Hiện tại, dư luận không quan tâm nhiều đến mức án dành cho các bị cáo mà muốn biết số phận 4.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt rồi sẽ ra sao?
Hôm nay, phiên tòa phúc thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (Nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank) cùng đồng phạm đã bước sang ngày thứ ba. Như vẫn khẳng định không kháng cáo, chỉ là “xin nhà lại cho mẹ”. Nhưng hiện tại, dư luận không quan tâm nhiều đến việc mức án nào sẽ dành cho các bị cáo. Thay vào đó, mọi người muốn biết, số tiền 4.000 tỉ đồng được cho là bị cáo này chiếm đoạt đang ở đâu và làm cách nào để thu hồi?
Luật sư Đỗ Hải Bình (đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, nều trong phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như vẫn được tuyên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì về phần dân sự, Như phải có trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ tài sản đối với những người bị hại. Tài sản thu hồi được của Như sẽ được kê biên, tạm giữ và cơ quan thi hành án sẽ thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án. Giả sử tài sản kê biên, tạm giữ của Huyền Như không đủ để thanh toán cho những người bị hại trong vụ án, thì gần như phần nghĩa vụ dân sự còn lại không có khả năng thi hành án.
Huyền Như khóc khi được cảnh sát tư pháp đưa áp giải sau phiên tòa
Theo hồ sơ vụ án, hiện tại Huyền Như bị kê biên 39 tỷ đồng tiền mặt, đã nộp 8 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả. Như bị thu 31 tỷ đồng. Công an thu giữ 3 ô tô có giá trị 4,56 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo này còn bị kê biên 13 bất động sản có tổng giá trị 185,33 tỷ đồng. Ngoài ra, Như còn bị thu giữ nhiều tài sản khác như giường, tủ lạnh, bếp ga, máy rửa chén… giá 512 triệu đồng.
Tổng giá trị tài sản Như bị kê biên chưa đến 300 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền Như được cho là lừa đảo lên đến con số 4.000 tỷ đồng. Làm một phép tính so sánh nhỏ chúng ta cũng đã có thể thấy, số tài sản của Như bị kê biên là quá nhỏ so với số tiền đã chiếm đoạt. Thế nhưng, trong mấy ngày qua, Huyền Như vẫn khẳng định muốn “xin” lại biệt thự tại Quảng Nam cho mẹ với giá 43 tỷ đồng. Nếu, phiên tòa phúc thẩm không có gì thay đổi thì chắc chắn Như không đủ khả năng trả.
Trao đổi với chúng tôi, một số luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm cho rằng, Huyền Như có dấu hiệu tội Tham ô tài sản. Bởi, nhiều cá nhân, tổ chức nộp tiền vào tài khoản của họ mở tại ngân hàng Vietinbank bị Như chiếm đoạt. Trong khi đó, Vietinbank có vốn điều lệ của Nhà nước.
Như được ngân hàng này giao quyền giám đốc phòng giao dịch, có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản ngân hàng. Như chính là người có trách nhiệm quản lý tài sản của khách hàng tại ngân hàng Vietinbank. Như lợi dụng danh nghĩa này để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Điều này đồng nghĩa, Như có phạm tội Tham ô tài sản.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, trong phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định, Như chỉ phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vietinbank không có trách nhiệm đối với phần dân sự của vụ án. Giả thiết, nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên tội trạng của Như thì mọi chuyện vẫn y như cũ. Ngược lại, nếu có những tình tiết mới, Tòa quyết định tuyên trả hồ sơ, điều tra lại vụ án thì có thể mọi chuyện sẽ thay đổi. Và có thể, Vietinbank phải có trách nhiệm đối với phần dân sự 4.000 tỉ đồng trong vụ án, các bị hại sẽ được trả lại số tiền đã bị chiếm đoạt.
Đồng phạm của Huyền Như
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, trong phiên tòa phúc thẩm, việc hủy án toàn bộ bản án là rất khó xảy ra. Họ dự đoán, ở phiên tòa phúc thẩm, sẽ có một số tình tiết mới, dẫn đến vụ án có một vài thay đổi nhỏ. Tuy nhiên, bản chất của vụ án sẽ vẫn được giữ nguyên. Có thể, HĐXX của phiên tòa phúc thẩm sẽ hủy một phần nhỏ của bản án nếu có tình tiết mới để điều tra lại.
Đến nay, tất cả mọi người vẫn không thể biết cái kết của vụ án này như thế nào cho đến khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc. Tất cả mọi dự đoán đều chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên, dư luận vẫn muốn biết 4.000 tỉ đồng trong vụ án này rồi sẽ ra sao? Không thể nào Huyền Như bị tuyên án, ở tù chung thân rồi khối tài sản kếch xù ấy “mất tích” là xong. Ít nhất, dư luận muốn biết, số tài sản ấy đã được sử dụng và khả năng thu hồi như thế nào?
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. |