Khác với thái độ phẫn nộ của đám đông trong vụ đánh ghen tập thể ở Bắc Ninh thì hiện nay nhiều người lại có cách hành xử ngược lại, là cổ súy cho việc ngoại tình.
Lý giải vì sao các cô gái độc thân lại có lối suy nghĩ mình có “quyền” quan hệ với người đàn ông đã có gia đình, GS.TS Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển cho rằng có hai lý do: Thứ nhất là luật pháp về vấn đề ngoại tình chưa nghiêm, thứ hai là do những những chuẩn mực đạo đức truyền thống đang bị xem nhẹ.
Về mặt luật pháp, quy định xử phạt tù những người có hành vi ngoại tình sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới. "Nhưng quy định là một chuyện, còn việc thực thi như thế nào là một vấn đề khác. Nếu việc thực thi nghiêm minh thì tôi nghĩ, vấn đề ngoại tình sẽ được hạn chế đáng kể", ông Khanh nói.
Vợ chồng GSTS Đặng Cảnh Khanh
Về mặt đạo đức, nhiều người không xem ngoại tình là lý do làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Thực chất ngoại tình là biểu hiện rõ nhất của sự sai lệch về giá trị gia đình. Chúng ta sống trong thời kỳ mà nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng về những giá trị gia đình. Có những giá trị gia đình làm bền vững các mối quan hệ thì thế giới đang xem nhẹ nó, thậm chí là không nhìn thấy giá trị của nó. Sự sai lệch trong nhận thức về giá trị gia đình dẫn đến những sai lệch về hành vi và lối sống trong xã hội.
Sai lệch dễ nhìn thấy nhất đó là người ta nhìn nhận giá trị gia đình chỉ dựa trên yếu tố tình cảm. Mà tình cảm thường rất mong manh. Tình thường dễ nhạt nên gia đình dễ đổ vỡ.
Chúng ta vẫn thường nói cho nhau nghe rằng “vợ chồng ngọai tình ra còn là nghĩa”. Chữ “nghĩa” trong gia đình vô cùng quan trọng. Bởi vợ chồng, khi hết tình sẽ còn nghĩa. Cái “nghĩa vợ chồng” mới là cao cả, thiêng liêng.
Nhưng cái nghĩa vợ chồng này hiện nay đang bị xem nhẹ.
Người chồng và cô nhân tình đang trần tình với báo chí sau khi bị cả làng đánh ghen tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu
"Lý do bị xem nhẹ là bởi hiện chủ nghĩa cá nhân đang được đề cao. Cá nhân được đề cao, cái tôi vì thế cũng được phát triển. Cái tôi được đề cao thì tình yêu sẽ trở thành tối thượng, còn cái nghĩa sẽ bị xếp vào hàng thứ yếu. Ngoại tình từ đó nảy sinh và ngày càng phát triển như ta đã thấy trong xã hội ta hiện nay", GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhận định.
Đã ngoại tình thì ai cũng sai trái như nhau. Bởi họ là “kẻ thứ 3” xen vào gia đình người khác, gây nên những đau khổ cho các thành viên trong gia đình đó. Hành vi ngoại tình vì thế được xem là trái đạo đức.
Theo ông Khanh, đàn ông ngoại tình cũng sai mà phụ nữ độc thân công khai yêu đàn ông có vợ lại càng sai trái hơn. Chúng ta không có ý bênh đàn ông nhưng rõ ràng, nếu chị em phụ nữ mà nghiêm khắc thì đàn ông không thể làm được gì. Đàn ông nhiều người vốn thích trêu hoa ghẹo. Không phải người đàn ông nào tán tỉnh các cô gái cũng đều xuất phát từ tình yêu thực lòng, đôi khi họ chỉ trêu đùa mà thôi.
Nếu chị em phụ nữ nghiêm túc trong vấn đề này, nếu họ xem việc quan hệ với người đàn ông đã có gia đình là trái đạo đức không chỉ tránh cho họ bị vướng vào các mối quan hệ tình cảm không đâu đến đâu mà còn giúp họ sống có đạo đức hơn. Nói dễ hiểu hơn, nếu họ nói không với những người đàn ông đã có gia đình, họ sẽ tránh bị dây vào mối quan hệ phức tạp đau khổ, vừa không gián tiếp gây đau khổ cho vợ chồng, con cái của gia đình người khác.
Ngoài nguyên nhân chủ quan thuộc về những người trong cuộc thì hiện nay có một tình trạng là nhiều người đang vô tình cổ súy cho vấn đề ngoại tình.
Vụ đánh ghen có một không hai khi cả làng xúm vào đánh ghen hộ một người vợ. Ảnh tư liệu
Khác với thái độ phẫn nộ của đám đông trong vụ đánh ghen tập thể ở Bắc Ninh thì hiện nay nhiều người lại có cách hành xử ngược lại.
Trong một cơ quan, khi một nhân viên cặp bồ với sếp, thay vì lên án thì không ít người dưới quyền, vì muốn nịnh bợ sếp nên cũng quay sang ủng hộ mối quan hệ đó của sếp, thậm chí còn nâng đỡ, dìu dắt, giúp bồ của sếp có được vị trí làm việc tốt nhất.
Đây là một sự cổ súy tai hại cho việc ngoại tình, cổ súy cho những đầu óc non nớt thiếu hiểu biết hiểu rằng, làm bồ của sếp là một vinh dự, là sự tự hào. Hiện tượng này không chỉ có trong các công ty, doanh nghiệp mà còn xuất hiện cả trong các cơ quan nhà nước.
Một sự cổ súy khác nữa đó là vấn đề truyền thông về những người nổi tiếng. Khi viết hay đưa hình ảnh về những cô chân dài người mẫu, ca sĩ, diễn viên là người tình của đại gia có vợ, báo chí vẫn lăng xê họ như không có chuyện gì xảy ra. Dù là kẻ thứ 3 nhưng họ vẫn là nữ hoàng nội y, là nữ hoàng giải trí. Những hình ảnh và các bài viết về những người đẹp này vẫn tràn ngập mặt báo bởi sự giàu sang, đẹp đẽ và đáng mơ ước…
Người nổi tiếng làm việc trái đạo được lăng xê thì việc làm sai trái đó trở thành bình thường. Đó chính là cách định hướng lối sống, định hướng các giá trị sống trong xã hội. Và như vậy, truyền thông vô tình đã cổ súy cho vấn đề ngoại tình.