Việc bốn phụ nữ đánh đập, lột áo cô gái trẻ giữa phố đã có sự xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Ngày 15-6, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip ghi lại cảnh bốn người phụ nữ cùng nhau đánh đập, lột áo một cô gái trẻ giữa phố tại khu vực Big C Hà Đông (Hà Nội). Nguyên nhân sự việc được cho là xuất phát từ ghen tuông.
Ngay sau khi xuất hiện, các đoạn clip đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhiều thành viên mạng xã hội không khỏi “sốc” trước vụ đánh ghen kinh hoàng này. Đa phần đều rất bức xúc trước sự dã man của bốn người phụ nữ kia, cho dù nếu sự thật đúng là cô gái trẻ có quan hệ bất chính với chồng của một người trong nhóm.
Thông tin mới nhất, Công an quận Hà Đông đã triệu tập hai trong số bốn người phụ nữ để điều tra, làm rõ vụ việc. Hai phụ nữ còn lại bỏ trốn cũng đang được truy tìm.
Trao đổi về vụ đánh ghen, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng dưới góc độ pháp lý, hành vi đánh đập dã man, xé quần áo, chửi rủa cô gái của bốn người phụ nữ đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
"Tôi xin phép không bàn tới ai đúng, ai sai về việc trong chuyện cô gái này có quan hệ bất chính với chồng của một người trong nhóm như báo chí đưa tin nhưng ở đây rõ ràng đã có việc xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo nội dung clip, những người đánh ghen kia có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức hình phạt cao nhất cho tội này lên đến ba năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm" - luật sư Tuấn Anh nói.
Theo luật sư, việc bốn người phụ nữ đánh ghen cô gái trẻ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo luật sư này, hành vi của những người phụ nữ tham gia đánh cô gái trong đoạn clip đã được cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc theo chế tài hình sự.
Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định. Trong đó, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Vi phạm quy định về trật tự công cộng tùy từng hành vi sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền cao nhất đến 3 triệu đồng.
Trường hợp hành vi của những người phụ nữ đánh đập dã man cô gái trẻ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 104 BLHS năm 1999. Ngoài ra, hành vi nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 BLHS năm 1999.
“Dưới góc độ xã hội tôi cho rằng đánh ghen là một lựa chọn thiếu sáng suốt, nó không chỉ đẩy các cuộc hôn nhân đến vực thẳm mà còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý khó lường” - luật sư Tuấn Anh chia sẻ.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng trong trường hợp phát hiện chồng hoặc vợ mình ngoại tình, cần phải bình tĩnh giải quyết không nên nóng vội, vì những kẻ không xứng đáng mà phải đánh đổi cả danh dự, tương lai của chính mình. Trường hợp cần thiết phải thông báo đến cơ quan chức năng để giải quyết thay vì việc đánh ghen.
Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định vi phạm quy định về trật tự công cộng 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; ... 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; .... 3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác; b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau; e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác; i) Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm; ... 4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; .... |