Đương lúc đạt danh vọng trên thương trường, những vị đại gia, thiếu gia này bất ngờ xuống tóc quy y nơi cửa Phật khiến bao người bất ngờ.
Nữ đại gia tụng kinh niệm phật, sinh sống với muông thú trên núi Cóc
Bà Trần Thị Minh là một chủ doanh nghiệp lớn với nhiều công ty con cùng hàng loạt cây xăng ở Hoà Bình. Bà có chồng và hai người con đều thành đạt.
Thuở xưa, để kiếm kế sinh nhai cho gia đình, nữ doanh nhân phải đi bán rau, buôn bánh mì hoặc mò cua bắt ốc. Năm 1994, bà được một người họ hàng đi nước ngoài về hỗ trợ, chu cấp vốn mở cây xăng rồi làm ăn thuận lợi.
Sau đó, bà Minh tiếp tục mở cây xăng thứ 2, thứ 3... và làm ăn "lên như diều gặp gió". Bà từng tâm sự: "Tôi đang từ người phải đạp xe đạp đi mua từng mớ rau về lại, giờ đã có thể mua xe kích, xe cúp. Tiếp đó, tôi mua một ô tô, 2 ô tô, 3 ô tô... còn nhà và đất thì nhiều không đếm xuể. Có lẽ thời gian đó, sản nghiệp của tôi phải lên đến hàng trăm tỷ”.
Nữ đại gia Trần Thị Minh.
Càng thành công người phụ nữ này càng nghĩ nhiều về giấc mơ xa xưa. Bà thường xuyên đi làm từ thiện và xây dựng chùa chiền ở nhiều nơi. Nhưng theo lời bà thì: "Tôi đến đâu, xây hay tu sửa xong chùa thì cũng đi luôn, gần như không bao giờ quay lại nữa. Duy nhất chỉ có ở núi Cóc (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là tôi bị ám ảnh nhiều nhất. Không hiểu sao, mỗi lần đặt chân đến nơi này tôi đều có cảm giác đây mới chính là nhà của mình. Đúng đến năm 2000, tôi quyết định để lại mọi công việc kinh doanh cho chồng con và nguyện đến nơi này thành tâm tu hành".
Doanh nhân từ bỏ gia sản tiền tỷ vào chùa tu hành
Ni sư Thích Đàm Hương, tên thật Nguyễn Thị Hào ở chùa Cảnh Linh Tự (hiện thuộc địa phận tổ dân cư số 7 khu Y Sơn, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) vốn là một đại gia nổi tiếng đất Thanh Oai – Hà Đông (Hà Tây cũ).
Những năm 1970, bà Nguyễn Thị Hào nổi tiếng là một người giàu có trong vùng. Bà là người đầu tiên buôn đồng nát, lập trạm thu gom hàng cho hàng trăm người làm nghề này. Cả vùng Thanh Oai và ngoại vi Hà Đông khi đó có rất nhiều chị em đủ mọi lứa tuổi làm nghề mua đồng nát, sáng sớm đạp xe đi, chiều tối mang hàng về đổ cho đại lý thu gom của bà.
Làm đại lý thu gom đồng nát, bà đã giúp cho bao người có công ăn việc làm, tạo điều kiện cho nhiều gia đình thoát cảnh khó khăn, nhất là ở thời bao cấp. Và cũng nhờ đó mà gia đình bà đã có của ăn của để, rồi giàu lên, thậm chí thuộc vào hàng giàu có nhất nhì trong vùng.
Nhưng nhân duyên đã gắn bà với ngôi chùa có tên Cảnh Linh Tự. Năm 1977, khi tròn 49 tuổi, được sự đồng ý của chồng con và gia đình, bà Hào quyết định xuất gia, bao nhiêu tiền, vàng tích cóp được bà mang ra phục dựng lại chùa, cứu khổ cứu nạn.
Ni sư Thích Đàm Hương, tên thật Nguyễn Thị Hào ở chùa Cảnh Linh Tự (hiện thuộc địa phận tổ dân cư số 7 khu Y Sơn, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) vốn là một đại gia nổi tiếng đất Thanh Oai – Hà Đông.
Thiếu gia nức tiếng xứ Nghệ xuống tóc quy y
Năm 2015, mạng xã hội lan truyền thông tin một thiếu gia trẻ tuổi từ bỏ khối tài sản khủng để quy y nơi cửa phật. Khi ấy, vị thiếu gia này lấy pháp danh Thiện Duyên, tu dưỡng khổ luyện tại một ngôi chùa ở Phường Bình Chiểu (Thủ Đức, TP.HCM).
Theo lời kể, sư có tên tục thế là Lâm Dung K. (SN 1982), trong một gia đình có cha mẹ là những thương gia lớn ở thành phố Vinh, Nghệ An. Là con đầu lòng nên K. được bố mẹ cho thừa hưởng nhiều khối tài sản lớn có giá trị nhưng chưa bao giờ K. ỷ lại vào địa vị giàu có ấy.
Tốt nghiệp cấp III, K. lên học ở Học viện Biên Phòng. Sau đó vị thiếu gia lấy bằng cử nhân rồi đi du học nước ngoài. Khi ra trường, K. được giữ lại làm việc ở nước ngoài, suy nghĩ dằn vặt mãi, cuối cùng K. quyết định từ chối trở về Việt Nam phụ giúp bố mẹ công việc kinh doanh.
Để thành thạo hơn trong việc quản lý, K. sang Trung Quốc theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Xong khóa học, anh quay về nước phụ công việc cùng bố mẹ. Với những kiến thức mình học hỏi ở nhiều nước khác nhau, K. đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho việc kinh doanh và anh đã vạch ra cho mình kế hoạch cụ thể để chí hướng làm ăn. Từ đó anh ngày càng thành công trong công việc, công ty ăn nên làm ra như diều gặp gió.
Đương lúc làm ăn thuận lợi, vị thiếu gia bất ngờ tuyên bố xuống tóc quy y nơi cửa phật. Khi ấy nhiều người cho rằng K. gặp biến cố cuộc đời hoặc trở ngại lớn trong cuộc sống nhưng tất cả chỉ là đồn đoán. Sư “Thiện Duyên” chia sẻ, quyết định vào cửa thiền của mình khổ luyện tuy bố mẹ không đồng ý, nhưng cũng không cấm cản sư làm điều này. Bố mẹ là người mộ đạo và am hiểu những quy tắc tu tập của hệ phái Phật giáo nguyên thủy Nam Tông nên muốn cho sư có những trải nghiệm.