Huyền Như nổi tiếng với biệt danh siêu lừa. Bởi, bị cáo này đã ra tay chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 15 ngân hàng, công ty và cá nhân.
Sáng nay, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đưa vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank) cùng đồng phạm phạm ra xét xử từ ngày 15/12/2014 đến 31/12/2014. Trong vụ án này, Huyền Như được xem là kẻ cầm đầu, lừa đảo, chiếm đoạt 15 ngân hàng, công ty và cá nhân với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Siêu lừa Huyền Như xuất hiện tại phiên xử sáng nay
Cách đây gần một năm, Huyền Như bị tuyên phạt mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt là chung thân. Ngoài ra, Huyền Như còn phải bồi thường số tiền 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt.
Sau phiên xử sơ thẩm, Huyền Như không kháng cáo về mức án. Tuy nhiên, Bị cáo này xin lấy lại căn biệt thự 43 tỉ đồng ở tỉnh Quảng Nam với lý do, đây là tài sản của mẹ.
Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm tù giam về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả con dấu của cơ quan nhà nước, Cho vay nặng lãi, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài Huyền Như, còn có 19 bị cáo khác kháng cáo kêu oan, xin giảm án. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng có văn bản kháng nghị đề nghị tăng hình phạt đối với Võ Anh Tuấn và Đào Thị Tuyết Loan. Hàng loạt nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng có đơn kháng cáo. Tổng cộng có 60 đơn lá đơn được gửi đến tòa.
Bên cạnh đó, Tòa sơ thẩm còn kiến nghị cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố để xử lý tám đối tượng có hành vi tương tự Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết… trong việc giúp Huyền Như chiếm 180 tỷ đồng tại VIB mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kiến nghị khởi tố bổ sung đối với Trân Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của VIB 15 tỉ đồng.
Tòa cũng kiến nghị điều tra làm rõ, xử lý đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng là các phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM đã ký các hợp đồng tiền gửi với ACB. Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố Vũ Hồng Hạnh (Nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông) vì đã có hành vi giúp sức Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông 380 tỉ đồng khi ký bảy lệnh chi khống cho Huyền Như.
Huyền Như được mệnh danh là siêu lừa
Cuối cùng, Tòa kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nếu đủ căn cứ thì khởi tố điều tra, xử lý đối với hành vi của một số đối tượng cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần nhưng chưa bị truy tố, xử lý trong vụ án này.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền...để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.