Trước khi bị bắt giữ, 3 vị đại gia này đều được dư luận biết đến là người sở hữu khối tài sản “siêu khủng” cùng độ nổi tiếng không ai sánh bằng.
Đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát
Mới đây, Công an TP. Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với ông Ngô Văn Phát (SN 1964, Thái Bình) – Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM Xăng Dầu Phát – Petraco. Vị đại gia này bị bắt giữ về hành vi “Mua bán hóa đơn trái phép”.
Công ty của đại gia Thái Bình hoạt động từ năm 2012 với ngành nghề chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Sau khi thành lập, công ty đã mở rộng địa bàn hoạt động ở khắp các tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nha Trang, Vũng Tàu… Đây chính là lý do ông Phát được gọi là đại gia xăng dầu.
Đại gia Ngô Văn Phát.
Đại gia xăng dầu còn nổi tiếng với việc sở hữu nhiều lâu đài đồ sộ, nguy nga trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Thái Bình và Hải Phòng. Theo đó, tại quê nhà ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), ông sở hữu căn biệt thự khổng lồ có thể đỗ trực thăng trên mái. Toà lâu đài được xây dựng trên diện tích hàng nghìn m2, gồm 5 tầng nhà, xây dựng theo phong cách châu Âu.
Đặc biệt, để có đủ diện tích xây dựng, ông Ngô Văn Phát phải mất nhiều công sức và tiền bạc thuyết phục hàng xóm chuyển nhượng lại đất cho mình. Sau đó ông mất 10 năm thuê thợ thuyền để hoàn thành căn biệt thự hoành tráng này.
Tòa lâu đài ở Thái Bình của vị đại gia xăng dầu.
Tòa lâu đài được lắp đặt thang mát, hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại. Nội thất bên trong chủ yếu là gỗ quý và đá nguyên khối được chuyển từ nhiều nơi trên cả nước về Thái Bình.
Tại Hải Phòng, tòa lâu đài hoành tráng của đại gia này nằm trên đường Lê Hồng Phong với diện tích hàng trăm m2, thuộc khu đất 2.300m2 với mặt tiền rất dài. Tòa lâu đài được thiết kế theo phong cách Châu Âu với hệ thống cổng, tường kiên cố, tòa lâu đài có hệ thống camera an ninh giám sát chặt chẽ.
Tòa lâu đài hoành tráng của ông Phát tại Hải Phòng.
Tòa lâu đài khiến nhiều người choáng ngợp.
Đại gia từ thiện Trầm Bê
Ông Trầm Bê (SN 1959, Trà Vinh) sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Những người lớn tuổi đang sống ở Trà Cú ngày nay đều biết chuyện ông nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má. Quanh năm chỉ có một bộ đồ dính da.
Khi Trầm Bê lên Sài Gòn lập nghiệp không có tiền đi xe, hai má con của ông phải năn nỉ một chủ xe đò, cho quá giang. Lên đến Sài Gòn, cậu bé đến ở đợ tiếp cho một nhà giàu, năm đó ông khoảng chừng 13 tuổi. Lớn lên một chút, ông đi làm bốc vát ở một nhà máy bột mì, “bán” sức khỏe kiếm tiền nuôi mẹ.
Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh từ năm 1991. Sau 10 năm làm trong ngành gỗ, năm 2001, ông Trầm Bê bắt đầu tiến quân vào ngành bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị. Công ty này đã phất lên nhanh chóng do bất động sản thời điểm ấy nở rộ.
Đại gia Trầm Bê từng công đức số tiền hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 9 ngôi chùa kiến trúc độc đáo với vẻ ngoài như dát vàng.
Vào kỳ khủng hoảng kinh tế (2009-2010), nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc, phá sản, nhiều đại gia lâm cảnh khốn khó, nợ nần thì công ty của vị đại gia này vẫn tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36%.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cái tên Trầm Bê lần đầu xuất hiện vào năm 2004 – khi đầu tư vào một ngân hàng và trở thành thành viên HĐQT. Sau đó ông thâu tóm một ngân hàng thuộc top trên.
Ngày 3/9/2018, Trầm Bê bị TAND TP.HCM tuyên phạt 4 năm tù vì giúp sức Phạm Công Danh gây thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng. Đến ngày 5/4/2020, ông tiếp tục bị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Khoản 4 Điều 206 BLHS 2015.
Đại gia Trầm Bê từng công đức số tiền hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 9 ngôi chùa kiến trúc độc đáo với vẻ ngoài như dát vàng. Trong 9 ngôi chùa thì có tới 7 ngôi chùa được xây dựng ở quê hương của ông. Nổi tiếng nhất là chùa Cà Hom với số tiền ông Trầm Bê đóng góp khoảng 10 tỷ đồng.
Dinh thự nhà đại gia Trầm Bê.
Đại gia điện thoại Nguyễn Gia Thiều
Nguyễn Gia Thiều là Việt kiều người Pháp, được biết đến là chồng cũ của hoa hậu Hà Kiều Anh. Năm 1993, ông cùng anh trai thành lập Công ty TNHH Trọng Thăng, chuyên kinh doanh máy vi tính. Đến năm 1999, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Đông Nam, có vốn điều lệ 45 tỷ đồng và kinh doanh thêm mặt hàng điện thoại di động.
Năm 2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bất ngờ phong tỏa, khám xét và thu giữ nhiều tài liệu từ các điểm kinh doanh của công ty đại gia Gia Thiều. Đồng thời, nhà riêng cũng bị khám xét. Tại đây, cảnh sát đã thu giữ 1 két sắt chứa 200.000 USD.
Vài hôm sau, cơ quan cảnh sát điều tra có quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Gia Thiều và các đồng phạm. Cụ thể từ năm 1999-2002, ông đã nhập lậu 39.000 chiếc điện thoại di động có tổng giá trị gần 149 tỷ đồng. Ngoài ra ông còn thành lập một số doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội và Sài Gòn để làm “sân sau”, triển khai các hoạt động kinh doanh điện thoại di động và dịch vụ sửa chữa, bảo hành…
Đại gia điện thoại Nguyễn Gia Thiều.
Qúa trình điều hành công ty, vị đại gia đã lợi dựng sơ hở trong công tác quản lý của nhà nước để chỉ đạo nhân viên mở 2 hệ thống sổ sách kế toán, lập các chứng từ giả để trốn thuế với số lượng lớn. Ông còn chỉ đạo cấp dưới móc nối với cán bộ hải quan và hàng không nhập lậu đồng hồ và điện thoại di động qua đường phi mậu dịch, đồng thời chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Năm 2005, TAND TP.HCM tuyên Nguyễn Gia Thiều 20 năm tù về tội “Buôn lậu và Trốn thuế”, buộc phải nộp 148 tỷ đồng thu lợi từ buôn lậu, nộp bổ sung một lần giá trị tiền trốn thuế và tiền trốn thuế là gần 200 tỷ đồng. Ngày 17/1/2009, Nguyễn Gia Thiều được ra tù.