ là nước chủ nhà Thế vận hội Olympic 2020, nhưng với một số người Nhật, vụ việc trên cũng tai tiếng không kém gì vụ nổ rò rỉ hạt nhân năm 2011 tại nhà máy điện Fukushima, thời điểm chính phủ nước này cũng bị chỉ trích rộng rãi vì đã hạ thấp thiệt hại cuộc khủng hoảng này.
"Sự lây lan của virus Corona lớn hơn rất nhiều những gì chính phủ tiết lộ", Shinichi Niwa, giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Y Fukushima, cho biết. "Trong thảm họa Fukushima, chính phủ nói rằng không có cuộc khủng hoảng nào. Vì vậy, họ đã che giấu sự thật vào thời điểm đó, và tôi sợ rằng tình huống tương tự đang xảy ra với dịch virus Corona.”
Bộ Y tế Nhật chưa đưa ra phản hồi trước bình luận trên. Chính phủ nước này cũng nhiều lần nói rằng họ đã có phản ứng phù hợp, và một số bác sĩ nổi tiếng cũng đồng tình với điều đó.
"Bằng chứng dịch tễ học cho thấy chiến lược cách ly của chúng tôi đã phát huy hiệu quả", Shigeru Omi, chủ tịch Tổ chức Y tế Cộng đồng Nhật Bản, cho biết trước báo giới trong một cuộc họp ngắn gần đây. "Gần 4.000 người đã ở lại trên con tàu này, vốn không được thiết kế để cách ly trong vài tuần, và đây là một tình huống rất khó khăn."
CDC dù ca ngợi "những nỗ lực phi thường" của Nhật Bản trong việc kiểm soát dịch Covid- 19, nhưng vẫn đặt nghi vấn liệu chúng đã đủ thỏa đáng hay chưa.
"Theo đánh giá của chúng tôi, những biện pháp này vẫn là chưa đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm giữa từng cá nhân trên du thuyền," CDC cho biết, "Tỷ lệ nhiễm bệnh mới trên tàu, đặc biệt là trong số những người không có triệu chứng, cho thấy nguy cơ dịch vẫn còn đang hiện hữu."
Cũng theo CDC, toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn trên thuyền Diamond Princess đều bị yêu cầu cách ly ít nhất 14 ngày trước khi rời tàu đến Mỹ.
Khiêu vũ, tiệc tùng
Một vài trong số khoảng 3.700 hành khách bị mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess (Ảnh: Reuters)
Du thuyền Diamond Princess được gắn cờ Anh đã cập cảng Yokohama vào ngày 3.2 vừa qua, với khoảng 3.700 du khách sau khi một người đàn ông rời thuyền tới Hong Kong vào tháng trước bị chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Ngay từ đầu, các chuyên gia đã đặt ra nhiều nghi vấn về quy trình kiểm dịch trên du thuyền. Không giống như Mỹ, Nhật Bản không có cơ quan kiểm soát dịch bệnh cấp trung ương.
Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Nhật, từng dành một ngày làm bác sĩ tình nguyện trên du thuyền, đã chỉ trích gay gắt công tác kiểm dịch khi cho rằng chúng bị điều hành bởi “những quan chức”, những người đã châm ngòi khủng hoảng khi không tuân thủ những quy trình cơ bản.
Những hành khách trên thuyền đã không bị cách ly trong phòng riêng cho đến tận ngày 5.2. Một hành khách cho biết trước thời điểm các quy trình sàng lọc được tiến hành, các sự kiện trên du thuyền vẫn tiếp diễn, như các buổi khiêu vũ, game show tập thể và một lớp tập thể dục.
Nhiều hành khách cũng tiết lộ rằng trong các buổi sàng lọc sớm, giới chức y tế Nhật Bản chỉ đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ đầy đủ. 2 nhân viên kiểm dịch sau đó bị xét nghiệm dương tính với chủng virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng sự lây lan dịch Covid-19 trên du thuyền được cho là từ cabin của du khách hoặc từ các thành viên thủy thủ đoàn nhiễm bệnh có sự tương tác với du khách.
"Làm sao việc kiểm dịch trên du thuyền có thể kết thúc khi tình trạng lây nhiễm vẫn đang diễn ra liên tục?" Eyal Leshem, giám đốc Trung tâm Y học Du lịch và Bệnh Nhiệt đới tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel, cho biết, "Nó chẳng mang lại ý nghĩa gì về mặt dịch tễ học."
Nhật Bản cũng cho phép các du khách được rời khỏi du thuyền theo từng đợt, trong đó có những người trên 80 tuổi được xét nghiệm âm tính, điều mà các chuyên gia cho rằng đã đi ngược lại các quy tắc kiểm dịch tiêu chuẩn.
Dưới boong tàu
Máy bay của hãng hàng không Qantas chở du khách Úc trên du thuyền Diamond Princess về nước (Ảnh: Reuters)
Sự lây nhiễm có thể đã bị thúc đẩy bên dưới boong tàu, nơi khoảng 1.100 thành viên thủy thủ đoàn chia sẻ không gian làm việc, ăn ngủ và tắm rửa trong các cabin chật chội.
"Nguy cơ lan truyền Covid-19 có thể gia tăng bất cứ lúc nào", thủy thủ Ấn Độ Binoy Kumar Sarkar cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 7.2. "Tôi yêu cầu chính phủ đưa chúng tôi ra khỏi đây và cách ly chúng tôi. Chúng tôi nên được sàng lọc và bị cô lập. "
Một số người đề xuất giới chức Nhật Bản nên cách ly cả các du khách đã lên đất liền.
"Việc kiểm dịch trên tàu chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm dịch và tạo ra rào cản trong việc tiếp cận và chăm sóc y tế", phó giáo sư Esther Chernak, Giám đốc Trung tâm Sẵn sàng và Truyền thông về Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Drexel, bang Philadelphia, Mỹ, cho biết.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Kyodo vào cuối tuần trước cho biết 53% số người được hỏi không hài lòng với cách chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe xử lý dịch bệnh.
"Du thuyền Diamond Princess đã chỉ ra một vài điểm mù đối với chúng tôi", một nhà lập pháp giấu tên từ đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe cho biết với Reuters, "Nhưng ngoài ra, dịch Covid-19 không phải là vấn đề lớn đối với Nhật Bản.”
Ngay từ sớm, Bộ Y tế Nhật cho biết các trường hợp trên thuyền sẽ không được tính vào số ca nhiễm dịch trong nước, dựa theo chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng một số chuyên gia cho rằng điều này cũng cho thấy Nhật Bản muốn né tránh việc bị kỳ thị như thế nào, khi nước này đang bị coi là một trong những điểm nóng của dịch Covid-19.
"Tôi luôn tin rằng những quyết định về sức khỏe cộng đồng thường được thúc đẩy bởi khoa học, chứ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị", Mark Kortepeter, giáo sư tại Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Nebraska cho biết , "Nhưng tôi không ngây thơ, vì đã làm việc trong môi trường này suốt nhiều thập kỷ. Nếu chính trị là động lực, thì nó hiện đã phản tác dụng".