Huyền Như vẫn sử dụng điệp khúc “không nhớ, không biết” khiến HĐXX phải cáu gắt.
“Chỉ xin nhà cho mẹ”
Sáng 16/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank) cùng đồng phạm bước vào ngày thứ hai. Khi được hỏi, Như thừa nhận mình đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mẹ Huyền Như bình thản đến phiên tòa
Như chấp nhận mức án chung thân đã được tuyên ở tòa sơ thẩm. Do đó, trong phiên tòa phúc thẩm, Như khẳng định không có ý định kháng cáo về nội dung vụ án hay mức hình phạt mà “chỉ xin lại nhà cho mẹ”.
Như cho rằng, căn nhà này là của mẹ mình. Khi bị bắt, do sợ các con nợ xiết tài sản nên mới đưa căn biệt thự giá 43 tỷ đồng tại resort tại Hội An, Quảng Nam cho cơ quan chức năng kê biên. Khi phiên sơ thẩm kết thúc, Như mới xin tòa trả lại căn nhà cho mẹ.
Khi được thẩm vấn, Như vẫn thừa nhận bản án sơ thẩm xác định diễn biến, thủ đoạn, hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân là hoàn toàn chính xác.
Điệp khúc “không nhớ”
Tuy nhiên, khi Tòa xoáy sâu vào thẩm vấn về quy trình thủ tục mở, gửi, rút tiền, trách nhiệm của Vietinbank đối với khách hàng… thì Như không thể trả lời được. Như luôn miệng khai: “Không nhớ”, “Chỉ nhớ có thế”, “Đã lâu rồi nên bị cáo không nhớ rõ”… Đây được xem là kịch bản cũ, vì trong phiên tòa sơ thẩm, mọi chuyện cũng xảy ra tương tự.
Với nhiều câu hỏi, Huyền Như không trả lời hoặc trả lời nhưng lại luyên thuyên về vấn đề khác. Do đó nhiều lần vị chủ tọa phải gắt: “Trình độ chuyên môn của bị cáo chỉ có chừng đó thôi sao?”.
Huyền Như khóc khi được viện dẫn ra xe bít bùng
Thậm chí, HĐXX đã đặt ra câu hỏi, phải chăng Như đã chuẩn bị sẵn nội dung để đối phó với tòa nên nói khá trôi chảy về các vấn đề chưa được đề cập đến.
Vị chủ tọa hỏi: “Đối với việc mở tài khoản cho khách hàng thì lãnh đạo ngân hàng có phải ký duyệt hồ sơ không? Với các lệnh chuyển tiền đi thì quy trình được thực hiện như thế nào?”. Như ậm ừ trả lời một cách lúng túng rằng có trường hợp trình lãnh đạo ký, có trường hợp chỉ cần giao dịch viên kiểm tra rồi kiểm soát viên lại là thực hiện lệnh chuyển tiền cho khách hàng. Vì cách trả lời này, vị chủ tọa một lần nữa lớn giọng hỏi về nghiệp vụ về ngân hàng của Như.
Ngân hàng nhà nước từ chối trả lời
Đặc biệt, trong phiên tòa sáng nay, khi được hỏi về việc tổ chức tín dụng có được cho vay ủy thác hay không? Các ý kiến tại tòa chia theo hai luồng.
Huyền Như và Vietinbank khẳng định không được phép. Trong khi đó, đại diện ngân hàng ACB và NaviBank lại khẳng định, trong luật không có quy định nào cấm do đó các ngân hàng được phép thực hiện cho vay và ủy thác cho các cá nhân, tổ chức tín dụng gửi tiền dưới hình thức gửi tiết kiệm.
Hai kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm
Khi được hỏi về điều này, đại diện ngân hàng nhà nước cho biết, hoạt động của ngân hàng là huy động vốn, cấp tín dụng và thanh toán qua tài khoản. Mặc dù vậy, khi HĐXX yêu cầu trả lời vào trọng tâm câu hỏi, các tổ chức tín dụng có được phép gửi tiền và ủy thác tiền gửi không thì vị này từ chối: “Tôi không trả lời”.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.