Trong khi các y bác sĩ đang dốc hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân, phòng chống dịch bệnh thì lại có những kẻ chỉ vì "nghịch dại" mà nhận hậu quả không ngờ.
Tham gia thử thách liếm bồn cầu, phát hiện bản thân nhiễm COVID-19
Vài ngày trước, trên mạng xã hội Tik Tok rộ lên một trào lưu mới, đó là thử thách liếm bồn cầu ở nơi công cộng. Thử thách này được khởi xướng bởi Ava Louise. Cô gái này đã đăng lên Tik Tok một đoạn clip mình liếm bồn cầu trên máy bay kèm theo lời nhắn "thử thách COVID-19".
Những tưởng trào lưu bẩn và kinh dị này sẽ không có ai tham gia nhưng không ngờ, một số Youtuber và cả Vlogger khá nổi tiếng đã tham gia trào lưu này, quay những clip bản thân liếm bồn cầu nơi công cộng như quán ăn, nhà hàng, máy bay rồi đăng tải lên mạng xã hội. Trào lưu này nhanh chóng nhận về rất nhiều chỉ trích và phẫn nộ vì không những mất vệ sinh mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.
Chàng trai 21 tuổi nhiễm COVID-19 sau khi tham gia thử thách liếm bồn cầu.
Không lâu sau đó, một trong số những người từng tham gia thử thách trên đã nhận hậu quả nặng nề. Anh chàng tên Larz, 21 tuổi, sống tại bang California, Mỹ, đã bị nhiễm COVID-19 sau khi tham gia trào lưu liếm bồn cầu. Larz đăng tải lên mạng xã hội Twitter hôm 25/3: "Tôi đã dương tính với COVID-19", kèm theo đoạn clip anh này nằm ủ rũ trên giường bệnh.
Người dẫn chương trình Piers Morgan trên kênh truyền hình Good Morning TV của Mỹ gọi Larz là “cặn bã” và nói rằng anh ta nhiễm COVID-19 là "quả báo".
Tử vong vì uống cồn để trị virus
Giới chức Iran mới đây cho biết, ít nhất 27 người ở các tỉnh Khuzestan và Alborz đã tử vong vì tin rằng uống cồn có thể giúp họ ngăn ngừa COVID-19.
“Một số cư dân Ahwaz nghe nói uống rượu có thể giúp họ đánh bại virus corona, vậy nên họ dùng cách này để ngừa bệnh”, người phát ngôn Đại học Y khoa Ahwaz, ông Ali Ehsanpour nói với hãng thông tấn Mehr.
Ít nhất 27 người ở Iran đã tử vong do uống cồn để trị COVID-19.
Tuy nhiên, do đồ uống có cồn bị cấm ở Iran, một số người đã mua cồn công nghiệp tại chợ, vốn được sử dụng để sát khuẩn, đem về nhà uống. Họ tưởng rằng việc này có thể giúp trị virus nhưng không ngờ đã bị ngộ độc cồn. Ít nhất 218 người đã nhập viện tại các trung tâm y tế có liên hệ với Đại học Y khoa Ahwaz.
Hậu quả là ít nhất 27 người đã tử vong, một người trong số đó bị mù và một số người khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Chồng tử vong, vợ nguy kịch vì uống thuốc sốt rét để diệt virus
Một người đàn ông sống tại bang Arizona, Mỹ, đã tử vong sau khi uống thuốc sốt rét chloroquine phosphate, vì nghĩ rằng loại thuốc này có thể giúp mình ngăn chặn virus, không bị nhiễm COVID-19. Vợ của ông cũng uống thuốc này nhưng may mắn không tử vong.
Theo đó, cặp vợ chồng đã xem bản tin trên TV, nói về lợi ích của thuốc chloroquine trong quá trình điều trị COVID-19. Khi ấy, người vợ tưởng rằng loại thuốc có sẵn trong nhà mình có thể ngăn ngừa virus nên đã cùng chồng pha với nước uống. Tuy nhiên, loại thuốc mà họ uống không phải dạng thuốc chloroquine được dùng để điều trị bệnh sốt rét ở người, mà thực chất là một thành phần được liệt kê trong điều trị ký sinh trùng cho cá.
Hậu quả là người chồng đã qua đời ngay khi vừa tới bệnh viện. Người vợ cũng nguy kịch nhưng may mắn đã qua khỏi. "Chúng tôi rất sợ bị nhiễm bệnh", người vợ nói. Chỉ vì thiếu hiểu biết mà giờ đây, họ phải trả giá bằng cả tính mạng.
Uống nước tiểu bò để ngăn COVID-19
Khoảng 200 người Ấn Độ đã cùng tham dự một bữa tiệc uống nước tiểu bò ở thành phố New Delhi, Ấn Độ. Họ tin rằng nước tiểu bò có dược tính và kiểm soát được nhiều bệnh, kể cả ung thư hay COVID-19.
Người dân Ấn Độ uống nước tiểu bò, sau đó tắm trong phân bò vì tin rằng có thể chữa được bệnh.
Bữa tiệc nước tiểu bò này do Hindu Akhil Bharat, tức Liên minh Hindu giáo toàn Ấn Độ, tổ chức ngày 14/3 vừa qua. Những người tham gia tin rằng nước tiểu bò có thể giúp họ ngăn được việc nhiễm COVID-19.
Không chỉ uống nước tiểu bò, những người này còn tắm trong phân bò vì tin rằng đây là điều thiêng liêng, có thể trị được nhiều bệnh. Họ cũng mong muốn những bữa tiệc uống nước tiểu bò này sẽ được tổ chức nhiều hơn tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo người dân rằng nước tiểu, phân bò cũng như một số phương pháp chữa bệnh dân gian ở Ấn Độ hoàn toàn không trị được bệnh, càng không thể ngăn chặn được COVID-19. Ngược lại, hành động này còn có nguy cơ gây nên nhiều bệnh lý khác vì mất vệ sinh.