Ít ai biết rằng, để đạt được những thành công, những đại gia này đã trải qua một tuổi thơ vô cùng cực khổ.
Nữ đại gia Tư Hường phải đi ở đợ cho người ta
Bà Trần Thị Hường (SN 1936, Bình Định) là người sáng lập Công ty Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á. Bà tham gia thương trường từ sớm và gặt hái được nhiều thành công.
Nữ đại gia là con thứ tư trong gia đình nghèo đông anh em. Từ nhỏ, bà đã làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ đến máy may, mối rượu, buôn vải... kiếm tiền lo cho gia đình. "Tôi phải đi ở, rồi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, sau đó thích làm bất động sản. Tôi đi lên là nhờ buôn bán bất động sản", bà Hường cho biết.
Sau khi kết hôn, bà sinh 10 người con, trong đó có 3 con trai. Trước ngày thống nhất đất nước, bà tích lũy được một số vốn, cơ sở để khởi nghiệp kinh doanh sau này.
Nữ đại gia Tư Hường.
Từ đầu những năm 90, bà Hường nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD. Đó là phi vụ bà đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa. Bà góp 45% vốn, phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau, bà bán lại với giá 24 triệu USD, lãi 5 triệu USD từ thương vụ này.
Không lâu sau, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức, sau đó chuyển nhượng lại với giá 15 triệu USD. Tùy theo vốn góp, mỗi người con bà Tư Hường lãi 1-2 triệu USD. Sau đó, bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu đô bằng cách bán và xây dựng nhà máy nước tăng lực (khoảng 17 triệu USD).
Hiện tại, gia đình bà Hường tham gia chủ yếu vào 2 lĩnh vực bất động sản và ngân hàng. Tuổi cao, đã rút dần công việc quản lý, nhưng "uy lực" của bà Tư Hường trong gia đình vẫn rất cao. Bà kể trong công việc vẫn thường bàn bạc với chồng, nhưng khi bất đồng quan điểm bà sẽ ra quyết định. Trong đời sống thường nhật, bà được những người thân miêu tả là người nghiêm khắc, quy củ và có cá tính mạnh mẽ.
Ông Trầm Bê quanh năm chỉ có một bộ đồ dính da
Ông Trầm Bê (SN 1959, Trà Vinh) sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Những người lớn tuổi đang sống ở Trà Cú ngày nay đều biết chuyện ổng nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má. Quanh năm chỉ có một bộ đồ dính da.
Hai người được đại gia Trầm Bê nhớ ơn, đó là bà Hai Phiến, cô ruột của anh Mười và cô giáo Giàu, người đã dạy ông Trầm Bê những con chữ đầu tiên.
Theo đó, mới 8 tuổi, cậu bé Trầm Bê ở đợ nhà bà Hai Phiến và giao chăn đàn vịt tàu. Tuổi thơ hiếu động, mải chơi mà cậu quên chăn vịt. Đến lúc sực nhớ, đàn vịt tàu hơn trăm con đã “tràn” sang một cánh đồng lúa chín gần đó, phá nát một khoảnh lớn. Nhìn đàn vịt mổ, rỉa lúa, cậu chỉ biết đứng khóc ròng, sợ hãi… Nghĩ là chủ ruộng sẽ mắng bà Hai Phiến và đánh đòn cậu, Trầm Bê đã bỏ trốn, không dám về nhà.
Những người lớn tuổi đang sống ở Trà Cú ngày nay đều biết chuyện ổng nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má.
Ít ngày sau, bà Hai Phiến nhắn cho một người bạn của cậu: “Chuyện lỡ rồi, dì Hai đã đền bồi thiệt hại cho người ta. Trầm Bê đang ở đâu, cứ đi về, dì Hai không đánh đòn và la mắng gì đâu”. Và cậu bé Trầm Bê đã quay về, tiếp tục công việc chăn vịt của mình.
Người thứ hai có ấn tượng sâu đậm trong ký ức của đại gia Trầm Bê là cô giáo Giàu, người đã dạy cho cho cậu bé Trầm Bê thuở ở đợ,… những con chữ đầu tiên. Nhà nghèo nên Trầm Bê không thể đến trường, cô giáo Giàu thấy Trầm Bê hay đứng ngoài cửa lớp xem các bạn học nên đã động lòng, cho cậu vào lớp ngồi và dạy dỗ. Vừa đi làm vừa phải đi học nên cậu học thất thường.
Khi Trầm Bê lên Sài Gòn lập nghiệp không có tiền đi xe, hai má con của ông phải năn nỉ một chủ xe đò, cho quá giang. Lên đến Sài Gòn, cậu bé đến ở đợ tiếp cho một nhà giàu, năm đó ông khoảng chừng 13 tuổi. Lớn lên một chút, ông đi làm bốc vát ở một nhà máy bột mì, “bán” sức khỏe kiếm tiền nuôi mẹ.
Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh từ năm 1991. Sau 10 năm làm trong ngành gỗ, năm 2001, ông Trầm Bê bắt đầu tiến quân vào ngành bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị. Công ty này đã phất lên nhanh chóng do bất động sản thời điểm ấy nở rộ.
Vào kỳ khủng hoảng kinh tế (2009-2010), nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc, phá sản, nhiều đại gia lâm cảnh khốn khó, nợ nần thì công ty của vị đại gia này vẫn tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36%.
Doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp đi lên từ củ khoai củ sắn
Bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, Bình Định) là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn ra miền Bắc học tập. Sau này, bà lấy chồng và sinh con ở miền Bắc, trong cái đói khủng khiếp, nhà không có gạo, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm.
Thời bao cấp, bà đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh trong khối doanh nghiệp Nhà nước. Năm 1971, bà tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và về công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Đầu năm 1975, bà phải rời miền Bắc, rời gia đình để đi B với nhiệm vụ theo tàu biển chở vũ khí, súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam.
Doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp đi lên từ củ khoai củ sắn.
Sau giải phóng, bà Bạch Diệp đoàn tụ với gia đình ở miền Nam nhưng phải đối diện với hàng loạt sóng gió trong cuộc đời kinh doanh, thuyên chuyển công tác nhiều lần. Đến đầu những năm 80, bà xin nghỉ chế độ chính sách. Lúc đó, tài sản của gia đình bà chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư ở quận 1, TP.HCM.
Năm 1984, bà bắt đầu dấn thân vào bất động sản, từ một căn chung cư tại số 72 Ký Con, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Bà mua chung cư cũ rồi cải tạo lại và bán với giá cao hơn.
Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp không chỉ mua bán chung cư cũ mà bắt đầu lấn sang những sản phẩm lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc… Bà Diệp từng là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH Nam Nam Phương.
Năm 2014, bà từng chia sẻ với báo chí giá trị tài sản của mình có thời điểm lên mức xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, thông qua các bất động sản nắm giữ và tài sản cá nhân. Cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi khi bà chi gần 1.4 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008.
Tháng 1/2019, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước...", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty BĐS Diệp Bạch Dương. Nữ đại gia bị bắt tạm giam phục vụ quá trình điều tra.
Nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu quần quật kiếm tiền từ năm 11 tuổi
Bà Nguyễn Thị Liễu sinh ra tại Thái Lan sau đó chuyển về Việt Nam sinh sống trong một xóm nghèo của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bà tự biết kiếm tiền từ năm 11 tuổi. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ.
Năm 16 tuổi bà Liễu vào Sài Gòn học cắt may ở một xưởng may của chú. Năm sau bà trở về quê, mở cửa hàng cắt và dạy may. Khi 20 tuổi, bà đã là một thợ may lành nghề, có tiếng ở quê nhà. Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh của bà "nổi lên" ban đầu là buôn bán các mặt hàng nhỏ lẻ như mỹ phẩm, gạo, bánh kẹo… rồi chuyển sang buôn đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan và ngược lại.
Khi có khoản tiền kha khá, bà Liễu cùng một số bạn bè ở Lào, Thái Lan đầu tư kinh doanh bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM. Nhờ sự nhanh nhạy, lăn lộn trên thương trường, bà kiếm được khối tài sản khổng lồ.
Bà Liễu tự biết kiếm tiền từ năm 11 tuổi. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ.
Nhiều người biết đến cái tên Nguyễn Thị Liễu vào đầu năm 2012 với việc tổ chức đám cưới “khủng” tại Hà Tĩnh cho cậu con trai, người ta bàn tán râm ram về độ mức độ hoàng tráng của đám cưới này.
Tiếp đó, dư luận lại được phen ngỡ ngàng khi nữ đại gia Liễu quyết định đập căn nhà số 79 Nguyễn Du để xây lại. Căn biệt thự này có giá 137 tỷ đồng được bà Liễu mua cho vợ chồng con trai, nằm ngay mặt đường con phố vào hạng đẹp nhất Hà Nội.
Sau siêu đám cưới và sự kiện đập nhà, cái tên Nguyễn Thị Liễu nổi như cồn. Những hình ảnh bà Liễu liên tục xuất hiện bên xe sang, người nổi tiếng, bà lấy biệt danh Anna Nguyễn khiến nhiều người cho rằng bà muốn tấn công vào showbiz. Vì thế, nhiều người đã đặt cho bà những cái tên đặt biệt như như: đại gia phố núi, nữ đại gia chơi trội…
Ấy vậy chỉ sau vài năm, cái tên Liễu đại gia đã "bặt vô âm tín" không còn xuất hiện hay có bất kỳ thông tin nào, nhiều người còn nói bà đã ra nước ngoài sinh sống...