Họ đều là những người phụ nữ thông minh, tài giỏi và giàu có nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật.
Doanh nhân bất động sản Đường Dương
Nữ doanh nhân Đường Dương tên thật là Nguyễn Thị Dương (SN 1980, quê Thái Bình) – Giám đốc Công ty bất động sản Đường Dương.. Trên thương trường, bà Dương là một người khá nổi tiếng với tài kinh doanh bất động sản, tài chính tín dụng…
Ngoài giỏi kinh doanh và sở hữu khối tài sản khủng, bà Dương còn được biết đến với những chuyến từ thiện lên đến hàng tỉ đồng. Tính đến nay, bà Dương và gia đình đã giúp xây dựng 7 căn nhà tình nghĩa và bảo hộ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Vợ chồng doanh nhân Đường Dương.
Vị đại gia này từng nổi tiếng với buổi tiệc sinh nhật hoành tráng mời 50 nghệ sĩ tới biểu diễn trong đó có sự góp mặt của không ít tên tuổi nổi tiếng... Bà Dương và chồng cũng từng "chơi trội" gây xôn xao mạng xã hội khi không ngại bỏ 450 triệu đồng để mời một ca sĩ nổi tiếng hát trong tiệc kỷ niệm 10 năm ngày cưới.
Ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Dương về hành vi Cố ý gây thương tích.
Theo đó nữ doanh nhân cùng đồng phạm bị bắt giữ có liên quan đến vụ việc cố ý gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn gửi hàng từ Thái Bình về Hà Nội. Cụ thể, khoảng 10h40 ngày 30/3/2020, anh T.N.A (SN 1996, trú huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), là phụ xe và anh N.Đ.D (SN 1984, trú huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là lái xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội, nhận vận chuyển 1 gói tài liệu của công ty Dương về Hà Nội.
Quá trình vận chuyển, do anh N.A và người nhận hàng tại Hà Nội không thống nhất được địa điểm giao hàng dẫn tới việc hàng bị giao muộn.
Sau đó, anh N.A bị chồng của nữ đại gia gọi điện đe dọa, hẹn về Thái Bình nói chuyện. Khoảng 18h20 cùng ngày, khi anh N.A cùng một người đàn ông đến nhà bà Dương thì bị đe dọa, tra hỏi. Tiếp đó, Dương cùng đồng phạm đã đánh, gây thương tích cho anh N.A.
Căn cứ kết quả điều tra ban đầu và giám định thương tích của anh N.A, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Nguyễn Thị Dương để điều tra, làm rõ vụ án.
Nữ đại gia Hứa Thị Phấn
Bà Hứa Thị Phấn (SN 1947, quê Đồng Tháp) là cái tên được nhắc nhiều trong các đại án liên quan tới Ngân hàng Xây dựng, OceanBank từ năm 2016 đến nay. Bà Phấn cũng là một mắt xích quan trọng giữa thương vụ ông Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh khiến hai nhân vật này phải ngồi tù.
Năm 2001, bà Phấn từng thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Năm 2006, theo Nghị định 141/2006, các ngân hàng phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể. Lợi dụng chủ trương này, bà Phấn đã dùng nhiều thủ đoạn “lấy mỡ nó dán nó” để góp vốn kiểm soát TrustBank khi ngân hàng này chỉ có 1.000 tỷ đồng.
Với thủ đoạn trên, chỉ trong vòng 3 năm từ 2007-2010 bà Hứa Thị Phấn đã từ một doanh nghiệp mới thành lập trở thành nữ đại gia ngàn tỷ, quyền lực.
Năm 2017, Cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn. Trong kết luận điều tra của cơ quan điều tra không có bất cứ lời khai nào của bà này vì khi cơ quan điều tra tiếp cận bà ở bệnh viện thì bà "luôn ở tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời”.
Bà Hứa Thị Phấn.
Tháng 3/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã tống đạt cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn về hai tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến tháng 5/2018, nữ đại gia bị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xử vắng mặt (bà Phấn không thể tới tòa vì mất sức khỏe 93%) và tuyên y án sơ thẩm 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bản án có hiệu lực ngay khi hội đồng xét xử tuyên án.
Năm 2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bà Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp
Bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, Bình Định) bắt đầu sự nghiệp ở vị trí công chức, ban đầu tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng, sau đó về An Giang rồi Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương (thời điểm đó), tại TP.HCM.
Năm 1984, bà bắt đầu dấn thân vào bất động sản, từ một căn chung cư tại số 72 Ký Con, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Bà mua chung cư cũ rồi cải tạo lại và bán với giá cao hơn.
Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp không chỉ mua bán chung cư cũ mà bắt đầu lấn sang những sản phẩm lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc… Bà Diệp từng là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH Nam Nam Phương.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp.
Năm 2014, bà từng chia sẻ với báo chí giá trị tài sản của mình có thời điểm lên mức xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, thông qua các bất động sản nắm giữ và tài sản cá nhân. Cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi khi bà chi gần 1.4 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008.
Tháng 1/2019, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước...", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty BĐS Diệp Bạch Dương. Nữ đại gia bị bắt tạm giam phục vụ quá trình điều tra.
Bà Trần Ngọc Sương
Bà Trần Ngọc Sương (SN 1949, quê Hậu Giang) – Nguyên Giám đốc nông trường Sông Hậu gắn liền với “kỳ án” xét xử “Lập quỹ trái phép” kéo dài từ 2008 đến 2012.. Vụ án của bà đã một thời làm dậy sóng dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí cả nước.
Bà Sương từng ở trên đỉnh cao danh vọng với nhiều danh hiệu danh giá như “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, “Người Phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á Thái Bình Dương”, “Người phụ nữ tài năng toàn quốc”… Nhưng sóng gió bỗng ập tới người phụ nữ lúc tuổi đã lục tuần khi phải đứng trước vành móng ngựa và bị tuyên án 8 năm tù về hành vi phạm tội “Lập quỹ trái phép”.
Theo đó, ngày 9/9/2008, bà Sương đã bị khởi tố về hành vi lập quỹ đen trái phép nhiều tỷ đồng trong thời gian bà còn làm giám đốc của Nông trường Sông Hậu.
Bà Trần Ngọc Sương.
Sau 4 năm xét xử với nhiều tranh cãi, ngày 19/1/2012, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án Nông trường Sông Hậu và đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với từng bị can. Bà Ba Sương đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do xét hoàn cảnh lịch sử xảy ra sai phạm và những tình tiết giảm nhẹ, công lao đóng góp của gia đình và cá nhân bà.
Mặc 5 năm sóng gió oan trái nhất trong cuộc đời, vượt qua cả bệnh tật và tuổi cao sức yếu, bà Sương một lần nữa lại bước tiếp nghiệp doanh nhân dang dỡ của mình với quyết định thành lập công ty TNHH chế biến hàng nông sản mang tên Cô Ba Sương ở TP.HCM.